Cửa hàng xăng dầu đóng cửa "găm" hàng chờ tăng giá có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng hơn 100 cửa hàng xăng dầu ở phía nam đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, nhiều người dân đặt câu hỏi “có hay không việc cố tình “găm” hàng chờ tăng giá, chế tài xử lý hành vi này ra sao”?

Theo Bộ Công thương, việc hơn 100 cửa hàng xăng, dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh không phải hiện tượng phổ biến và Bộ này đang có chỉ đạo để bù đắp thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu ở các tỉnh phía Nam.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ đạo, kiên quyết kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm khắc, thu hồi giấy phép thương nhân xăng dầu vi phạm theo quy định pháp luật.

Cũng liên quan đến sự việc trên, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo khẩn Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, đơn vị QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên Giấy xác nhận đủ điều kiện…

Nhiều cửa hàng thông báo hết xăng, tạm ngừng kinh doanh

Nhiều cửa hàng thông báo hết xăng, tạm ngừng kinh doanh

Bên cạnh đó, đơn vị này sẽ tổng kiểm tra làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, có thể nói, hành vi "găm" hàng tại các cây xăng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu có đủ căn cứ cho rằng các cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh phía Nam cố tình ngưng bán hàng đợi tăng giá thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 31 Nghị định này quy định mức phạt tiền thấp nhất là 5-10 triệu đồng và cao nhất là 80-100 triệu đồng về hành vi đầu cơ hàng hoá. Bên cạnh đó, tổ chức cá nhân vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6-12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Đình chỉ hoạt động kinh doanh…

Trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đầu cơ - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Điều 196 BLHS 2015 nêu rõ, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì sẽ bị phạt tiền thấp nhất từ 30-300 triệu, cao nhất là 1,5-5 tỉ đồng, đồng thời bị phạt tù từ 6 tháng-15 năm. Pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu-9 tỉ đồng.

Để giải quyết triệt để tình trạng trên, cơ quan chức năng cần thực hiện đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang đóng cửa, tạm ngừng bán hàng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi để làm gương, tránh tái diễn.