Cộng đồng Công giáo - Tin lành đồng tâm, chung sức bảo vệ môi trường

ANTD.VN - Trước Hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới - Tầm nhìn 2025”, sẽ được CATP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 24-11, đại diện Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) đã gửi đến Ban Tổ chức những tham luận, bày tỏ thông điệp mạnh mẽ, chung sức với thành phố bảo vệ môi trường. 

Bảo vệ môi trường từ những việc làm hàng ngày như dọn vệ sinh khu phố nơi mình sống

Trong tham luận, Mục sư Bùi Quốc Phong và Mục sư Lê Minh Đạt (Hội Thánh Tin Lành Hà Nội) nêu rõ: vấn đề môi trường thực sự cấp bách không thể phủ nhận, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Con người có vai trò như người quản trị đối với các yếu tố và quy luật trong tự nhiên, để đảm bảo sự sống.

Tuy nhiên, quản trị chứ không phải bóc lột đến mức tận diệt. Quản trị đòi hỏi sự hiểu biết, tầm nhìn, sự yêu thương và trách nhiệm. Khi thiếu các yếu tố này, hành xử của con người đối với tự nhiên sẽ trở nên tàn bạo và phá hủy các liên kết tự nhiên, làm sai lệch các quy luật tự nhiên, dẫn đến thảm họa khó lường.

Dẫn lại những nguyên tắc từ Kinh Thánh về mối liên hệ giữa Chúa, con người và tự nhiên, Mục sư Bùi Quốc Phong và Mục sư Lê Minh Đạt khẳng định con người được Đức Chúa Trời lập làm người quản trị thế giới tự nhiên nghĩa là phải có trách nhiệm coi sóc, bảo quản, gìn giữ và làm lợi ra từ những gì mình được giao - ở đây là môi trường và thế giới tự nhiên.

Cụ thể, người Tin Lành tại Hà Nội nói riêng có thể góp phần vào làm giảm thiểu vấn đề môi trường với nhiều hình thức trong phạm vi niềm tin và thực hành. Từ việc cầu nguyện cho vấn đề này của đất nước, đến cổ súy cho nếp sống thuận tự nhiên, giảm tối đa những hành động xâm phạm môi trường; hay tổ chức những giải thưởng định kỳ khuyến khích các sáng kiến, giải pháp và hành động bảo vệ môi trường.

Ở góc độ khác, với quan điểm hết sức rõ ràng: “Sự ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai đang ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân từ nông thôn đến các đô thị, rất cần mọi tổ chức, cá nhân lên tiếng và có biện pháp bảo vệ môi trường”.

Giáo sư Thượng Mai Thanh, Trưởng ban Cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội bày tỏ: để góp phần bảo vệ môi trường, Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội cam kết giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên và cả khu vực hè phố xung quanh phạm vi của Thánh thất luôn sáng, xanh, sạch, đẹp; tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong các ngày lễ, thường xuyên tuyên truyền cho các tín đồ về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, vận động tín đồ tích cực giữ gìn vệ sinh trong từng gia đình và khu dân cư nơi mình sinh sống. “Toàn thể chức sắc, chức việc và tín đồ của Đạo Cao Đài Thủ đô Hà Nội sẽ tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất để góp phần bảo vệ môi trường, ngôi nhà chung của toàn nhân loại”, Trưởng ban Cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh.

Đại diện Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Tổng giáo phận Hà Nội cũng chia sẻ, người Công giáo nhận thấy phần trách nhiệm của mình về trái đất - “ngôi nhà chung” đã được Thiên Chúa ủy thác. Chính vì thế, Tổng giáo phận Hà Nội đã có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, mời gọi tất cả thành phần dân Chúa trong toàn giáo phận, tích cực tham gia để cùng bảo vệ môi trường.

Cùng với việc giảng dạy, tuyên truyền, Tổng giáo phận Hà Nội đã chủ trương nhiều hành động cụ thể, như phát động những đợt tổng vệ sinh khuôn viên nhà thờ, đường làng, khu phố; trồng cây xanh trong khuôn viên nhà xứ cũng như khu vực mình đang sống; phân công cho các hội đoàn chịu trách nhiệm chăm sóc một ngõ xóm.

Các gia đình tiết kiệm năng lượng máy nóng lạnh, điều hòa, trong sinh hoạt; hạn chế sử dụng xe máy để tiết kiệm xăng, bớt ô nhiễm không khí và môi trường. Hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng đồ nhựa một lần, khăn giấy, túi nilon... “Cùng với các tổ chức của xã hội, ước mong người giáo dân Công giáo trong địa bàn Tổng giáo phận Hà Nội sẽ là những nhân tố hàng đầu trong công cuộc bảo vệ môi trường hôm nay”, đại diện Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Tổng giáo phận Hà Nội khẳng định.