Cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa để không tụt hậu

ANTD.VN - "Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy", đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc chỉ ra.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận sáng 30-10

Sáng 30-10, Quốc hội bắt đầu hai ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn có một năm thành công, cả 12 chỉ tiêu về kinh tế đều đã hoàn thành, kinh tế vĩ mô ổn định, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, tăng trưởng đạt 6%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

“2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đến từ khu vực chế biến chế tạo, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN, nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu nhìn sang năm 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng theo ông Lộc, thực tế lại không đơn giản như vậy”. 

9 tháng đầu năm nay, mức tăng xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái 

Chủ tịch VCCI dẫn chứng 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. 

Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chưa đựng rất nhiều rủi ro và gian lận thương mại, về thâm nhập thương mại . 9 tháng đầu năm, ta xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. 

“Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ”, ông Lộc cảnh báo. 

Chủ tịch VCCI cũng nêu vấn đề thu hút FDI từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biến ở đầu Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, và đây là những nguồn FDI không bền vững.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn. Do đó, ông đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.

Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho rằng rào cản lớn nhất trong sản xuất, canh tác nông nghiệp là sự ngăn cách thông tin giữa nông dân và thị trường.

"Hiện nay, người nông dân không nhận được thông tin chính thống mà phụ thuộc vào phần nhiều vào thương lái. Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, bi kịch kêu cứu về hàng nông sản vẫn sẽ còn tiếp diễn", ông Công nhấn mạnh.

Theo đánh giá của đại biểu tỉnh Vĩnh Long, các địa phương vẫn chưa chuyển được từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng, mỗi tỉnh làm một kiểu, dàn hàng ngang ra làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau.

"Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần tuý là trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ", ông Công kiến nghị.