Công an Thủ đô thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy

Công an Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông: “Nắn” ý thức người điều khiển phương tiện...say

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cả nước mà nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe vi phạm nồng độ cồn, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt Công an 63 tỉnh, thành phố vào cuộc. Tại địa bàn Thủ đô, lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp mạnh, kiên quyết không có “vùng cấm”.

Điều tra cơ bản kỹ, xử lý trúng vi phạm

Trong 3 tháng triển khai Kế hoạch cao điểm của Bộ Công an, riêng lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 7.323 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phạt hành chính số tiền trên 35 tỷ đồng. Trong đó, 353 lái xe xe ô tô bị xử lý và 6.931 người điều khiẻn mô tô, xe máy bị phạt; trên 7.300 phương tiện bị tạm giữ...Phân tích số liệu cho thấy, có tới 1.319 trường hợp vượt mức kịch khung 0,4mg/lít khí thở.

Triển khai kế hoạch cao điểm, riêng về xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng ghi nhận nhiều đơn vị đạt kết quả caom như Đội CSGT số 6 với 596 trường hợp, Đội CSGT số 7 với 403 trường hợp, Đội CSGT số 3 với 375 trường hợp.

Hệ lụy từ những vụ TNGT do rượu bia gây ra là rất nghiêm trọng

Hệ lụy từ những vụ TNGT do rượu bia gây ra là rất nghiêm trọng

Về phía công an các quận, huyện, thị xã cũng ghi nhận thành tích nổi bật của Công an quận Cầu Giấy với việc phát hiện, xử lý 342 trường hợp; Công an quận Hai Bà Trưng - 329 trường hợp, Công an quận Hoàng Mai - 308 trường hợp; Công an huyện Hoài Đức - 146 trường hợp; Công an huyện Ứng Hòa - 102 trường hợp; Công an huyện Thường Tín - 96 trường hợp...

Những con số nêu trên có thể chưa phản ánh hết thực tế tình trạng người dân “say xỉn” vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, và sẽ còn nhiều người vẫn chủ quan, thiếu ý thức, trách nhiệm khi uống rượu bia vẫn cầm lái.

Lực lượng CSGT Thủ đô kiên quyết xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn mà không có "vùng cấm"

Lực lượng CSGT Thủ đô kiên quyết xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn mà không có "vùng cấm"

Song, để có được kết quả trên, lực lượng chức năng đã khắc phục mọi khó khăn, trở ngại như: lực lượng mỏng, địa bàn rộng, vừa triển khai kế hoạch cao điểm, vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị, từ đó bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc CATP nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của các cấp, chúng tôi đã yêu cầu các đội nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình tuyến, địa bàn phức tạp về TTAGT. Trong đó, rà soát các khu vực tập trung nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu du lịch, các địa điểm tổ chức ăn uống, liên hoan… nơi thường xảy ra vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, từ đó bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý” - Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết.

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được các đơn vị triển khai sát hợp với tình hình thực tế địa bàn

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được các đơn vị triển khai sát hợp với tình hình thực tế địa bàn

Không rập khuôn, các đơn vị trên toàn thành phố qua công tác điều tra cơ bản đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý sát hợp với tình hình thực tế. “Ba Vì là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Ở đây có những tập tục văn hóa làng xã từ xa xưa tới nay vẫn còn tồn tại, như là việc uống rượu trong các ngày lễ lạt, hội hè, ma chay, cưới hỏi…

Rất nhiều người còn có thói quen rủ nhau ăn sáng cũng phải uống rượu, nên tình hình vi phạm nồng độ cồn ở đây có những nét đặc thù. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng triển khai kiểm tra, xử lý cả khung giờ buổi sáng sớm, phù hợp với tình hình địa bàn” - Thiếu tá Trương Công Mạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Ba Vì cho biết.

Còn tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, nơi có nhiều quán bar, vũ trường, karaoke… lực lượng Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, đặc biệt khung giờ từ 22h đêm đến 2h sáng hôm sau.

Muôn kiểu đối phó của các “ma men”

Lực lượng mỏng vẫn có thể khắc phục khi các đơn vị trong CATP huy động toàn bộ công an các phường, xã, thị trấn cùng vào cuộc. Nhưng bên cạnh đó, muôn vàn khó khăn mà cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ gặp phải, nhất là những “chiêu trò” đối phó của các “ma men”.

“Khi thấy lực lượng cắm chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm hoặc phía nhà hàng lập tức thông báo cho thực khách để tìm cách né tránh, hoặc nhờ người thân, bạn bè gọi điện thoại can thiệp là rất nhiều” - Trung tá Bùi Chí Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Cầu Giấy chia sẻ.

“Nhiều trường hợp chống đối khi bị xử lý bởi vì sao, khi đã uống nhiều rượu bia, hành vi cũng không còn giữ được chuẩn mực nữa. Trong khi đó, mức xử phạt lại khá cao nên không ít trường hợp không chấp hành” - Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội thông tin.

