Cửa tử nơi bệnh viện

ANTĐ - Mỗi năm, một nửa trong số 340.000 số ca tử vong của phụ nữ châu Phi do liên quan đến thai sản. Nhưng cái chết của sản phụ Jennifer Ankugo và Nalubowa là những trường hợp đầu tiên khiến công chúng Uganda tức giận và đòi làm sáng tỏ.

Một bệnh nhân nằm chờ trên chiếc giường bệnh cũ nát tại một bệnh viện ở Arua

Điệp khúc “thật đáng tiếc”

Vào ngày định mệnh đó, chị Jennifer Anguko đã rời ngôi làng của mình đến sống cùng một nhà họ hàng gần bệnh viện Arua, cách Thủ đô Kampala, Uganda 300 dặm về phía tây bắc. Để chuẩn bị cho kỳ sinh nở, như thường lệ, vợ chồng chị Jennifer mua các vật dụng y tế mà họ được biết bệnh viện đang thiếu như: găng tay cao su, bông gòn, lưỡi dao cạo để cắt dây rốn.

Một sáng chủ nhật, năm 2010, Jennifer đau bụng trở dạ và được đưa đến bệnh viện. Và buổi chiều cùng ngày, chồng chị đứng bên ngoài phòng thăm nom, nghe điện thoại của vợ. Jennifer nói với chồng chị đang bị mất máu và không có y tá hay bác sĩ nào bên cạnh. Chồng của chị Jennifer, anh Valente Inziku, một giáo viên, hoảng loạn chạy đến bên vợ trong khi vợ anh trút những lời cuối cùng: “Em không sống nổi nữa”, Jennifer nói khi Valente bế chị lên, “Hãy chăm sóc các con thay em…”. Chồng của Jennifer cùng người em vợ Jane Adiru, 33 tuổi, chạy đôn chạy đáo tìm đến các y tá cầu cứu nhưng họ lờ đi.

Bệnh viện này sau đó đã thừa nhận không có bác sĩ nào đến kiểm tra Jennifer trong vòng 12 giờ sau khi cô nhập viện và vào lúc Jennifer nguy kịch, chỉ có một nữ hộ sinh làm nhiệm vụ. Cuối cùng Jennifer cũng được đưa vào phòng phẫu thuật nhưng đã quá muộn.

Jennifer cùng đứa con trong bụng đã qua đời. Trong văn bản gửi đến các quan chức cấp trên, Tổng giám đốc bệnh viện cho biết: “Bệnh viện Arua lấy làm tiếc trước toàn bộ sự việc”.

Một trường hợp khác là của chị Sylvia Nalobowa. Sản phụ Nalubowa, 40 tuổi, một nông dân và là mẹ của 7 đứa con, được đưa đến một bệnh viện ở Mityana. Mẹ chồng cô, bà Rhoda Kukkiriza cho biết, y tá ở đây đã đòi hối lộ 24 USD mới gọi điện thoại cho bác sĩ đến cứu con dâu bà. Bà Rhoda thành thật nói với y tá rằng toàn bộ số tiền có được bà đã chi trả cho việc mua sắm các đồ dùng y tế mà bệnh viện thiếu. Y tá sau đó đã bỏ mặc chị Nalubowa tại khoa sản. Trong lúc đang bị mất máu chị Nalubowa hổn hển: “Tôi sẽ bán lợn, bán gà, bán dê, y tá làm ơn đến giúp tôi”, bà Rhoda kể lại. Sau đó, dù bác sĩ đến nhưng chị Nalubowa đã không qua khỏi.

Một nhà chức trách địa phương đã giới thiệu mẹ chồng và chồng của sản phụ Nalubowa với Tổng thống Yoweri Museveni khi ông có chuyến thăm tại một huyện gần đó. Trong buổi tiếp kiến ngắn ngủi với Tổng thống, bà Rhoda cho biết ông đã nói với họ: “Tôi xin lỗi. Thực sự là một điều đáng tiếc”. Sau đó, Thư ký của Tổng thống đã gửi đến gia đình một phong bì chứa 190 USD. Bộ trưởng Y tế Uganda James Kakooza đã đến thăm bệnh viện nơi sản phụ Nalubowa được điều trị và ngỡ ngàng trước cảnh hoang tàn của bệnh viện này. Những bức tường ẩm mốc, nóc nhà dơi làm tổ.

