Công nhân may làm thêm giờ, vật lộn để mưu sinh

ANTD.VN - Lương không đủ sống khiến người lao động phải thường xuyên làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Dành quá nhiều thời gian để làm việc, người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có trên 2,5 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này (nữ chiếm khoảng 80%). Nhưng hiện nay, mức lương của người lao động ngành may còn thấp, không đủ để họ trang trải cuộc sống.

Công nhân may làm thêm giờ, vật lộn để mưu sinh ảnh 1Lương thấp, đa số công nhân may phải làm thêm giờ để chi trả cuộc sống

Vay nợ để chi tiêu

Theo một nghiên cứu vừa được công bố của Viện Nghiên cứu công nhân và công đoàn cho thấy, nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu. 1/3 số công nhân không tiết kiệm được tiền, luôn trong tình trạng vay nợ. 69% công nhân được khảo sát cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình; 53% công nhân cho rằng không đủ tiền để trang trải những chi phí khám chữa bệnh, chi trả thuốc men; 37% cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân và Công đoàn Phạm Thu Lan cho hay, qua những lần khảo sát thực tế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, nhiều công nhân may đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, và không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái. Nhiều công nhân có kế hoạch và ước mơ cho tương lai, nhưng không nhìn thấy công việc hiện tại có thể giúp họ đạt được ước mơ. Họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình và không tiết kiệm được gì từ tiền lương của họ ngoại trừ một khoản tiền từ bảo hiểm xã hội nếu họ mất việc.

Làm thêm vắt kiệt sức lao động

Liên quan tới vấn đề làm thêm giờ và vấn đề sức khỏe, khảo sát cho thấy: 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, nếu có đi vệ sinh thì nhanh chóng để quay về làm việc, 28% lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe.

Đi làm muộn, quên quẹt thẻ chấm công, nghỉ ốm hay không đạt định mức, tất cả chỉ là một trong  rất nhiều cách khác nhau để doanh nghiệp khấu trừ thu nhập của người lao động. Thực tế, công nhân may vẫn có thể đạt mức thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng nhưng họ phải làm việc hết sức, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Chị Nguyễn Thị Thơm (công nhân may ở Hải Dương) cho biết, công việc vất vả, thời gian làm việc kéo dài nhưng tiền lương nhận được thậm chí không đủ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, chưa nói đến vui chơi, giải trí. Chị Nguyễn Thị Thơm tính toán, cách đây 5 năm, may gấu quần đơn giá 500 đồng/chiếc. Đến nay, đơn giá gần như không đổi, có tăng một chút nhưng không đáng kể. Thu nhập tăng thêm do làm thêm giờ và may nhiều quen tay, tăng năng suất.

Không chỉ thiếu thốn về vật chất, tiền lương không đủ sống còn gây ra những hệ lụy về tâm lý, sức khỏe cho người lao động. Đa số công nhân may đều mong muốn thu nhập của họ đủ trang trải cuộc sống trong điều kiện làm việc bình thường, trong giờ làm việc tiêu chuẩn và cường độ làm việc phù hợp nhưng không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến việc làm. Họ buộc phải mong muốn công ty có thêm nhiều đơn hàng để có thể làm thêm giờ để đủ định mức.

Theo bà Phạm Thu Lan, vấn đề tiền lương sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng của người lao động, gây tâm lý ức chế hoặc không thoải mái, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc. Nếu điều kiện lao động kém và lương quá thấp thì người lao động sẽ nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Tăng lương phải tăng thu nhập

Chỉ ra nguyên nhân thu nhập ngành dệt may thấp, các chuyên gia cho hay ngành dệt may ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là gia công sản phẩm cho các công ty, thương hiệu thời trang nước ngoài. Các thống kê cũng cho thấy, giá trị gia tăng lợi nhuận từ khâu này thấp hơn nhiều so với khâu thiết kế và bán hàng. Tiền lương thấp là kết quả của thương mại không công bằng trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu.

Hiện nay, tiền lương thực tế của công nhân may được tính theo sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty thường dựa trên đơn đặt hàng từ các khách hàng để xây dựng đơn giá sản phẩm. Nên khi các nhãn hàng thời trang tìm kiếm mức giá thấp nhất để đặt hàng, các công ty sẵn sàng chấp nhận để duy trì hoạt động kinh doanh. Vì vậy, lương tối thiểu quốc gia tăng nhưng tổng thu nhập của công nhân ngành may không tăng. Công nhân ngành may chỉ có thể tăng lương bằng cách sản xuất nhiều sản phẩm hơn, điều đó đồng nghĩa với việc họ phải làm thêm giờ.

Nêu giải pháp cho vấn đề làm sao để tăng thu nhập cho người lao động, các nhà nghiên cứu chính sách cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần minh bạch về đơn hàng, đơn giá tiền lương và định mức lao động; đồng thời làm việc với khách hàng, nhãn hàng. Tổ chức công đoàn cần thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương; nâng cao năng lực giám sát về việc thực thi pháp luật lao động, quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, nhãn hàng. Ở tầm vĩ mô, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu hiện nay lên mức lương đủ sống; minh bạch trong cách tính lương tối thiểu; tiến hành hợp tác toàn cầu về trả lương đủ sống…

Theo ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đã đến lúc, Việt Nam không nên sử dụng lợi thế nhân công giá rẻ. Có lẽ chúng ta phải so sánh giữa mức lương tối thiểu và mức lương đủ sống để thấy hiện vẫn còn một khoảng cách quá xa. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể nghiên cứu đến việc tối ưu hóa hình thức trả lương, để doanh nghiệp không thể “lách luật” o ép người lao động. Tuy nhiên, dù trả lương theo hình thức nào thì đích đến vẫn là mức lương bảo đảm mức sống cho người lao động, đảm bảo đời sống cho người lao động, gia đình họ cũng như doanh nghiệp và xã hội phát triển cân bằng, toàn diện.

“Công nhân may đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, và không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái. Nhiều công nhân có kế hoạch và ước mơ cho tương lai, nhưng không nhìn thấy công việc hiện tại có thể giúp họ đạt được ước mơ. Họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình và không tiết kiệm được gì từ tiền lương của họ ngoại trừ một khoản tiền từ bảo hiểm xã hội nếu họ mất việc”.

Bà Phạm Thu Lan (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn)