Công an Hà Nội tiếp nhận nhiều đơn trình báo các vụ lừa đảo tinh vi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong thời gian gần đây, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố (CATP) Hà Nội liên tiếp tiếp nhận trình báo các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi, xảo quyệt; nhiều bị hại bị chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Rộ nhiều thủ đoạn lừa đảo mới

Qua công tác nắm tình hình địa bàn, các đơn vị thuộc CATP Hà Nội phát hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi, biến tướng của tội phạm khiến “con mồi” dễ sập bẫy.

Điển hình, chỉ một thời gian ngắn sau khi Bộ Công an triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử, đã xuất hiện những kiểu lừa đảo với chiêu bài kiểm chứng thông tin. Thông qua câu chuyện cấp, xác thực tài khoản Định danh điện tử, các đối tượng tự xưng là Công an sẽ đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh (dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ, lọt trên mạng do nhiều nguyên nhân) để yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiều điều...

Ví dụ như, yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào webstie giả mạo giao diện cơ quan Nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về số điện thoại...

Sau đó, đối tượng dùng những thông tin trên đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, momo, zalopay... của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.

Tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, biến tướng
Tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, biến tướng

Theo cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội, mỗi khi các ngành chức năng triển khai ứng dụng (app), tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh "số hóa" bằng giao dịch điện tử liền có ngay những kiểu "ăn theo", giả danh cơ quan có thẩm quyền quản lý app nhằm khai thác thông tin cá nhân. Nhiều người đã "sập bẫy" do các đối tượng lừa đảo nói đúng tên tuổi, địa chỉ và số CCCD.

Cá biệt có trường hợp chúng nêu chính xác tên người thân trong gia đình, khiến nạn nhân ban đầu dù cảnh giác nhưng rồi vẫn phải tin theo. Thông tin cá nhân và mã OTP một khi cung cấp cho kẻ xấu, toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản có thể sẽ "bốc hơi" chỉ sau vài phút.

CATP Hà Nội cho biết, việc xác thực định danh điện tử, cơ quan công an chỉ thực hiện trực tiếp tại trụ sở và không yêu cầu công dân phải cung cấp thông tin gì qua điện thoại. Muốn cấp số định danh điện tử, người dân cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an để tiến hành theo đúng quy trình. Tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi "lạ" tự xưng cơ quan Nhà nước, lực lượng công an mà cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP... cho họ.

Gần đây, một số người dân nhận được tin nhắn “Lệnh truy nã” nêu rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã, đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện.

Thủ đoạn dùng các lệnh truy nã gửi qua tin nhắn điện thoại để lừa đảo

Thủ đoạn dùng các lệnh truy nã gửi qua tin nhắn điện thoại để lừa đảo

Đây là những tin nhắn giả mạo, người dân cần cảnh giác, Cơ quan Công an không gửi quyết định truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Quyết định truy nã phải bằng văn bản (giấy in), được gửi đến Công an địa phương nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã.

Quyết định truy nã được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt người bị truy nã. Do đó, việc người dân nhận được tin nhắn lệnh truy nã qua tin nhắn điện thoại là điều không có thật, cần hết sức cảnh giác, không bị mắc lừa các đối tượng lừa đảo qua mạng.

Giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố cũng là một chiêu trò lừa đảo mới. Kẻ xấu yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp chúng đưa ra, thực chất đây là thao tác chuyển hướng cuộc gọi để chúng tìm cách chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại của khách hàng, từ đó chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví của chủ sim.

Theo đó, đối tượng xấu yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*#. Tuy nhiên, cú pháp **21*# thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward) - dịch vụ của các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng.

Sau đó, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví Momo của ‘con mồi” từ xa. Tổng đài Momo sẽ gọi để cung cấp mã OTP, tuy nhiên cuộc gọi này chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng. Từ đó kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví.

Kẻ xấu cũng có thể yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901. Đây là cú pháp đổi sim điện thoại qua phôi sim trắng theo phương thức nhắn tin (SMS).

Sau đó, kẻ xấu sẽ nhắn tin lừa đảo rằng giúp người dùng nâng cấp sim điện thoại thành SIM 4G, 5G. Các đối tượng này yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên. Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát sim vì sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim “chính chủ" và truy cập vào ứng dụng ví điện tử, ứng dụng thanh toán online để chiếm đoạt tiền.

Cách thức khác, đối tượng yêu cầu các nạn nhân nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng đưa ra. Tuy nhiên, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ.

Sau khi bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên sẽ mất quyền kiểm soát sim điện thoại. Mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp tới số điện thoại của đối tượng lừa đảo. Lúc này, đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng “Quên mật khẩu.”

Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến sim điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt. Đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân. Cuối cùng, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền của nạn nhân trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc sử dụng thông tin của bị hại để vay tiền thông qua các app cho vay trên mạng, dẫn đến bị hại bị nợ khoản tiền lớn.

Nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Bị hại của một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bị hại của một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đánh vào tâm lý của khách hàng muốn vay tiền online nhanh, thủ tục thuận tiện, các đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Gần đây, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền khoảng 65 triệu đồng với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 11-3-2022, Công an quận Hà Đông tiếp nhận đơn trình báo của anh H (SN 1993; trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) về việc có đăng ký vay online 30 triệu đồng. Khi làm hết thủ tục, anh H được một đối tượng yêu cầu chuyển tiền đóng phí bảo lãnh ngân hàng mới được giải ngân khoản vay.

Vay tiền online bị chiếm đoạt số tiền lớn

Vay tiền online bị chiếm đoạt số tiền lớn

Sau đó, anh H đã chuyển khoảng 65 triệu vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được khoản vay. Đối tượng thông báo anh H đăng ký sai tài khoản rút tiền và yêu cầu anh tiếp tục chuyển 50 triệu đồng. Lúc này anh H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Qua đây, CATP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng trên trang thương mại điện tử Shopee.

Cộng tác viên bán hàng cho các trang thương mại điện tử

Cộng tác viên bán hàng cho các trang thương mại điện tử

Theo đơn trình báo, ngày 1-3-2022, chị N.A (SN 2001; trú tại thành phố Hà Nội) nhận được lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng của Shopee và sẽ nhận 10% hoa hồng cho mỗi đơn hàng thanh toán.

Chị A thanh toán 5 đơn hàng thì bị các đối tượng thông báo chuyển khoản sai nội dung và yêu cầu bị phạt thanh toán thêm 2 đơn hàng thì mới được rút tiền. Tổng số tiền chị A đã thanh toán đơn hàng là hơn 50 triệu đồng, khi đối tượng yêu cầu phạt đơn hàng 67 triệu đồng thì chị A mới nghi ngờ mình bị lừa và đến Công an phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm trình báo.

Tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an quận Hoàn Kiếm đã vào cuộc điều tra, xác minh, truy tìm các đối tượng lừa đảo.

"Mồi nhử" mà các đối tượng đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Nhiều nạn nhân, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng.

Công an quận Long Biên, Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 3 tỷ đồng...

Theo đó, vào ngày 21-3, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị V (SN 1987; trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là Công an.

Người này thông báo chị V có liên quan đến đường dây mua bán ma tuý, rửa tiền và yêu cầu chị cung cấp thông tin để phục vụ điều tra.

Chị V đã thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, cung cấp thông tin và tài khoản ngân hàng. Sau đó chị V phát hiện tài khoản bị mất gần 3 tỷ đồng, nên đã đến cơ quan Công an trình báo.