Công an Hà Nội đóng góp nhiều sáng kiến trong thi hành Luật Phòng, chống ma túy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Khi Luật, Phòng chống ma túy năm 2021 chính thức có hiệu lực, CATP Hà Nội đã có nhiều sáng kiến quan trọng trong việc thi hành Bộ luật này.

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phòng chống ma túy

Chiều nay (20-12), tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã trình bày tham luận với chủ đề: "Đổi mới công tác triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy trên địa bàn TP. Hà Nội".

Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã mở ra một giai đoạn mới nâng tầm hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy, khơi thông các “điểm nghẽn” giúp nâng cao hiệu lực quản lý, tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống ma túy.... không chỉ cho Bộ Công an mà còn cả hệ thống chính trị đối với lĩnh vực vô cùng quan trọng này.

Trung tướng Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội tham luận tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78

Trung tướng Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội tham luận tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78

Nhận thức được tầm quan trọng của Luật Phòng chống ma túy (PCMT) 2021, Công an Hà Nội xác định công tác triển khai mạnh mẽ với phương pháp đổi mới, sáng tạo, phù hợp thực tiễn địa bàn Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong năm 2022.

Để Luật mới ban hành đi vào thực tiễn, lan toả sâu rộng trong nhận thức và hành động không chỉ đối với lực lượng Công an mà còn tác động mạnh mẽ đến các ban ngành, đoàn thể có liên quan, đến từng ngõ ngách trên địa bàn Thủ đô...

CATP đã đa dạng hóa nội dung và hình thức triển khai, chú trọng công tác tham mưu, tập huấn triển khai Luật PCMT 2021 theo hai hướng mở rộng và chuyên sâu; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong việc triển khai, thi hành luật, CATP Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan: UBND các cấp, Sở y tế, Sở Lao động TB&XH, Hải quan, Công thương, Quản lý thị trường... để xây dựng các quy chế phối hợp, thành lập các tổ liên ngành trong công tác triển khai và thực hiện Luật;

Đa dạng hóa phương thức và phương tiện tuyên truyền như: tăng cường sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ 4.0 để tuyên truyền, đăng tải Luật Phòng chống ma tuý trên trang Facebook “Công an thành phố Hà Nội”, Cổng thông tin điện tử Công an Thành phố và An ninh Thủ đô; Tổ chức các cuộc thi Tìm hiểu Luật phòng, chống ma túy; nghiên cứu in, cấp phát tờ rơi song ngữ Việt - Anh tuyên truyền Luật phòng chống ma túy tại Cửa khẩu hàng không Sân bay Quốc tế Nội Bài, các địa bàn có nhiều người nước ngoài cư trú; tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; Tuyên truyền ma tuý học đường...

Chủ động, tích cực đưa Luật vào đời sống

Tuyên truyền, phát tờ rơi về tác hại của ma túy đến người dân

Tuyên truyền, phát tờ rơi về tác hại của ma túy đến người dân

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, ngay thời điểm Luật được Quốc hội thông qua, CATP Hà Nội đã chủ động thực hiện công tác chuẩn bị làm tiền đề thi hành Luật đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể, trước khi Luật có hiệu lực 1 tháng, CATP đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác quản lý người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý theo Luật, phát huy sự vào cuộc của các cấp các ngành trong thực hiện tổng rà soát, thống kê người nghiện theo chỉ đạo của Bộ Công an, thực hiện thống kê đảm bảo đúng tiêu chí của Luật PCMT 2021 để chủ động trong công tác quản lý ngay sau khi Luật có hiệu lực.

Đây chính là biện pháp phòng ngừa xã hội quan trọng, góp phần không nhỏ vào mục tiêu giảm 5% phạm pháp hình sự bởi trên thực tế, người nghiện ma tuý luôn là nguồn phát sinh của các loại tội phạm hình sự.

Công an Hà Nội được ghi nhận là đơn vị đi đầu trong Công an toàn quốc chủ động tham mưu, tổ chức tập huấn Luật PCMT 2021 và các nghị định hướng dẫn thi hành trước thời điểm Luật có hiệu lực. Hội nghị tập huấn đã trực tiếp truyền đạt cho CBCS làm công tác ma túy từ các phòng nghiệp vụ đến gần 1.300 cán bộ chiến sỹ thuộc Công an 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn; kịp thời quán triệt, triển khai nghiêm túc, đảm bảo việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi về Luật PCMT 2021.

Công tác tuyên truyền rất phong phú, đa dạng

Công tác tuyên truyền rất phong phú, đa dạng

Công an Hà Nội đã nghiên cứu, tổng hợp Luật, Nghị định dưới dạng Sơ đồ hóa, xây dựng và ban hành 3 sơ đồ quy trình bao gồm: Quy trình quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Quy trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Quy trình quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

Quy trình do CATP Hà Nội xây dựng đã được lãnh đạo Bộ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ghi nhận, biểu dương và áp dụng triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, Công an Hà Nội đã chủ động nghiên cứu và báo cáo đề xuất đề lãnh đạo Bộ Công an đưa vào thống kê, quản lý đối với “người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma tuý” và “người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma tuý” nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn Hà Nội;

Trong đấu tranh trấn áp tội phạm về ma tuý, Trung tướng Nguyễn Hải Trung thông tin - Công an Hà Nội thực hiện theo phương châm “đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu”. Theo đó đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma tuý; triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý với tính chất và quy mô lớn.

Trong năm 2022, các đơn vị, lực lượng trong CATP phát hiện, khám phá 3.140 vụ, 4.635 đối tượng vi phạm pháp luật về ma tuý, xử lý hình sự: 2.896 vụ, 3.657 bị can (đạt 119,9% chỉ tiêu Bộ Công an giao); thu giữ 421,829 kg ma tuý các loại (tăng 156,629 kg so với cùng kỳ năm 2021), chủ động đưa vào quản lý mới 28 điểm phức tạp về ma túy, giải quyết 20 điểm.

Kiến nghị các biện pháp quyết liệt phòng, chống ma túy

Để làm tốt hơn nữa công tác thi hành Luật PCMT 2021 gắn với hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, Trung tướng Nguyễn Hải Trung đã nêu một số kiến nghị, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an.

CATP Hà Nội đã đánh sập nhiều đường dây ma túy lớn với phương châm “đánh cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu”

CATP Hà Nội đã đánh sập nhiều đường dây ma túy lớn với phương châm “đánh cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu”

Trong đó, giao Công an một số tỉnh - thành phố triển khai thí điểm đưa diện “người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma tuý” và “người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy” vào thống kê, quản lý; thu thập thông tin, tài liệu tổ chức xét nghiệm đưa vào quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đề nghị Bộ Công an có văn bản kiến nghị Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc Công điện 365 của Thủ tướng Chính phủ, đôn đốc Sở Y tế các địa phương khẩn trương công bố các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Đảm bảo 100% cấp xã có ít nhất 1 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý theo quy định của Nghị định 109.

Đảm bảo 100% học viên tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đều được xác định tình trạng nghiện theo quy định của pháp luật. “Hiện nay trong quy trình điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế của Bộ Y tế không quy định phải xác định tình trạng nghiện trước khi được tiếp nhận tham gia điều trị dẫn đến thực trạng người nghiện tham gia điều trị cai nghiện không có giấy xác nhận tình trạng nghiện, gây khó khăn cho công tác thống kê, báo cáo và quản lý người nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021” - Trung tướng Nguyễn Hải Trung nêu ý kiến.