Thượng tá Trần Trọng Bình - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội:
Công tác kiểm soát môi trường của Hà Nội rất yếu
(ANTĐ) - Chính thức ra mắt ngày 18-11-2007, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT), một trong ba đơn vị “trẻ” nhất của CATP Hà Nội đã xác định được những thuận lợi, khó khăn, xây dựng phương hướng làm việc với mục tiêu giải quyết những bức xúc môi trường của người dân và thành phố. Những định hướng ấy đã được Thượng tá Trần Trọng Bình - Trưởng phòng CSMT trao đổi với PV ANTĐ.
- PV: Là lực lượng mới với đặc thù công việc cũng hết sức mới mẻ, đồng chí nhận xét thế nào về “hành lang pháp lý” hiện nay để CSMT hoạt động?
- Thượng tá Trần Trọng Bình: Có thể khẳng định, CSMT Hà Nội nhận được quan tâm đặc biệt của CATP và Bộ Công an, từ trang bị phương tiện liên lạc, công nghệ thông tin đến biên chế đơn vị. Hiện nay chúng ta đã có Luật về môi trường; có nhiều văn bản, Nghị định, Chỉ thị về bảo vệ môi trường. Song bên cạnh đó chúng tôi cũng xác định được không ít khó khăn.
Điều kiện trang thiết bị, phương tiện để “đo đếm” mức độ vi phạm môi trường còn thiếu, chưa hiện đại. Các văn bản pháp luật hiện nay mới chỉ “sâu” về công tác quản lý Nhà nước chứ chưa có sự định tính, định lượng pháp luật.
CSMT hiện chưa được xác định chức năng, nhiệm vụ là cơ quan trong tổ chức điều tra hình sự. Vì thế thẩm quyền để xử lý có thể sẽ gặp khó khăn. Pháp lệnh xử phạt hành chính được ban hành từ năm 2002 cũng không đề cập đến CSMT.
Một khó khăn nữa là CBCS có kiến thức chuyên ngành về môi trường chưa có, mới chỉ được tập huấn ngắn ngày. Những khó khăn này chúng tôi sẽ đề xuất, kiến nghị Bộ Công an và CATP từng bước giải quyết, song trước mắt, đơn vị xác định sẽ phát động tinh thần tự học, tự nghiên cứu trong toàn đơn vị, sẵn sàng bắt tay vào nhiệm vụ mới.
Một xưởng sản xuất giấy ô nhiễm tại quận Long Biên |
- PV: Đồng chí hình dung thế nào về công việc của lực lượng CSMT ở Thủ đô?
- Thượng tá Trần Trọng Bình: Ở đâu cũng vậy, môi trường chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, suy thoái và ô nhiễm. Tại Hà Nội, đó là thực trạng các khu dân cư phát triển thiếu quy hoạch, chịu ô nhiễm khói bụi, nước thải tồn đọng.
Nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Điều kiện kinh doanh của ta hiện nay cấp phép hoạt động nhưng không ràng buộc trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp.
Một vấn đề đáng lo ngại là công tác kiểm soát môi trường của Hà Nội hiện đang rất yếu. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy trang bị dây chuyền tái chế, xử lý chất thải. Nhưng họ mua rồi để đấy, để “qua mặt” các đoàn kiểm tra, còn thực chất vẫn tống hết rác thải, chất thải ra môi trường.
Tôi biết được thực tế là có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường cũng sẵn sàng “qua mặt” cơ quan giám sát. Một thực trạng khác tưởng như không mấy liên quan đến Hà Nội nhưng diễn biến khá phức tạp, là săn bắt động vật quý hiếm, hủy hoại môi trường sinh thái.
Hà Nội là một trong những trung tâm tiêu thụ động vật hoang dã, và cũng là tuyến vận chuyển của các đối tượng buôn lậu. Đây là những nhiệm vụ mà CSMT xác định rõ trách nhiệm đấu tranh của mình.
- PV: Vấn đề nào sẽ được CSMT “ưu tiên” trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Thượng tá Trần Trọng Bình: Bước vào hoạt động, điều quan trọng đầu tiên Ban Giám đốc CATP xác định với Phòng CSMT, là nhanh chóng ổn định, tổ chức đơn vị, xây dựng chương trình và quy chế hoạt động.
Chúng tôi đã triển khai kế hoạch điều tra cơ bản, tiến hành công tác nghiệp vụ trinh sát để phát hiện những vấn đề nổi cộm, vi phạm và tội phạm môi trường trên địa bàn thành phố, từ đó có biện pháp giải quyết cụ thể nhằm giải quyết cơ bản bức xúc của thành phố và người dân, tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp để giải quyết các vi phạm.
Phòng CSMT đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng CBCS tổ chức công tác nghiệp vụ, phát hiện, điều tra những vụ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt những hành vi sử dụng hóa chất độc hại gây tác động xấu đến môi trường, hay sử dụng hóa chất cấm sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Tới đây, Phòng sẽ tổ chức nghiên cứu khoa học để báo cáo Bộ Công an, CATP sớm có những điều chỉnh văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cho CSMT hoạt động có hiệu quả.
- PV: Khi phát hiện vi phạm môi trường, người dân có thể thông tin đến Phòng CSMT theo cách nào?
- Thượng tá Trần Trọng Bình: Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi thông tin cung cấp của người dân. Hãy gửi thư đến trụ sở Phòng CSMT, số nhà 2 đường Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Do cơ sở vật chất đang hoàn thiện nên Phòng chưa lắp được điện thoại cố định. Tuy nhiên, người dân có thể thông tin theo số điện thoại di động của tôi: 0913203635.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị nếu được, Báo ANTĐ hãy là cầu nối tiếp nhận thông tin về môi trường, qua địa chỉ thư điện tử của Báo: a.n.t.d@hn.vnn.vn, antaonline@anninhthudo.vn.
Hoàng Quân
(Thực hiện)