Cắt xén ngân sách y tế

Sau khi gia đình của hai nạn nhân nộp đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng, dư luận Uganda dấy lên một loạt câu hỏi xung quanh vấn đề các viện trợ nước ngoài cho hệ thống y tế khó khăn của châu Phi. Trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khác đã viện trợ hàng tỷ đô la để châu lục có nhiều nước nghèo nhất thế giới này chống lại căn bệnh thế kỷ AIDS hay các loại bệnh lây nhiễm khác, cứu giúp hàng triệu người sống sót, thì hầu như chính quyền các nước châu Phi đã giảm chi tiêu dành cho y tế trong nước để chuyển cho những lĩnh vực ưu tiên khác. Có những nước đã cắt xén đến 43%, báo cáo năm 2010 của Đại học Washington chỉ ra. Cũng theo ước tính, Uganda chỉ chi chưa đầy 57% số tiền viện trợ nhận được cho các dịch vụ y tế.

Rogers Enyaku, một chuyên gia tài chính của Bộ Y tế Uganda khẳng định, ngân sách cho dịch vụ y tế đang tăng lên nhưng “không đáng kể”. Trong khi đó, các nước châu Phi vẫn chi hơn nửa tỷ USD để mua các chiến đấu cơ hay các thiết bị phục vụ quân sự khác - chi phí gấp gần 3 lần tiền dành cho toàn bộ hệ thống y tế công trong năm 2010.

Ngày càng có nhiều người nghèo tại Uganda đổ xô vào hệ thống các bệnh viện công chữa bệnh nhờ chính sách khám bệnh miễn phí từ hơn thập kỷ trước. Và nhiều nước châu Phi áp dụng chính sách tương tự. Nhưng thực tế cho thấy, hậu quả của việc giới hạn đầu tư y tế đã khiến việc quản lý hệ thống y tế kém đi và thiếu nguồn lực để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, các chuyên gia cho biết. Tại các bệnh viện trong khu vực như bệnh viện Arua, lượng bác sĩ chỉ bằng nửa nhu cầu và thiếu trầm trọng y tá, hộ sinh hay các nhân viên y tế khác. Báo cáo năm 2010 của Bộ Y tế Uganda cũng nêu rõ, phần lớn các phòng khám và bệnh viện thường xuyên ở trong tình trạng hết các loại thuốc thiết yếu, trong khi chỉ có 1/3 cơ sở y tế có đủ các dụng cụ như kéo, kẹp dây hay chất khử trùng…

Bệnh viện nơi chị Jennifer qua đời là bệnh viện phụ sản phục vụ khu vực có gần 3 triệu dân, nhưng gần đây có nhiều ca sản phụ không được khâu lại vết thương sau khi mổ lấy thai. Tiến sĩ Emmanuel Odar, một tiến sĩ sản khoa duy nhất của bệnh viện cho biết, hầu hết gia đình bệnh nhân phải tự mua trước các đồ dùng y tế tại các hiệu thuốc gần đó. Những bệnh nhân nghèo không có tiền thì phải cầu xin hoặc đi vay mượn.

Theo Tiến sĩ Olive Sentumbwe-Mugisa, bác sĩ sản khoa người Uganda và cũng là cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham gia nhóm điều tra của Bộ Y tế về cái chết của sản phụ Jennifer Anguko và Sylvia Nalubowa, cả hai sản phụ này đã không được cứu sống kịp thời.

Theo một nghiên cứu năm 2010 về tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ của trường Đại học Washington, có khoảng 80% ca tử vong sản phụ trên thế giới chỉ xảy ra ở 21 quốc gia, trong đó 15 nước là ở châu Phi hạ Sahara (vùng nghèo nhất thế giới). Uganda nằm trong số đó.