Công nghệ thông tin - chìa khóa của sự phát triển kinh tế

ANTĐ - Diễn đàn cấp cao CNTT-TT (công nghệ thông tin - truyền thông) Việt Nam lần thứ ba (Vietnam ICT Summit 2013) đã chính thức khai mạc sáng 20-6 với chủ đề “CNTT - Nền tảng của phương thức sản xuất mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh của quốc gia”. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham quan gian hàng tại Vietnam ICT Summit 2013

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo kết quả khảo sát của Liên hợp quốc năm 2012, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 83/190 quốc gia tham gia đánh giá, tăng 7 bậc so với năm 2010. Việt Nam hiện đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á về Chính phủ điện tử, sau Singapore, Malaysia và Brunei. Theo PGS.TS Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT, năng lực cạnh tranh chính là giải pháp giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao, cải cách hành chính còn chậm... Những hạn chế này đã cản trở mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam, khiến cho quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh chậm hơn so với các nước trong khu vực. 

Để CNTT thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp... triển khai một số giải pháp chủ yếu sau. Một là nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm CNTT là một nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Hai là xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia bảo đảm khả năng kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn và bảo mật thông tin quốc gia. Ba là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới. Bốn là xây dựng cơ chế chính sách tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm việc ứng dụng CNTT trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, mọi lĩnh vực...