Cụ già ăn cát trong suốt 82 năm

ANTĐ - Giữ thói quen ăn 1 kg cát mỗi ngày trong suốt hơn 80 năm qua, cụ Sudama Devi, ở làng Kajri Noorpur thuộc tỉnh Uttar Pradesh, Ấn Độ năm nay đã 92 tuổi, nhưng vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Cụ già ăn cát trong suốt 82 năm ảnh 1

“Người ăn cát”

Theo lời cụ Sudama, thuở ấu thơ, trong một lần thách đố với đám bạn, Sudama đã chiến thắng khi ăn hết vài lạng cát. “Ngày nhỏ, bạn bè thách tôi xem có thể ăn cát được không. Ngay từ lần đầu tiên thử, tôi đã cảm thấy ngon và sau lần đó, tôi ăn chúng như thói quen ăn uống hàng ngày”, cụ Sudama kể. Rồi không biết từ khi nào Sudama nghiện ăn cát đến mức mỗi ngày cụ đều ăn khoảng 4 đĩa cát lớn.

Cụ Sudama cho biết hoàn cảnh gia đình mình khi đó rất khó khăn, do vậy việc ăn cát thay thực phẩm bình thường cũng là một cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nhưng quan trọng nhất là mặc dù giữ thói quen ăn cát trong một thời gian dài đến như vậy mà cụ không gặp bất cứ rắc rối về sức khỏe. Ngược lại, việc ăn cát giúp cụ không còn cảm giác đói và thậm chí cảm thấy khỏe mạnh hơn, cụ chưa từng phải đi khám bác sĩ.

“Ban đầu tôi sợ, không hiểu tại sao mình lại có sở thích quái đản như vậy, nhưng sau mỗi lần nhấm nháp chút cát, cơ thể tôi thấy phấn chấn lạ thường, có thể không ăn gì đến tận tối. Chúng khá ngon miệng, vị ngòn ngọt và mịn chứ không bẩn thỉu như mọi người vẫn nghĩ. Và rồi cứ thế, tôi ăn cát hằng ngày, khoảng 1kg, chia làm 3 hoặc 4 lần. Tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Ngay chính bản thân tôi cũng không hiểu sao nhờ ăn cát mà tôi không bị đói. Dĩ nhiên, vị của nó cũng không giống như thức ăn”, cụ Sudama nói.

Những người xung quanh chứng kiến cảnh cụ Sudama ăn cát đều miêu tả “như thể cụ đang ăn những thìa đường ngọt ngào”. Bản thân cụ cũng thừa nhận “Tôi ăn cát cũng giống như người ăn đường vậy”. Thông thường, cụ Sudama sẽ trộn cát với nước để uống hoặc dùng thức ăn khác chấm với cát và ăn trực tiếp. Không ít người trong làng cho rằng, có thể với bản tính tiết kiệm, kinh tế gia đình không khấm khá, nên cụ Sudama cho tới thời điểm này vẫn giữ thói quen ăn cát thay vì ăn đường.

Cụ Sudama bảo, trước kia có thể đúng là cụ ăn cát thay đường để tiết kiệm, nhưng càng về sau thì không hẳn như vậy. Cụ nhấm nháp cát như một sở thích. Ngày nào không ăn hoặc ăn ít, cụ thấy trong khẩu phần ăn của mình như thiêu thiếu một thứ gì đó. Giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, các con cháu của cụ thường khuyên nhủ cụ hãy bỏ thói quen ăn cát đi để bảo vệ sức khỏe. Cụ chỉ cười, đáp rằng: Cụ vẫn khỏe. Ngay từ khi bắt đầu ăn cát tới giờ, cụ chưa từng phải đến gặp bắc sĩ vì sở thích ăn cát của mình. Mà biết đâu, chính việc ăn cát hơn 80 năm qua lại giúp cụ khỏe mạnh, sống thọ đến ngần này tuổi. Nghe cụ nói vậy, không ai trong gia đình còn khuyên răn, thắc mắc gì nữa. 

