CS113 CATP Hà Nội: Địa chỉ của niềm tin

ANTĐ - Căn phòng nhỏ ở 40 Hàng Bài, nơi đặt Trung tâm chỉ huy CS113-CATP Hà Nội chẳng lúc nào ngớt tiếng chuông điện thoại. San sát trước những màn hình vi tính là hình ảnh người CS113 tay cầm bộ đàm thông báo cho lực lượng ở địa bàn nhanh chóng tới hiện trường xử lý vụ việc.

Mỗi tin báo, một “mệnh lệnh”

Dù đã qua nửa tháng 2 nhưng tiết trời Hà Nội nhất là về đêm vẫn rét căm căm. Trong căn phòng nhỏ tầng 1 của trụ sở Cảnh sát ở 40 Hàng Bài, những chiến sỹ CS113 vẫn chăm chú nhìn lên màn hình vi tính để xác định địa điểm tin báo gọi tới. Có tuổi đời ít nhất ca trực và cũng là lính mới nhưng Thượng sỹ Trần Minh Hoàng đã tỏ ra khá “thạo” việc khi liên tục dùng bộ đàm thông báo cho tổ CS113 của CAH Phúc Thọ đến ngã tư Gạch, nơi có một nhóm thanh thiếu niên đang gây rối. Sau khoảng 20 phút, tin từ tổ công tác 113 CAH Phúc Thọ báo về trung tâm, số thanh thiếu niên đang có ý định dàn trận để thanh toán nhau bằng súng hoa cải, dao, mã tấu đã được ngăn chặn kịp thời.

Tổ CS113 CAH Phúc Thọ đã thu giữ tại chỗ 1 súng hoa cải, trong đó có 1 viên đạn đã lên nòng. Ba đối tượng cầm đầu trong nhóm thanh niên này là Nguyễn Xuân Hợi (SN 1988) ở Chương Mỹ, Nguyễn Duy Chung (SN 1984) ở Phúc Thọ và Phùng Văn Sơn (SN 1983) ở Sơn Tây đã bị tạm giữ, đưa về CAH để xử lý. Thượng sỹ Hoàng cho biết, nhiều khi tin báo gây rối ở các huyện ngoại thành tưởng chừng lặt vặt nhưng nếu không nhanh chóng triển khai lực lượng giải quyết thì chẳng biết hậu quả để lại sẽ lớn đến mức nào. Mỗi một tin báo dù nhỏ hay lớn đều như là một mệnh lệnh thúc giục người CS113 lên đường.

Ngồi cạnh Thượng sỹ Hoàng là Trung úy Nguyễn Tuấn Anh. Không chỉ trực tiếp tham gia công tác tuần tra kiểm soát ở địa bàn, Trung úy Tuấn Anh còn thường xuyên được đơn vị bổ sung về làm nhiệm vụ trực tin báo ở trung tâm. “Từ chỉ huy đến thực tiễn công việc đã dạy cho bản thân mình rất nhiều bài học và kinh nghiệm để hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều người cứ nghĩ việc tiếp nhận tin báo 113 là dễ dàng nhưng thực sự, công việc đó không hề đơn giản. Sau mỗi tiếng chuông báo, trong đầu đã phải sàng lọc xem đó có là tin “rác” hay không đồng thời phải “quét” thật nhanh phương án tác chiến nếu là tin báo ANTT. Quy trình này càng nhanh, chính xác bao nhiêu thì hiệu quả công việc của lực lượng xử lý càng được nâng lên bấy nhiêu”-Tuấn Anh cho biết.

Những câu chuyện bên lề

Trung tá Phạm Cao Bỉnh - Đội phó Đội CS113 Phòng CSTT tâm sự, mỗi tin báo của người dân gọi đến đều được anh em tốc ký ngay vào cuốn sổ trực tất cả những thông tin được xem là cơ bản, quan trọng nhất. Ngoài khả năng chuyên môn nghiệp vụ, từng vị trí tiếp nhận tin báo đều được xem như là một “bản đồ” giao thông của Hà Nội. Theo như lý giải của đại diện Trung tâm CS113, trong bối cảnh giao thông chằng chịt như mạng nhện và phải đối mặt với tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm thì việc chọn đường đi sao cho đến hiện trường vụ việc nhanh nhất sẽ giúp cho công tác xử lý thành công tới 70%.

Cũng theo Trung tá Bỉnh, CBCS trực ở Trung tâm CS113 coi việc bị những đối tượng gọi điện thoại đến quấy rối, lăng mạ chỉ là chuyện nhỏ. Nói như vậy không có nghĩa rằng các anh không cảm thấy bức xúc mà sự thật, hàng ngày phải giải quyết một “núi” công việc khiến anh em chẳng có thời gian để mà “tính toán”. Tuy nhiên, để tránh gây ảnh hưởng tới công việc đồng thời răn đe những đối tượng vi phạm, anh em trong các ca trực đều có biện pháp tạo nên “bức tường lửa” ngăn chặn. Trong cuốn sổ trực lúc nào cũng được lưu giữ hàng nghìn số điện thoại nặc danh gọi đến quấy rối CS113. Mạnh tay hơn, đơn vị còn phối hợp với các phòng nghiệp vụ truy tận gốc chủ nhân số thuê bao và đối tượng gọi đến để xử lý nghiêm.

Theo thống kê của Phòng CSTT, trung bình mỗi ngày có trên dưới 1.000 cuộc điện thoại của người dân ở khắp nơi gọi tới trong đó có hơn nửa là tin báo liên quan đến ANTT. Nhiều như vậy nhưng tin báo nào cũng được đơn vị xử lý gọn gàng, hiệu quả, không sót lọt. Thiếu úy Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ, hồi mới nhận nhiệm vụ trực 113 ở trung tâm, anh có hơi bị “choáng” bởi trong một ngày đôi tai dường như bị ù đi vì phải nghe gần 400 cuộc điện thoại. Dẫu vậy, theo Thiếu úy Nam, sau vài ngày cũng quen. Đã xác định làm CS113 và trực ở trung tâm thì không chỉ riêng Thiếu úy Nguyễn Hoàng Nam mà tất cả CBCS đều nhận thức được rằng, đằng sau mỗi tiếng chuông điện thoại báo tin đó còn là người dân đang mong chờ chiến sỹ CS113 đến bảo vệ.