Công an Hà Nội quyết liệt ngăn chặn tội phạm cướp tài sản

ANTD.VN - Tội phạm cướp, cướp giật tài sản là các loại tội phạm cơ hội, đe dọa trực tiếp đến tài sản, thậm chí tính mạng của người dân, gây bức xúc, lo lắng dư luận xã hội. Đánh chặn quyết liệt loại tội phạm đường phố này đã và đang là chỉ đạo xuyên suốt của Ban Giám đốc CATP Hà Nội và được Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) cùng công an cơ sở cụ thể hóa bằng nhiều biện pháp đồng bộ, kết hợp phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, ngăn chặn. 

Công an Hà Nội quyết liệt ngăn chặn tội phạm cướp tài sản ảnh 1Các đối tượng có hành vi cướp giật tài sản thường nhắm tới các bị hại là nữ giới

Nhận diện những thủ đoạn táo tợn

4h50 ngày 10-6, người dân sống quanh khu vực cánh đồng Chân Ngô, thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội giật mình nghe tiếng tri hô “cướp”... Một số  người đi tập thể dục lập tức chạy về phía có tiếng kêu cứu, và chứng kiến cảnh một người đàn ông trung niên đang hô hoán đuổi theo 1 đối tượng về phía cánh đồng trước mặt. Nhận được tin báo, Đồn Công an Vạn Điểm, huyện Thường Tín, đã huy động nhiều cán bộ chiến sỹ, phối hợp cùng người dân vây bắt tên cướp.

Khoảng 30 phút sau khi xảy ra sự việc, đối tượng gây án đã bị lực lượng công an phối hợp với  người dân khống chế, bắt giữ. Qua khai thác, đối tượng khai tên là Phạm Văn Tình (SN 2001, quê ở Hà Nam). Trước đó, Tình đã thuê ông P.V.N (SN 1970, trú ở huyện Đông Anh, Hà Nội) làm nghề “xe ôm” tại bến xe Gia Lâm chở về xã Đỗ Xá với giá 450.000 đồng. Khi đến địa điểm trên, Tình lợi dụng đường vắng đã rút dao thủ sẵn trong người ra đe dọa, khống chế ông N để cướp tài sản.

Theo thống kê của Phòng CSHS, đây không phải là vụ cướp “xe ôm” duy nhất từ đầu năm 2019. Mới đây, ngày 27-7, Ngô Hồng Hải (SN 1998, quê quán huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đi lang thang đến lán vật liệu xây dựng tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông thì gặp anh T (trú ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) làm nghề chạy “xe ôm công nghệ” đang trú mưa. Ban đầu, Hải ngỏ ý nhờ anh T chở đi mua ma túy, nhưng không nhận được sự đồng ý.

Lập tức, tên này trở mặt, dùng mũ bảo hiểm đánh anh T để cướp chiếc xe máy Yamaha Sirius. Tiếp nhận tin báo, CAQ Hà Đông đã triển khai lực lượng, nhanh chóng phát hiện và bắt được đối tượng khi hắn đang lẩn trốn trên địa bàn. “Hải khai nhận, vốn gã đã có ý định giả làm khách thuê “xe ôm” hoặc xe taxi, nhằm mục đích điều lái xe đến những địa điểm vắng, ít người qua lại và cùng đồng bọn đợi sẵn thực hiện hành vi cướp tài sản” - một trinh sát Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản (Phòng CSHS) cho biết.

Ngoài thủ đoạn trên, có đối tượng cướp tài sản thường giả là người đi đường, hay bác sĩ bệnh viện… rồi gọi điện thoại thông báo có người nhà đang gặp vấn đề nguy hiểm, cần đến ngay để giải quyết. Khi đã điều được nạn nhân đến địa điểm thuận lợi, các đối tượng dùng hung khí như dao nhọn, dùi cui điện đe dọa, hành hung, khống chế để chiếm đoạt tài sản. Tinh vi hơn, đối tượng cướp tài sản còn sử dụng thủ đoạn chiếm quyền điều khiển các ứng dụng, dịch vụ trên internet hoặc các trang mạng xã hội của người dân để nhắn tin, điều người thân, bạn bè của họ đến những nơi vắng vẻ rồi cướp tài sản.

