Công du hòa giải

(ANTĐ) - "Hai bên đang cùng nhau nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn của mối quan hệ song phương". Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cho biết như vậy về mối quan hệ đồng minh Washington-Kabul trong cuộc họp báo ngày 12-5 tại Nhà trắng.

Công du hòa giải

(ANTĐ) - "Hai bên đang cùng nhau nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn của mối quan hệ song phương". Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cho biết như vậy về mối quan hệ đồng minh Washington-Kabul trong cuộc họp báo ngày 12-5 tại Nhà trắng.

Cái bắt tay hòa giải giữa hai ông Obama (phải) và Karzai (trái)
Cái bắt tay hòa giải giữa hai ông Obama (phải) và Karzai (trái)

Không những thế, trong suốt cuộc họp báo kéo dài một giờ tại Phòng Bầu dục-phòng làm việc của Tổng thống Mỹ, hai ông còn phải luôn miệng khẳng định những thông tin cho rằng "mối quan hệ giữa hai chính phủ Mỹ và Afghanistan đang căng thẳng và rạn nứt” phần lớn đều bị thổi phồng. Tuy nhiên, hai ông Obama và Karzai không thể phủ nhận thực tế "có vấn đề" trong quan hệ song phương khi thừa nhận "có những lúc thăng trầm" giữa lãnh đạo hai nước.

Dù hai Tổng thống Mỹ và Afghanistan tế nhị đến đâu khi chỉ nói rằng "có những lúc thăng trầm" trong quan hệ giữa hai chính phủ song dư luận đều biết rằng đó chính là mối căng thẳng thời gian qua giữa chính quyền ông Obama và ông Karzai.

Thật không bình thường khi mà chính quyền hiện nay ở Afghanistan và cá nhân ông Karzai vốn chỉ hình thành sau khi Mỹ lật đổ chế độ Taliban cũng như được Washington đổ hàng tỷ USD hậu thuẫn lại đang khiến chính quyền Mỹ "phiền lòng".

Từng trông đợi khá nhiều khi đưa ông Karzai về Afghanistan sau khi lật đổ chế độ Taliban cuối năm 2001 song Mỹ ngày càng tỏ ra thất vọng. Sự thất vọng ấy gia tăng tỷ lệ thuận với việc trỗi dậy của lực lượng Taliban những năm gần đây.

Chưa nói thẳng ra nhưng Washington cho rằng chính sự yếu kém của chính quyền do ông Karzai đứng đầu, đặc biệt là nạn tham nhũng tràn lan dẫn tới sự bất mãn của người dân Afghanistan, là một trong những nhân tố quan trọng giúp Taliban lớn mạnh trở lại. Mỹ càng không hài lòng khi thấy chính quyền Karzai chưa có những nỗ lực mà họ cho là cần thiết để chống lại tham nhũng-một trong những trở lực lớn nhất nhằm xây dựng một chính quyền Afghanistan đủ mạnh chống Taliban.

Trong khi đó, chừng nào chính quyền của ông Karzai chưa gánh vác được trách nhiệm bảo đảm an ninh thì quân Mỹ cùng đồng minh còn phải ở lại "chịu trận" tại Afghanistan. Không chỉ Mỹ mà nhiều đồng minh phương Tây đang đóng góp quân cho cuộc chiến chống Taliban ngày càng tỏ ra bất bình với chính quyền Karzai do lo ngại khó có thể rút quân từ năm 2011.

Sự "bực mình" của chính quyền Tổng thống Obama với ông Karzai lên tới đỉnh điểm khi đầu tháng tư vừa qua nhà lãnh đạo này công khai lên tiếng chỉ trích các nước phương Tây "can thiệp vào công việc nội bộ". Không hài lòng với điều này, Nhà trắng đã dọa huỷ bỏ chuyến thăm Mỹ từ 10 đến 13-5 của ông Karzai.

Xem ra cú "nắn gân" trên đã phát huy hiệu quả khi chính quyền Karzai đã có những động thái hòa giải với người đồng minh lớn Washington. Trong chuyến công du tới Mỹ này, ông Karzai cũng cam kết đẩy mạnh chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả điều hành đất nước.

HOÀNG TUẤN