Công bố PAPI 2021: “Chung chi” khi làm thủ tục cấp "sổ đỏ" phổ biến ở các tỉnh nghèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  TS Đặng Hoàng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES) cho biết, khảo sát PAPI 2021 cho thấy, lần đầu tiên sau nhiều năm việc giảm thiểu tham nhũng bị chững lại.
Người dân ghi nhận sự cải thiện ở nhiều chỉ số quản trị và hành chính công

Người dân ghi nhận sự cải thiện ở nhiều chỉ số quản trị và hành chính công

Ngày 10-5, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Australia và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tại Việt Nam năm 2021.

PAPI 2021 ghi nhận người dân đánh giá sự cải thiện ở nhiều chỉ số về quản trị và hành chính công, đặc biệt trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Hà Nội nằm trong "top 8" địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số nội dung của PAPI 2021.

Báo cáo trình bày các kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh theo 8 chỉ số nội dung bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử và điểm chỉ số PAPI tổng hợp.

So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung như: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, hiện trạng “chung chi” để có việc làm trong khu vực Nhà nước vẫn khá phổ biến. Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn, gồm: công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường.

Bên cạnh đó, có chưa đến 70% số người trả lời ở tất cả các tỉnh, thành phố cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng. Ở hơn 30 tỉnh, thành phố, tỉ lệ người trả lời cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc chỉ ở mức dưới 50%.

Báo cáo cũng cho hay, tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, tình trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như: Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Theo báo cáo, chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm 2021.

Tương tự, có từ 40-80% người được hỏi trả lời sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn ở khoảng 40 tỉnh, thành phố, tăng nhẹ so với năm trước.

Theo kết quả khảo sát, 2 năm qua, người dân đặc biệt quan tâm về sức khỏe, với tỉ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% bên cạnh những quan ngại về tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Cùng với đó, tỷ lệ người dân trả lời khảo sát cho biết họ bị mất việc làm và thu nhập năm 2021 tăng 10% so với năm 2020. Tỷ lệ hài lòng với cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền cũng giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021.

Năm 2021, PAPI được tiến hành khảo sát với 15.833 người dân tham gia từ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dựa trên nghiên cứu thí điểm thành công năm 2020, PAPI tiếp tục mở rộng nghiên cứu khả năng tiếp cận của người di cư đối với quản trị tốt và các dịch vụ công chất lượng ở những tỉnh, thành phố mà họ chuyển tới tạm trú.