Công an Hà Nội quyết liệt ngăn chặn tội phạm cướp tài sản ảnh 2Tang vật trong một vụ án cướp giật tài sản

Chực chờ sơ hở

Theo đánh giá, phân tích của lực lượng chức năng, hoạt động của tội phạm cướp giật ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, thường diễn biến phức tạp, đặc biệt khi ý thức của người dân còn “có vấn đề”. Loại tội phạm này, về quy luật sẽ “nóng” hơn khi vào mùa hè, và thường diễn ra ở những tuyến đường rộng, vắng, liên địa bàn, nối từ quận ra huyện ngoại thành.

“Mỗi người cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình. Khi xảy ra cướp, cướp giật tài sản, người dân cần bình tĩnh nhận dạng đặc điểm đối tượng, phương tiện gây án, nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an gần nhất, hoặc qua số điện thoại 113 để lực lượng công an tổ chức truy bắt thủ phạm”

“Hoạt động của loại tội phạm này ở khu vực ven đô đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT trên địa bàn” - lãnh đạo Phòng CSHS nhìn nhận.

Trong nhiều vụ việc, tội phạm cướp giật tài sản còn khiến người bị hại ngã, bị thương do đổ xe máy, hay va chạm trong quá trình giằng giật tài sản. Từng xảy ra trường hợp người nạn nhân bị thương nặng phải điều trị tại bệnh viện và nghiêm trọng hơn đã có người chấn thương sọ não khi bị tội phạm cướp giật tài sản…

Theo tài liệu của CAH Quốc Oai, khoảng 15h ngày 26-4, tại thôn Bến Đọ, xã Ngô Sài, xảy ra vụ cướp giật tài sản. Hai đối tượng điều khiển xe máy cướp giật chiếc điện thoại iPhone 6s Plus của nạn nhân là chị Nguyễn Hoài P, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Sau khi cướp giật được chiếc điện thoại, các đối tượng bỏ chạy theo hướng Đại lộ Thăng Long về xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất. Chị P hô hoán để người đi đường hỗ trợ đuổi bắt nhóm cướp giật, trong quá trình đuổi theo các đối tượng, chị P ngã xe dẫn tới bị thương nặng. Qua điều tra truy xét, CAH Thạch Thất đã bắt được 2 đối tượng gây án là Nguyễn Văn Long và Phùng Tất Thắng (đều sinh năm 2001, ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất). 

Tuy nhiên, có nhiều vụ án, việc rà soát, bắt giữ được các đối tượng cướp giật tài sản không hề đơn giản. Bên cạnh đó, những yếu tố tiềm ẩn vẫn luôn hiện hữu khiến tội phạm có thể lợi dụng gây án.

Cụ thể, tội phạm thường nhằm vào những người mang theo nhiều tài sản, nhưng lại rất sơ hở trong việc bảo quản, nhất là chị em phụ nữ. Họ thường đeo túi xách trên tay lái xe máy, hoặc đeo nhiều nữ trang trên người, đi trên đường vắng vào ban đêm. Hầu hết trong các vụ cướp giật tài sản, tội phạm bao giờ cũng đi 2 người, sử dụng xe máy không đeo biển kiểm soát, che biển kiểm soát chạy trên các tuyến đường vắng, trà trộn vào những nơi đông người tìm “con mồi” rồi bám theo để gây án. 

Đối với trường hợp người bị hại đi bộ, hoặc dừng xe để nghe điện thoại… các đối tượng áp sát bị hại, bất ngờ giật tài sản rồi bỏ chạy. Thậm chí, có trường hợp đối tượng cướp giật tài sản nhằm vào bị hại là trẻ em khi thấy các em cầm những tài sản có giá trị.

Táo tợn hơn, có đối tượng cướp giật tài sản còn vào tận nhà giả vờ hỏi địa chỉ, hỏi mua hàng, rồi bất ngờ cướp giật tài sản và tẩu thoát. Đa số khi rơi vào tình huống đó bị hại thường hoảng loạn, không nhớ được đặc điểm đối tượng gây án cũng như phương tiện tội phạm sử dụng, nên gây khó khăn cho công tác điều tra” - chỉ huy Phòng CSHS chia sẻ.