Sự thực đúng là mặc dù có chế độ ăn khá dị thường nhưng sức khỏe của cụ Sudama vẫn hoàn toàn bình thường. Cụ có 7 người con trai và 3 người con gái (hiện tại chỉ còn 4 người còn sống), nhưng không ai trong số các con của cụ ăn cát giống mẹ. Cụ cũng là người duy nhất trong gia đình có thói quen ăn uống lạ đời như vậy.

Do mắc hội chứng “ăn bậy”?

Xét về khoa học rất có thể cụ Sudama mắc hội chứng Pica (Hội chứng “ăn bậy”). Hội chứng Pica là chứng bệnh mà những người mắc phải luôn thèm ăn những thứ không phải là thức ăn mà không thể cưỡng lại được. Bệnh Pica có nhiều loại bệnh con, với mức độ kỳ quặc hoặc nguy hiểm khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 13 món ăn phi thực phẩm xuất hiện trong thực đơn của các đối tượng mang hội chứng Pica, bao gồm cả cát, đất, phân gà, gạo, rễ sắn sống, than củi, muối và tro... Bên cạnh đó, những thức ăn bình thường như bột, khoai tây sống, tinh bột cũng là thực phẩm đi kèm.

Hội chứng Pica khiến cho người bệnh có cảm giác ngon miệng và thèm các thứ phi thực phẩm. Người bệnh không thể tiêu hoá tốt những thứ mà họ đã ăn, thậm chí còn có thể mắc bệnh và bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do ăn những thứ đó. Hội chứng Pica bắt nguồn từ tiếng La tinh dùng để gọi một loài chim có tên là Magpie. Đây là loài chim ăn tạp, chúng có thể ăn bất kỳ thứ gì, dù là vô cơ hay hữu cơ.

Các nghiên cứu về hội chứng Pica cũng cho thấy: Hội chứng bệnh lý này có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau, không phân biệt giới tính và dễ nhận thấy nhất là ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai (giai đoạn bị nghén), trẻ nhỏ và ở những người mất khả năng nhận thức (dạng tâm thần). Một số trường hợp mắc hội chứng Pica nặng đã bị tổn thương não do bị nhiễm độc chì từ việc ăn đất bị nhiễm bẩn hoá chất, có nguy cơ thủng dạ dày hoặc tắc ruột, do đất bị ứ và đóng cục trong đường ruột. Các trường hợp nhẹ nhất cũng có thể khiến bệnh nhân gặp phải các vấn đề rắc rối với bệnh giun sán ký sinh trong đường ruột, nhiễm trùng đường ruột.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được cách thức hữu hiệu để điều trị cho những người mắc hội chứng Pica. Chứng bệnh này có thể bắt nguồn từ sự thiếu hụt chất khoáng. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe không khẳng định đó là nguyên nhân chính và hiện vẫn chưa có cách điều trị hiệu quả cho căn bệnh này. Một số chuyên gia cho rằng, hội chứng Pica là một rối loạn ăn uống nghiêm trọng nhưng ít được chú ý và nghiên cứu hơn so với những chứng rối loạn khác như cuồng ăn vô độ hay chán ăn. Dẫu vậy, nhà nghiên cứu Christopher Golden nói ông hiện không tán thành việc coi hội chứng Pica là một rối loạn ăn uống vì hiện vẫn chưa rõ Pica có gây hại hay không. Ông chỉ nhất trí cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu về hội chứng này, đặc biệt là ở đàn ông.

Riêng với các bác sĩ Ấn Độ lại rất ngạc nhiên về trường hợp của cụ Sudama khi không phát hiện ra bất kỳ tổn thương hay bệnh lý nào trong người cụ. Có lẽ cơ chế trao đổi chất và chứng nghiện ăn cát của cụ Sudama sẽ vẫn là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học.