- Hà Nội tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND tại Nhà hát Hồ Gươm
- Phát động đợt sinh hoạt chính trị hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND
- Tập trung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND đúng tiến độ, hiệu quả, thiết thực
Các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ bạo lực của cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931), “Đội tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô viết công nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh, trật tự ở những nơi có chính quyền Xô viết.
![]() |
Đội Tự vệ đỏ ở Hòa Quân, Đông Sở, Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930 |
Cuối năm 1931, Xô viết Nghệ - Tĩnh bị đàn áp khốc liệt nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác xây dựng và duy trì, phát triển các “Đội tự vệ đỏ”, tiến hành cách mạng phải gắn liền với bảo vệ thành quả cách mạng, về giành và giữ chính quyền.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (tháng 3-1935) đã thông qua Nghị quyết về Đội tự vệ. Khi cuộc vận động Mặt trận Dân chủ phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Trung ương Đảng chỉ thị: Mỗi ấp phải tổ chức ra Đội tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và để đối phó với các lực lượng phản động.
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Một năm sau, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, nhân dân ta chịu cảnh “một cổ, hai tròng”. Phong trào cách mạng chịu sự đàn áp, khủng bố ác liệt. Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục lãnh đạo phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật. Đầu năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương thành lập “Ban công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu (ATK), bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cán bộ khi bị địch bắt.
“Ban công tác đội” được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu. Ngày 15-5-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” do Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết. Ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập Khu giải phóng (Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái); đồng thời, công bố Mười chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời cùng với 2 “Đội tự vệ đỏ”, “Ban công tác đội” và “Đội danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đây là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
Chung sứ mệnh giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân
Ngày 19-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân cũng được thành lập. Ở Bắc Bộ, lập Sở Liêm phóng; đồng chí Chu Đình Xương, Trưởng Ban vận động Tài chính Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ được cử làm Giám đốc Sở. Ở Trung Bộ, lập Sở Trinh sát do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Thường vụ Xứ ủy làm Giám đốc Sở. Ở Nam Bộ, lập Quốc gia tự vệ cuộc; đồng chí Dương Bạch Mai, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ được cử làm Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ.
![]() |
Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát tự vệ Bắc Bộ bảo vệ lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. |
Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngày 2-9-1945, lực lượng Liêm phóng đã tổ chức hộ tống, dẫn đường cho đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách. Dưới danh nghĩa quân đồng minh vào tước vũ khí của quân Nhật, 20 vạn quân Tưởng mang theo bọn đặc vụ và bọn phản động lưu vong trong các tổ chức “Việt Nam Quốc dân Đảng”, “Việt Nam Cách mạng đồng minh hội” kéo vào miền Bắc nước ta, chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra.
Ở miền Nam, 2 vạn quân Anh kéo vào nước ta với danh nghĩa tước vũ khí quân đội Nhật, nhưng thực chất là mở đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, quân Pháp trắng trợn đánh chiếm Sài Gòn rồi mở rộng đánh chiếm toàn Nam Bộ. Bọn phản cách mạng, bọn phản động lợi dụng tôn giáo và tay sai của Pháp cũng ngóc đầu dậy chống phá cách mạng quyết liệt. Chưa bao giờ trên đất nước ta lại có nhiều kẻ thù như lúc này. Chính quyền cách mạng đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc vừa mới thành lập phải bắt tay ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt chống “thù trong, giặc ngoài”, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã đẩy mạnh các phong trào “Ba không”, “Ngũ gia liên bảo”, phối hợp với các lực lượng vũ trang đấu tranh chống hoạt động do thám, gián điệp và bọn phản động tay sai; bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch, bảo vệ hậu phương và khu căn cứ kháng chiến. Đặc biệt, ngày 12/7/1946, Nha Công an Trung ương đã khám phá thành công vụ án phản cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, thành phố Hà Nội); phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang nhân dân đồng loạt tấn công, bóc gỡ 40 trụ sở Quốc dân Đảng, bắt trên 100 tên phản động, đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và bọn phản động.
![]() |
Đội trinh sát - Sở Công an Bắc Bộ điều tra khám phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội ngày 12/7/1946. |
Thắng lợi của vụ án ở số 7 phố Ôn Như Hầu là một thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống phản động của lực lượng Công an nhân dân. Chiến công này không chỉ đập tan âm mưu của các phần tử phản động câu kết với đế quốc để cướp chính quyền ở Hà Nội bằng một cuộc đảo chính, mà còn làm cho mọi người thấy rõ bộ mặt phản quốc của tay sai và nhận thức rõ hơn chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chính phủ, từ đó củng cố lòng tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
(Còn tiếp)