Cử tri Hà Nội bức xúc trước tình trạng tham nhũng, thất thoát trong vụ Việt Á, kiến nghị sửa Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gửi kiến nghị tới Quốc hội, cử tri Hà Nội bày tỏ bức xúc với tham nhũng trong lĩnh vực y tế, bất bình với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc đưa Lịch sử thành môn học tự chọn, hay kiến nghị sớm sửa Luật Đất đai...
Cử tri Hà Nội kiến nghị sớm sửa Luật Đất đai, Luật Thủ đô... (Ảnh minh họa)

Cử tri Hà Nội kiến nghị sớm sửa Luật Đất đai, Luật Thủ đô... (Ảnh minh họa)

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành.

Theo báo cáo, về tâm tư, nguyện vọng của cử tri, dư luận nhân dân đánh giá cao và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành của Trung ương trong các tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, cử tri Hà Nội đặc biệt bức xúc trước những vụ việc sai phạm, tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (vụ nâng giá kit xét nghiệm Việt Á, vụ đưa, nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự…), trong lĩnh vực y tế (vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan).

“Cử tri kiến nghị tăng cường việc giám sát, đôn đốc các cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị của nhân dân; tăng cường kiểm soát, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, tiêu cực mạnh mẽ, hiệu quả, công khai hơn” - báo cáo nêu.

Về phần kiến nghị, cử tri Hà Nội kiến nghị xem xét, đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai và nêu những vướng mắc, bất cập như: Việc thu hồi giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn do xác định giá đất chưa sát giá thị trường; việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với những trường hợp không có giấy tờ...

Đối với Luật Tố cáo, cử tri Hà Nội đề nghị xem xét, quy định các chế tài cụ thể hơn để xử lý đối với người tố cáo sai sự thật, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh việc lợi dụng quyền tố cáo để gây rối an ninh, trật tự công cộng; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Cử tri nhiều quận, huyện của Hà Nội như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoài Đức… kiến nghị khi sửa đổi Luật Thủ đô cần quan tâm đến thu hút, phát triển thanh niên, thế hệ trẻ. Có những điều khoản, chính sách cụ thể tạo hành lang pháp lý hỗ trợ vấn đề khởi nghiệp cho thanh niên Thủ đô…

Về lĩnh vực giám sát, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát, có Nghị quyết về đánh giá tổng rà soát về kết quả triển khai việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiện nay.

Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cử tri Thủ đô kiến nghị Quốc hội cần quan tâm nghiên cứu có cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội trong đó: Phát triển ngành du lịch, quy hoạch sông Hồng, đề án giãn dân quận Hoàn Kiếm, tuyến phố Tràng Tiền thành tuyến phố thời trang cao cấp...; đồng thời có chính sách ưu tiên, hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cử tri cũng đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, nâng mức lương tối thiểu cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và sự gia tăng giá cả.

Đáng chú ý, cử tri Hà Nội phản ánh, thời gian vừa qua tình trạng trẻ em bị bạo hành và bị áp lực về học tập gia tăng. Để ngăn chặn tình trạng trên, phát hiện và hỗ trợ tâm lý kịp thời cho các cháu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, nghiên cứu, có giải pháp để giải quyết tình trạng trên, gắn được trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội về vấn đề này.

Cử tri cũng không đồng tình, thậm chí là bất bình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự kiến môn Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp THPT. Cử tri các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông đề nghị có những quyết sách để môn lịch sử không chỉ được giảng dạy chính thống trong hệ thống Phổ thông, mà còn được nghiên cứu sâu hơn ở các trường Đại học và trên Đại học.