Công an Hà Nội quyết liệt ngăn chặn tội phạm cướp tài sản ảnh 3Cơ quan CSĐT CAQ Nam Từ Liêm ghi lời khai một đối tượng xông vào hiệu cầm đồ cướp tài sản

Chủ động phòng ngừa 

Thượng tá Nguyễn Bình - Trưởng Phòng CSHS (CATP Hà Nội) đánh giá, các đối tượng cướp, cướp giật tài sản ngày càng có xu hướng… trẻ hóa, hoạt động hết sức manh động và ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn. Không chỉ cướp, cướp giật tài sản trên các tuyến đường, các đối tượng còn sẵn sàng lao vào tận nhà nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội.

Từ đầu năm đến nay, Phòng CSHS đã đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người dân để phòng. Theo đó, đối với thủ đoạn cướp tài sản, người dân cần đề cao cảnh giác và có các biện pháp tự phòng ngừa, hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với những người tham gia giao thông là “xe ôm”, xe taxi, cần chủ động từ chối, hạn chế nhận chở khách đến những địa điểm vắng vẻ vào ban đêm. Riêng với xe taxi có thể lắp vách ngăn giữa ghế lái với các ghế xung quanh (ghế phụ, ghế sau), đồng thời chú ý thái độ, biểu hiện của những hành khách có dấu hiệu nghi vấn. 

Đối với người dân khi di chuyển trên các tuyến giao thông, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình ANTT tại địa phương, nhất là trên những tuyến đường, khu vực hay di chuyển. Không nên mang trong người quá nhiều tài sản khi tham gia giao thông trên các tuyến đường vắng, nhất là vào ban đêm và không để tài sản ở những nơi các đối tượng dễ nhận biết như giỏ xe, treo móc bên thân xe máy.

Trong trường hợp buộc phải mang theo người nhiều tài sản, di chuyển trên các tuyến giao thông thì nên để tài sản vào cốp xe, giữ bí mật, không được để người lạ hoặc những người có mối quan hệ không thân thiết biết. Khi di chuyển nên đi ít nhất 2 người, đến thẳng đến nơi cần đến.

“Mỗi người cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình. Khi xảy ra cướp, cướp giật tài sản, người dân cần bình tĩnh nhận dạng đặc điểm đối tượng, phương tiện gây án, nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an gần nhất, hoặc qua số điện thoại 113 để lực lượng công an tổ chức truy bắt thủ phạm” - Trưởng phòng CSHS nhấn mạnh.

Công an Hà Nội quyết liệt ngăn chặn tội phạm cướp tài sản ảnh 4Trong một số vụ cướp tài sản, các đối tượng còn sử dụng vũ khí “nóng”

Cảnh giác, bình tĩnh để có phương án xử lý kịp thời

Trong thời gian gần đây, lực lượng CSHS đã tăng cường tuần tra, mật phục trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là vào ban đêm để đấu tranh, phòng ngừa với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm cướp tài sản. Tuy nhiên, địa bàn thành phố quá lớn, nhiều tuyến đường được mở rộng, trong khi lực lượng tuần tra mỏng, nên người dân cần chủ động tự phòng ngừa, phối hợp với lực lượng công an đấu tranh với tội phạm cướp tài sản. Theo đó, nên hạn chế di chuyển trên các tuyến đường vắng, ít người qua lại nhất là vào ban đêm. Nếu buộc phải di chuyển trên các tuyến đường này, cần thông báo cho người thân biết để hạn chế thấp nhất tình huống xấu có thể xảy ra.

Trường hợp khi đang di chuyển vào ban đêm, thấy có người nằm giữa đường kêu cứu, hoặc trẻ em ngồi một mình, hoặc thấy có vật cản trên đường… cần nhanh chóng quan sát xung quanh, sau đó quay ngược đầu xe về phía khu vực có đông dân cư và thông báo với lực lượng công an, chính quyền địa phương để kịp thời có phương án xử lý. Nếu có thể thì dùng các thiết bị ghi hình có trong tay để ghi lại hình ảnh.