Hay Đại úy Nguyễn Văn Kiệt - Đội trưởng Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Hai Bà Trưng cung cấp, có những trường hợp người vi phạm thì không ý kiến gì vì biết mình sai, nhưng người đi cùng thì chửi bới, làm ầm ĩ lên cũng không hiếm thấy…

“Thậm chí có trường hợp thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ lập tức vứt xe bỏ chạy. Khi chúng tôi giữ lại được đưa về chốt kiểm tra thì nói rằng số tiền phạt còn nhiều hơn tiền xe nên thà chạy còn hơn” - Thiếu tá Trương Công Mạnh chia sẻ thêm.

Dù người vi phạm có tìm đủ cách để né tránh xử phạt hay "xin xỏ", lực lượng chức năng vẫn mềm mỏng nhưng cương quyết, bởi mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho chính họ và những người xung quanh

Dù người vi phạm có tìm đủ cách để né tránh xử phạt hay "xin xỏ", lực lượng chức năng vẫn mềm mỏng nhưng cương quyết, bởi mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho chính họ và những người xung quanh

Có thể thấy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT Thủ đô gặp rất nhiều những khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chỉ huy các đơn vị, cũng như mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, cán bộ chiến sĩ vừa mềm mỏng vừa cương quyết đã giải thích, thuyết phục người vi phạm chấp hành.

Quá trình xử lý cũng ghi nhận những hình ảnh, những câu chuyện đẹp như việc cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Cầu Giấy đưa người dân đi bệnh viện giải rượu do quá say; hoặc tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 3 cử cán bộ chở người vi phạm về nhà khi người này không còn làm chủ được hành vi; hay câu chuyện về những chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 7 đứng ra... hòa giải hôn nhân cho người vi phạm…

Khi và chỉ khi ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông tăng lên, chấp hành khẩu hiệu "Đã uống rượu bia thì không lái xe", khi ấy mới hết nỗi lo TNGT do "ma men" gây ra

Khi và chỉ khi ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông tăng lên, chấp hành khẩu hiệu "Đã uống rượu bia thì không lái xe", khi ấy mới hết nỗi lo TNGT do "ma men" gây ra

Quyết liệt là thế, nhân văn là thế hay sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ của các cơ quan thông tin báo chí là thực tế trong suốt thời gian triển khai cao điểm (từ 20-6-2022) đến nay, song, vẫn nhiều người chưa ý thức được trách nhiệm của mình khi cầm lái.

Khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe” được in trên những tuyến xe buýt, hay móc khóa an ninh của Công an quận Cầu Giấy phát đến tay người dân, hay tại nhiều quán ăn, nhà hàng… Nếu người dân không tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, thì lực lượng chức năng có quyết liệt đến mấy cũng không thể ngăn chặn hết các vụ TNGT do “ma men” gây ra.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục “cuộc chiến” với “ma men” vì an toàn tính mạng của người tham gia giao thông. Khi nào còn người vi phạm, khi ấy lực lượng CSGT vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình. Và chúng tôi cũng rất mong người dân hãy ủng hộ CSGT Thủ đô, chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT” - Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội bày tỏ.

Xin lỗi, chúng tôi đang thực hiện mệnh lệnh của Bộ Công an

Là đơn vị có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn đứng thứ 3 trong các quận, huyện của CATP - với 308 trường hợp -, Thiếu tá Tạ Việt Tiệp, Phó đội trưởng đội CSGT-TT Công an quận Hoàng Mai chia sẻ những thông tin, cách làm thật nhiều suy nghĩ trong quá trình thực hiện đợt cao điểm.

Đầu tiên, là 4 nhận dạng của người say khi điều khiển phương tiện: năn nỉ, xin xỏ; nếu bất thành, sẽ chuyển sang trạng thái gọi điện cho người thân. Tiếp tục bất thành, sẽ "bỏ của chạy lấy người"; và cuối cùng, sẵn sàng chống đối.

Những tình huống này, lực lượng chức năng đều lường được, và luôn chủ động kỹ năng xử lý. Nhưng, như chỉ huy đội CSGTT-TT Công an quận Hoàng Mai nhìn nhận, "khó" nhất là làm sao vượt qua được "trạng thái" thứ hai: tiếp nhận các cuộc điện thoại xin xỏ. Từng có trường hợp có đến 9 cuộc điện thoại và người ra tận hiện trường để "xin" cho cá nhân vi phạm nồng độ cồn.

"Trong những tình huống ấy, ngoài việc quán triệt chỉ đạo của Ban chỉ huy Công an quận là không nghe điện thoại can thiệp, lực lượng làm nhiệm vụ thống nhất cách thức ứng xử: Xin lỗi, chúng tôi đang thực hiện mệnh lệnh của Bộ Công an, của Công an thành phố", Thiếu tá Tạ Việt Tiệp nêu rõ.

(còn tiếp)