Cuộc chiến không hồi kết của những băng nhóm tội phạm Yakuza tại Nhật Bản

ANTD.VN - Tối 21-8-2019, tại tỉnh Kobe, Nhật Bản, một chiếc xe máy đã áp sát xe ô tô được điều khiển bởi một “sếp sòng” của tập đoàn mafia lớn nhất Nhật Bản. Đối tượng lái xe máy lập tức rút súng và nã liên tiếp vào xe ô tô khiến nạn nhân bị trúng 3 phát đạn.  Thủ phạm sau đó đã nhanh chóng biến mất.

Yamaguchi-Gumi được thành lập năm 1915 tại tỉnh Kobe và là tập đoàn Yakuza lớn mạnh nhất trong 22 băng nhóm tội phạm tại Nhật Bản

Nội chiến giữa các băng nhóm

Tại một quốc gia có dân số 122 triệu người với số vụ thiệt mạng vì súng trong bất cứ năm nào chỉ giới hạn trong 1 chữ số thì đây là một vụ việc gây sự chú ý và kinh ngạc cho người dân Nhật Bản. Theo nhận định ban đầu của cảnh sát, vụ giết người này là một “món quà sinh nhật” của Yakuza - những tay mafia khét tiếng của Nhật Bản. Tuần xảy vụ án mạng này đánh “dấu mốc” 5 năm của cuộc nội chiến giữa các băng nhóm tội phạm lớn nhất Nhật Bản.

Giao tranh bắt đầu diễn ra vào năm 2015, ngày 27-8, khi băng nhóm tội phạm quyền lực nhất Nhật Bản Yamaguchi-Gumi chia rẽ trong nội bộ. Hàng tá đảng phái con tách khỏi nhóm chính để tự thành lập tổ chức riêng, mang tên Kobe Yamaguchi-Gumi. Tháng 4-2017, lại một nhóm nữa tách khỏi băng đảng phản loạn trên và trở thành Ninkyo Yamaguchi-Gumi (nhóm Yamaguchi-Gumi “Nhân đạo”). Trong 3 nhóm, Yamaguchi-Gumi vẫn là phe có số quân đông nhất. Theo sau đó là nhóm Kobe Yamaguchi-Gumi và Ninkyo Yamaguchi-Gumi.

Yakuza - thuật ngữ chỉ 22 băng đảng tội phạm tại Nhật Bản hoàn toàn hợp pháp. Dù có rất nhiều điều luật giới hạn các hoạt động của Yakuza, bản thân sự tồn tại của chúng là không vi phạm pháp luật. Chính phủ thậm chí còn nắm rõ danh tính của các thành viên băng đảng cấp cao. Cảnh sát chỉ gọi các nhóm Yakuza là Bouryokudan, hay các nhóm bạo lực.

Thời điểm hiện tại, cả 3 phe vẫn không ngừng tranh chấp địa bàn của nhau. Liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực đẫm máu trong cuộc chiến băng đảng nội bộ, từ các vụ đánh đập, đâm dao, bắt cóc cho đến phóng xe tải đâm thẳng vào những địa điểm do băng đảng sở hữu, hay ném các loại bom xăng Molotov tự chế.

Dù vậy, Cảnh sát Nhật Bản cũng rất hạn chế can thiệp và kiểm soát những hành vi trên khi chưa xuất hiện thương vong dân sự và các thiệt hại bên lề khác. “Chừng nào những tay côn đồ của băng Yamaguchi-Gumi còn đánh nhau, tôi không thấy có gì bất lợi ở đây. Con số Yakuza sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối cuộc chiến và làm suy yếu sức mạnh của các băng nhóm. Chúng đang tự siết cổ bản thân mình”, thám tử Phòng Cảnh sát quản lý tội phạm có tổ chức tỉnh Kanagawa cho hay. 

Găng-xtơ “chính thức” của Nhật Bản

Yakuza - thuật ngữ chỉ 22 băng đảng tội phạm tại Nhật Bản hoàn toàn hợp pháp. Dù có rất nhiều điều luật giới hạn các hoạt động của Yakuza, bản thân sự tồn tại của họ không vi phạm pháp luật. Chính phủ thậm chí còn nắm rõ danh tính của các thành viên băng đảng cấp cao. Cảnh sát chỉ gọi các nhóm Yakuza là Bouryokudan, hay các nhóm bạo lực. 

Tự cho là các hội huynh đệ nhân đạo, các băng Yakuza sở hữu các tòa nhà văn phòng, phù hiệu tập đoàn, danh thiếp và thậm chí là cả tạp chí riêng. Yakuza kiếm tiền bằng cách thu tiền bảo kê, các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tống tiền, cưỡng ép, tịch thu tài sản, cho vay nặng lãi, gian lận trong hoạt động đấu thầu và tài chính.

Bên cạnh các hoạt động phi pháp trên, các băng nhóm tội phạm cũng có những hoạt động kinh doanh hợp pháp như xây dựng và cho thuê lao động phổ thông. Các công ty bình phong của Yakuza thường cung cấp lao động cho ngành công nghiệp hạt nhân và đây là một trong những lý do khó có thể dập tắt được chúng. 

Nhóm Yamaguchi-Gumi được thành lập năm 1915 tại tỉnh Kobe với tiền thân là một liên đoàn lao động, và là tập đoàn Yakuza lớn mạnh nhất trong 22 băng nhóm tội phạm tại Nhật Bản.

Trong thời kỳ đỉnh cao, Yamaguchi-Gumi có số lượng lên đến hơn 40.000 người và phạm vi ảnh hưởng của nhóm còn bao trùm từ ngành công nghiệp giải trí cho đến thị trường chứng khoán. Nhà kinh tế học Robert Feldman từng gọi Yamaguchi-Gumi là quỹ đầu tư cá nhân lớn thứ 2 tại Nhật Bản. Mặc dù Yamaguchi-Gumi đã tồn tại được hơn 100 năm những chưa bao giờ là một “gia đình tội phạm” hạnh phúc.

Nhóm có đến 80 phe phái đối nghịch, với 4 đảng phái quyền lực nhất là Kodo-Kai (hiện đang kiểm soát cả nhóm Yamaguchi-Gumi); Yamaken-Gumi (phe tách khỏi nhóm chính để thành lập Kobe Yamaguchi-Gumi); Goto-Gumi (đứng đầu bởi thiên tài tài chính Tadamasa Goto) và Takumi-Gumi (nổi tiếng với tiềm lực tài chính tội phạm với thu nhập hàng trăm triệu USD mỗi năm).