- Công an Hà Nội xuất quân bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
- Quốc kỳ Việt - Mỹ - Triều xuất hiện trong hang Sơn Đoòng
- Công an Hà Nội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo tuyệt đối an toàn Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc họp báo
Để cung cấp thông tin chính thức đầu tiên về công tác chuẩn bị của chủ nhà Việt Nam cũng như những thông điệp được TP Hà Nội đưa ra trong Hội nghị lần này, cuộc họp báo quốc tế còn có sự chủ trì của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông và ông Nguyễn Đức Chung – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Mở đầu bài phát biểu, ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết đây là sự kiện quốc tế quan trọng, nhận được sự quan tâm hàng đầu của nhân dân khu vực và quốc tế, vì liên quan đến hòa bình chung ở khu vực mà các quốc gia đều quan tâm tâm nhiều năm qua”.
Theo ông Lê Hoài Trung, Việt Nam và TP Hà Nội được 2 quốc gia Mỹ và Triều Tiên đề nghị làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Việt Nam và thành phố Hà Nội rất vinh dự, tự hào được tổ chức Hội nghị và cố gắng hết sức để làm sao đảm bảo an ninh, hậu cần tổ chức và an ninh để tạo thuận lợi nhất, đóng góp cho thành công của hội nghị.
Việc lựa chọn Việt Nam và Hà Nội là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai rất giá trị và có ý nghĩa vì khả năng của Việt Nam đã được trải qua thực tế về đảm bảo an ninh an toàn qua nhiều sự kiện quốc tế lớn cũng như các chuyến thăm song phương của các nước.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì cuộc họp báo quốc tế sáng 25-2 tại Hà Nội
Một điểm đáng chú ý trong phát biểu của Thứ trưởng Lê Hoài Trung là thời gian để chuẩn bị rất ngắn nhưng Việt Nam đã nỗ lực hết sức. Theo đó, quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Hội nghị được đưa ra vào ngày 6-2, công bố chính thức vào ngày 8-2, và được triển khai đầy đủ khoảng vào khoảng ngày 14-2. Như vậy, chủ nhà Việt Nam chỉ có khoảng 10 ngày để chuẩn bị, so với Singapore là khoảng 1-2 tháng.
Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam xác định đây là sự kiện đột xuất nhưng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn là trách nhiệm với khu vực và cả 2 nước Mỹ và Triều Tiên. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với các bộ, ngành và lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp đến các địa điểm để kiểm tra công tác chuẩn bị.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung vui mừng thông báo, đến thời điểm này, có thể nói mọi công tác đảm bảo an ninh cho Hội nghị đã hoàn tất. Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng với các cơ quan liên quan triển khai mọi phương án đảm bảo an ninh an toàn; phối hợp với an ninh Mỹ và Triều Tiên tại địa điểm diễn ra hội nghị, địa điểm lưu trú, trên các tuyến đường di chuyển.
Các đoàn tiền trạm của an ninh của cả hai nước đều đánh giá cao về công tác đảm bảo an ninh của Việt Nam. “Khi nói về công tác đảm bảo an ninh an toàn, mỗi nước có 1 truyền thống, nhưng ở Việt Nam, ngoài yếu tố vật chất còn là sự mềm mại. Điều này rất khác với các nước khác nhưng chúng tôi sẽ đảm bảo triển khai mức độ cao nhất để đảm bảo an ninh cho Hội nghị lần này”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế
Qua Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, Việt Nam mong muốn được đóng góp vào quá trình đối thoại, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như tăng cường vai trò của Việt Nam và vai trò của ASEAN trong đời sống cộng đồng quốc tế hiện nay. Cũng theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, người dân các quốc gia và thế giới trông đợi vào kết quả tốt đẹp của Hội nghị nhưng quyết định vẫn thuộc về 2 quốc gia và 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Nói về công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, hậu cần và truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo số liệu đến hiện tại, có gần 3.000 phóng viên từ hơn 200 các hãng đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự đưa tin về hội nghị. Bên cạnh đó, số phóng viên Việt Nam có gần 550 phóng viên.
Số lượng phóng viên báo chí này lớn hơn nhiều so với sự kiện Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Thời gian chuẩn bị cho Trung tâm báo chí quốc tế chỉ bằng 1/10 so với thời gian để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC, nhưng Bộ Thông tin Truyền thông đã hoàn tất mọi việc, đảm bảo cho 4.000 phóng viên có thể tác nghiệp cùng lúc với đường truyền tốc độ cao và không bị nghẽn.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông thông tin thêm, Trung tâm Báo chí được đặt ở vị trí rất thuận lợi để phóng viên tác nghiệp trong dịp này. Đồng thời nhân dịp này, Bộ cũng có món quà riêng là mẫu tem bưu chính thiết kế mang đậm nét Việt Nam để gửi tặng phóng viên trong nước và quốc tế.