Công tác nghiệp vụ cơ bản đã được chú trọng từ cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 19-11, bên lề Hội nghị trực tuyến quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong CAND; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã trao đổi với PV ANTĐ một số vấn đề liên quan.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội

Theo đồng chí Phó Giám đốc CATP, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết, thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ Luật tố tụng hình sự. Việc Bộ Công an tổ chức Hội nghị quán triệt Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân ngày hôm nay là rất kịp thời, cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Công an cơ sở được nghe, nắm bắt sẵn sàng áp dụng được ngay khi Luật sửa đổi có hiệu lực ngay từ ngày 01/12/2021.

Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Giám đốc, thời gian qua, “tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn”, luôn là công tác trọng tâm được CATP quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đồng chí có thể đánh giá khái quát tình hình, kết quả công tác quan trọng này, trước và sau khi mô hình Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã được triển khai tại Hà Nội?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng: Địa bàn thành phố Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã với gần 600 đơn vị Công an cấp xã, gồm Công an phường, Công an thị trấn, Công an xã và Đồn Công an.

Trung bình hàng năm, khi chưa triển khai bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, tại các địa bàn cấp huyện, thị xã tiếp nhận, giải quyết khoảng 12.000 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Lực lượng Công an xã bán chuyên trách tại Công an cấp xã chưa đảm bảo được yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo ANTT, do hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng trình độ nghiệp vụ công tác Công an, dẫn tới còn nhiều hạn chế, thiếu sót…

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa bàn huyện Gia Lâm

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa bàn huyện Gia Lâm

Thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương XI khóa XII, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Đề án số 106 về triển khai Công an xã chính quy. Từ tháng 4-2019 đến 4-2020, CATP đã triển khai mô hình Công an xã chính quy, điều động, bố trí trên 2.000 cán bộ chiến sỹ đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 383/383 xã, đạt tỷ lệ 100%.

Sau khi được triển khai, bố trí đủ theo mô hình Công an xã chính quy, trên địa bàn các xã xảy ra trên 3.200 vụ phạm pháp hình sự được phát hiện, xử lý; tiếp nhận, giải quyết trên 4.300 tố giác, tin báo về tội phạm (tăng 37.35% so với cùng kỳ các năm trước), trong đó chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố trên 2.300 vụ.

Về cơ bản, các vụ pháp pháp hình sự đều được phát hiện, xử lý; công tác nghiệp vụ cơ bản đã được chú trọng từ cơ sở; tố giác, tin báo về tội phạm được tiếp nhận, giải quyết đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

Phóng viên: Công an chính quy đảm nhiệm chức danh là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và cấp thiết, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Song bên cạnh đó, quá trình triển khai của CATP đã và đang gặp khó khăn gì, thưa đồng chí Phó Giám đốc?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng: Theo đánh giá, lực lượng Công an cấp xã, phường, thị trấn thuộc CATP Hà Nội được đào tạo chính quy. Nhiều đồng chí đã có kinh nghiệm thực tiễn làm công tác điều tra hình sự; cơ bản đủ khả năng tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Tuy nhiên, CATP cũng xác định, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn còn gặp một số những khó khăn, vướng mắc như sau:

Một là, biên chế cán bộ, chiến sỹ tại Công an các xã vẫn còn thiếu. Nhiều cán bộ Công an xã trước khi bố trí về Công an cấp xã chưa có thời gian làm công tác phòng chống tội phạm nên việc thực hiện tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn nhiều hạn chế.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng động viên lực lượng phòng chống dịch cửa ngõ Thủ đô

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng động viên lực lượng phòng chống dịch cửa ngõ Thủ đô

Hai là, tại một số xã vẫn còn tình trạng cấp ủy, chính quyền xã giao lực lượng Công an xã thực hiện các nhiệm vụ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn. Tại một số địa phương, có nơi, có lúc, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vẫn coi công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT là chức năng, nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an, vì vậy, chưa quan tâm, chỉ đạo, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Ba là, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Công an xã hầu hết còn thiếu hoặc đã cũ, chưa có trụ sở riêng, phòng ăn, nghỉ cho cán bộ chiến sỹ ứng trực gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Chế độ đặc thù cho lực lượng Công an xã chính quy còn thấp, chưa tương xứng với đặc thù công việc của lực lượng Công an xã…

Phóng viên: Từ thực tế đó, CATP có đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao vai trò, hiệu lực Công an xã, cũng như thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong CAND?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng: Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an cấp xã, đáp ứng được yêu cầu công tác theo Bộ luật Tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung, CATP có một số đề xuất lãnh đạo Bộ Công an một số nội dung như sau:

Một là, giao các Cục nghiệp vụ tham mưu lãnh đạo Bộ Công an: Phối hợp các ngành Trung ương sớm ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017 và sửa đổi Thông tư số 28/2020 theo hướng: Giao Công an cấp xã ngoài việc được kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với tố giác, tin báo tội phạm ít nghiêm trọng trong thời hạn 7 ngày, sau đó chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục hành chính (nếu xác định không có dấu hiệu hình sự).

Chỉ đạo các cục nghiệp vụ Bộ Công an xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí đối với lực lượng Công an xã phù hợp với đặc điểm dân cư, tình hình NATT từng địa bàn theo phân loại cấp xã. Từ đó, xác định định mức biên chế cụ thể, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phức tạp về ANTT; trước mắt có phương án bổ sung biên chế cho Công an cấp xã đủ về số lượng, đảm bảo công tác ứng trực và kiểm tra, xác minh ban đầu vụ việc.

Tham mưu xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu về công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kết nối liên thông từ Công an cấp xã đến Cơ quan điều tra, Văn phòng Bộ để phục vụ công tác quản lý, thống kê, báo cáo và đánh giá trung thực tình hình ANTT chung và tại địa bàn cơ sở.

Ban hành văn bản hướng dẫn việc bổ nhiệm chức danh cụ thể (Cảnh sát viên, trinh sát viên, cán bộ điều tra...) đối với Công an cấp xã để tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác tội phạm đúng quy định; đồng thời thường xuyên phối hợp với các Trường, Học viện CAND xây dựng các chuyên đề để tổ chức các lớp tập huấn về công tác trực ban tiếp dân, công tác bảo vệ hiện trường, công tác kiểm tra, xác minh thu thập chứng cứ ban đầu nhằm nâng cao kỹ năng thực tiễn trong công tác tiếp công dân, kỹ năng xử lý các tình huống, trau dồi công tác nghiệp vụ cơ bản; nâng cao trình độ pháp luật, kiến thức nghiệp vụ.

Điều chỉnh tăng mức phụ cấp, bồi dưỡng đặc thù cho lực lượng Công an xã, thường xuyên động viên khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thanh tích xuất sắc trong công tác điều tra hình sự nói riêng và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung.

Hai là, Đề xuất Bộ Công an phối hợp với UBND cấp tỉnh chỉ đạo sát sao hơn nữa trong việc quy hoạch, phê duyệt địa điểm, tiến hành xây dựng trụ sở làm việc riêng biệt cho Công an cấp xã. Đồng thời, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho Công an cấp xã tương đương với Công an phường đảm bảo tiêu chí “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình hiện nay.

Ba là, Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các cấp nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu Ban Chỉ đạo 138 các cấp trong công tác chỉ đạo đảm bảo ANTT tại địa bàn cấp cơ sở.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Giám đốc!