Mọi người dân cần lắp đặt camera an ninh và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo hệ thống an ninh vẫn hoạt động tốt, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng có thể lợi dụng để đột nhập. Đảm bảo mọi thành viên trong gia đình đều có số điện thoại của cơ quan công an, tổ trưởng dân phố nơi sinh sống hoặc lực lượng bảo vệ, an ninh (đối với các khu chung cư). 

Tuyệt đối không mở cửa cho người lạ vào nhà, trong trường hợp có người lạ gõ cửa tự xưng là nhân viên sửa chữa, kiểm tra điện, nước, truyền hình cáp… cần yêu cầu cung cấp giấy tờ, đồng thời gọi điện xác minh qua công ty nơi họ làm việc, qua Tổ trưởng tổ dân phố, hoặc bảo vệ tòa nhà (đối với các khu chung cư).

Đối với ngân hàng, điểm thu phí… cần chủ động phối hợp với lực lượng công an cơ sở thống nhất, lắp đặt camera an ninh hoặc kênh liên lạc riêng kết nối trực tiếp với trực ban công an xã, phường, thị trấn để theo dõi, kịp thời thông tin, xử lý khi xảy ra các vụ cướp tài sản.

Thượng tá Vũ Văn Phúc, Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm

Chủ động trình báo cơ quan công an khi bị cướp giật tài sản

Vừa qua, CAH Thạch Thất đã khám phá một số chuyên án, bắt giữ các nhóm đối tượng cướp, cướp giật tài sản. Điển hình là vụ bắt giữ ổ nhóm 8 đối tượng gây ra hàng loạt vụ cướp, cướp giật tài sản trên Đại lộ Thăng Long. Khi gây án, nhóm cướp này thủ sẵn hung khí, dùng xe máy áp sát, chặn đầu, đuôi xe của bị hại, dùng dao đe dọa nạn nhân để cướp tiền, tài sản, điện thoại, trang sức...

Qua một số vụ án đã khám phá cho thấy, các đối tượng thường chọn địa bàn vắng vẻ, ít người qua lại, xa nhà dân để không bị camera ghi lại hành vi phạm tội. Cùng với đó, thời điểm gây án thường vào buổi chiều tối, hoặc đêm khuya. “Con mồi” các đối tượng nhắm đến thường là phụ nữ, học sinh hoặc người điều khiển phương tiện một mình. 

Khi gặp đối tượng cướp giật tài sản, các nạn nhân đều hoảng loạn và khi trình báo thì không nhớ đặc điểm đối tượng, hoặc thậm chí không trình báo gây khó khăn trong công tác điều tra, truy xét bắt giữ, tạo cơ hội cho các đối tượng tiếp tục gây án.

Đặc biệt là tại địa bàn ngoại thành, các tuyến đường tương đối rộng, vắng vẻ, nhân chứng không có để có thể cung cấp thông tin vụ việc. Do vậy, để phòng chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi di chuyển trên tuyến đường vắng nên đi ít nhất 2 người trở lên. Nếu phát hiện có các đối tượng nghi vấn bám theo, nên rẽ vào khu vực đông dân cư hoặc nhà dân để phòng ngừa tội phạm.

Trung tá Phạm Hồng Quân, Đội trưởng Đội CSHS, CAH Thạch Thất 

Giăng “thiên la địa võng” săn bắt cướp

Nhằm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS phối hợp chặt chẽ với công an các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác rà soát, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng từng có tiền án cướp, cướp giật tài sản và có biểu hiện hoạt động tội phạm dạng này.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng của CATP đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra mật phục tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi dễ xảy ra hoạt động của các loại tội phạm cướp và cướp giật tài sản để kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm ngay khi gây án. Công tác đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm tội phạm cướp và cướp giật tài sản cũng được Phòng CSHS chủ động phối hợp với công an cơ sở điều tra truy xét, làm rõ và mở rộng các vụ án.

Đấu tranh phòng chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản đang được các đơn vị nghiệp vụ CATP, công an các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt, phát huy tối đa hiệu quả của công tác xử lý tin báo, tố giác tội phạm, chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm cướp và cướp giật tài sản. Phối hợp chặt chẽ với các tổ công tác 141 tuần tra mật phục, chốt chặn và kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn ngay các hoạt động tội phạm cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố.

Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Phòng CSHS