"Cú sốc" trong cơn khủng hoảng niềm tin

ANTĐ - Thắng lợi của Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) tại vòng 1 cuộc bầu cử cấp vùng của Pháp được mô tả là “cú sốc” lớn trong cơn khủng hoảng niềm tin ở nước Pháp khi nước này đang bị ảnh hưởng nặng bởi “dư chấn” của vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào Thủ đô Paris.

"Cú sốc" trong cơn khủng hoảng niềm tin ảnh 1Đảng cực hữu FN có tư tưởng bài ngoại của bà Marine Le Pen đã dẫn đầu tại vòng 1 bầu cử cấp vùng ở Pháp

Nhiều tờ báo lớn của Pháp, dù khuynh tả hay khuynh hữu, đều đã dùng từ “Cú sốc” để mô tả về chiến thắng của Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) tại vòng 1 cuộc bầu cử cấp vùng của Pháp. Theo kết quả chính thức công bố ngày 7-12, FN dẫn đầu tại 6 trên tổng số 13 vùng của Pháp với 27,73 % số phiếu ủng hộ của cử tri nước này, trong khi hai đảng từng thay nhau cầm quyền nhiều năm qua là Đảng Những người Cộng hòa (LR) do cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đứng đầu chỉ về thứ hai với gần 27% và Đảng Xã hội (PS) cầm quyền của đương kim Tổng thống Francois Hollande đứng thứ ba với 22,7%.

Theo giới phân tích, việc FN giành kết quả bất ngờ tại vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra ngày 6-12 chủ yếu dựa vào nỗi lo sợ của người dân Pháp sau vụ tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan vào Thủ đô Paris đêm 13-11 vừa qua khiến 130 người thiệt mạng. Những năm qua, FN - đảng cực hữu với chủ trương chống nhập cư và không ủng hộ hội nhập châu Âu - nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều của các cử tri Pháp có tâm trạng bất mãn với thất bại của Chính phủ trong việc giải quyết nạn thất nghiệp, lo ngại những bất ổn từ dòng người nhập cư. 

Kết quả thuận lợi tại vòng 1 đưa FN tới ngưỡng cửa nắm quyền lực, trước hết ở các địa phương, nếu tiếp tục giành thắng lợi tại vòng bầu cử thứ hai vào ngày 13-12 tới. Thắng tại vòng quyết định này, người của FN sẽ trở thành lãnh đạo vùng và có quyền quyết định về những lĩnh vực thiết yếu đối với hàng triệu người Pháp, từ phát triển kinh tế, quản lý trường học, vận chuyển đường sắt cho đến chuyển đổi năng lượng… trong suốt 6 năm tới. Và tham vọng lớn hơn là “bệ phóng” để đưa Chủ tịch FN - bà Marine Le Pen trở thành Tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử năm 2017. 

Trước khả năng FN sẽ giành chiến thắng tại vòng 2 cuộc bầu cử vùng, Đảng PS cầm quyền đã chủ trương rút lui ít nhất là tại hai vùng, nơi hai thành viên trong gia đình bà Marine Le Pen dẫn đầu, nhằm ngăn chặn bước tiến của phe cực hữu. Thư ký thứ nhất của Đảng PS Jean-Christophe Cambadelis kêu gọi cử tri ủng hộ đảng này dồn phiếu cho liên minh cánh hữu tránh để một số vùng rơi vào tay đảng FN có chủ trương bài ngoại và cực đoan. Đây là chiến thuật đã giúp PS ngăn ông Le Pen, cựu Chủ tịch FN và là cha của bà Marine Le Pen, trở thành Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2002.

Tuy nhiên, đảng đối lập lớn nhất LR của ông Nicolas Sarkozy lại từ chối liên minh với cánh tả để ngăn chặn khả năng FN lên cầm quyền tại các địa phương ở Pháp. Hơn nữa, nhiều thành viên trong đảng PS cũng không nhất trí với chủ trương hợp tác với đảng đối lập LR để ngăn chặn FN. Ngày 7-12, ông Jean-Pierre Masseret, thủ lĩnh PS ở khu vực phía Đông nước Pháp đã tuyên bố kháng lại yêu cầu rút lui mà đảng này đưa ra trước đó.

Trong bối cảnh cử tri Pháp còn đang chịu tác động từ “dư chấn” của vụ khủng bố 13-11 và hai đảng PS và LR không có niềm tin hợp tác với nhau thì khả năng FN giành thắng lợi chung cuộc trong bầu cử địa phương vào ngày chủ nhật này sẽ càng lớn hơn.