Cuộc chiến khốc liệt của các siêu chiến đấu cơ Âu-Mỹ

ANTĐ - Do yêu cầu đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị của các quốc gia đang phát triển ngày một gia tăng, nên các nhà sản xuất máy bay lớn trên toàn cầu đang tích cực đấu đá, giành giật đơn đặt hàng ở nhóm thị trường mới nổi, thậm chí đến các nguyên thủ quốc gia cũng tham gia vào trong cuộc chiến “ngoại giao nguyên thủ”.

Ngày 27-12, Báo Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật bản cho biết, các thị trường mới nổi liên tiếp đặt mua các loại máy bay chiến đấu, một số quốc gia vùng Vịnh như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, đang tìm kiếm một thế hệ máy bay chiến đấu mới, Brazil quyết định lựa chọn mua máy bay chiến đấu (Gripen) của công ty SAAB của Thụy Điển.

Ngày 19-12, bộ trưởng Bộ quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tự tin phát biểu lúc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp rằng: “Pháp nên nhanh chóng đạt được kết quả tại Ấn Độ và các quốc gia Vùng Vịnh”.

Buổi tối cùng ngày, công ty BAE của Anh tuyên bố, máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon do công ty này chế tạo, đã bị loại ra khỏi danh sách ứng cử viên máy bay chiến đấu thế hệ mới của UAE, còn máy bay chiến đấu Rafale của công ty Dassault Aviation - Pháp và máy bay FA-18 của công ty Boeing Mỹ đã trở thành ứng cử viên hàng đầu trong cuộc cạnh tranh này.

Kế hoạch của UAE là sẽ chi khoảng 10 tỷ USD để mua sắm 60 máy bay chiến đấu thế hệ mới để thay thế cho các máy bay chiến đấu cũ. Tháng 11, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và thủ tướng Anh David Cameron đã đến thăm UAV, tiến hành chiến dịch “ngoại giao nguyên thủ”.

Cuộc chiến giành giật thị trường khốc liệt của các siêu chiến đấu cơ 

Trong một động thái khác, ngày 18-12 vừa qua, chính phủ Brazil tuyên bố cho phép công ty SAAB độc quyền đàm phán máy bay thế hệ mới. Nghiễm nhiên máy bay Gripen của công ty này đã trở thành ứng cử viên cuối cùng trong trong gói thầu mua sắm một thế hệ máy bay chiến đấu mới của Brazil.

Kế hoạch của Brazil là trước năm 2023 sẽ đầu tư 4,5 tỷ USD để thay thế 36 máy bay chiến đấu. Bộ trưởng quốc phòng nước này Celso Amorim cho biết, quyết định cuối cùng lựa chọn máy bay chiến đấu Gripen của công ty SAAB là vì giá thành rẻ trong đó bao gồm cả yếu tố tính năng, chuyển giao công nghệ và duy tu, bảo dưỡng. Tới đây chính phủ Brazil và công ty này sẽ bàn bạc chi tiết để ký kết hợp đồng.

Tổng thống Pháp trước đây đã từng ngỏ lời với Brazil về vấn đề tiêu thụ máy bay chiến đấu cho doanh nghiệp Pháp, phía Brazil tuyên bố, họ sẽ đưa ra quyết định sau. Sau khi Brazil đưa ra quyết định trên, công ty Dassault của Pháp tỏ ý không hài lòng, vì máy bay Gripen chỉ có một động cơ, còn sản phẩm của họ có 2 động cơ, đương nhiên giá cả là không giống nhau. Đồng thời chỉ ra rất nhiều linh kiện máy bay Gripen sử dụng của nước thứ 3, đặc biệt là của Mỹ.

Xoay quanh vấn đề lựa chọn máy bay chiến đấu thế hệ mới của Brazil, FA-18 của Boeing từng được coi là có khả năng giành chiến thắng nhất. Nhưng do sự việc cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại của tổng thống Brazil Dilma Roussef, đã làm cho chính phủ nước này thay đổi, chính vì vậy mà FA-18 của Boeing đã không được Brazil cân nhắc.

Jas-39 Gripen nghiễm nhiên giành phần thắng ở thị trường Brazil

Tiếp đến là sự lựa chọn máy bay chiến đấu thế hệ mới của Hàn Quốc. Tháng 11 năm nay, nước này đã lựa chọn mua máy bay chiến đấu F-35 của công ty Lockheed Martin của Mỹ. Các quốc gia Trung Đông như Qatar và Kuwait cũng đang lựa chọn mua máy bay chiến đấu thế hệ mới. Ngoài ra, Pháp và Ấn Độ đã bước vào giai đoạn điều chỉnh cuối cùng về việc xuất khẩu máy bay Rafale. Ngày 29, tổng thống Pháp tiến hành chuyến thăm đến Ả Rập Saudi để tiếp sức cho chiến dịch chào bán máy bay chiến đấu Rafale.

So với các quốc gia phát triển, kinh tế của các nước đang phát triển tăng trưởng tương đối cao, dẫn đến các nước trong nhóm này đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội.

Theo thống kê của viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, năm 2012, chi phí liên quan quốc phòng của các nước trên toàn thế giới là 1.475 tỷ USD, so với năm trước cơ bản giữ nguyên. Nhưng trong đó, những quốc gia phát triển ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu giảm chi tiêu quốc phòng, còn thị trường mới nổi khu vực châu Á và Trung Đông thì tăng lên. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến khốc liệt giữa các cường quốc chế tạo máy bay nhằm tranh giành đơn đặt hàng tại thị trường béo bở này.