Cùng đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, vì sao nữ được hưởng lương hưu 45%, nam chỉ hơn 33%?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu của lao động nam là 33,75%, nữ 45%.
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài sẽ được hưởng tỷ lệ hưởng lương hưu cao

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài sẽ được hưởng tỷ lệ hưởng lương hưu cao

Tại tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chính phủ đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 năm, tiến tới lộ trình 10 năm nhằm mở rộng diện bao phủ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia lưới an sinh.

Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 là cơ hội giúp người lao động cao tuổi, tham gia bảo hiểm xã hội muộn... được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề băn khoăn với quy định mới này.

Cụ thể, người lao động cho rằng, điều kiện hưởng lương hưu của nam và nữ khác nhau. Cùng có thời gian đóng là 15 năm nhưng nam chỉ hưởng 33,75%, nữ hưởng 45%, điều này chưa công bằng.

Về nội dung này, tại tọa đàm bảo đảm an sinh cho người lao động, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Trường Giang cho hay, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này tập trung vào các nhóm chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ người đóng, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.

Việc giảm thời gian đóng xuống 15 năm chỉ hướng đến một số nhóm đối tượng nhất định, chủ yếu là nhóm tham gia bảo hiểm xã hội muộn do không có điều kiện đóng dài, chứ không phải tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Với nguyên tắc đóng - hưởng trong bảo hiểm xã hội thì người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài sẽ được hưởng tỷ lệ hưởng lương hưu cao và mức lương hưu cao hơn.

Những người không có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội dài, có thể hưởng mức lương hưu khiêm tốn hơn, nhưng họ vẫn có nguồn thu nhập lương hưu ổn định hằng tháng khi về già. Đặc biệt là có bảo hiểm y tế đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động.

Về tỷ lệ hưởng lương hưu, luật hiện hành quy định, từ năm 2022, đối với lao động nam nghỉ hưu, cứ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ này với nữ tương ứng 15 năm đóng.

Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, khi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm, theo tính toán mức hưởng cho 15 năm đóng chỉ còn 33,75%, trong khi đó nữ vẫn là 15 năm và mức hưởng là 45%.

Trước đó, lý giải về sự khác biệt trong mức hưởng của nam và nữ, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, nếu như ở các lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trước đây, việc đảm bảo cân đối, tính bền vững, ổn định lâu dài của Quỹ bảo hiểm xã hội được ưu tiên, thì lần này quan điểm chung là ưu tiên hơn cho việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, để nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu.

Công thức tính, mức hưởng lương hưu về cơ bản kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội các năm 2006, 2014.

Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 từng quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam và nữ để hưởng 45%. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sửa đổi Luật năm 2006 đã điều chỉnh tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu của nam lên 20 năm, song với lao động nữ vẫn giữ nguyên 15 năm đóng để hưởng tỷ lệ 45%.

Cho nên, đề xuất giảm năm đóng nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch.