Còn trên 1,6 triệu người dùng sở hữu từ 4-9 SIM di động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), hiện còn 1,62 triệu giấy tờ tương ứng với 7,9 triệu SIM thuộc tập thuê bao có từ 4-9 SIM.
Ông Nguyễn Phong Nhã- Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thông tin về tình hình xử lý SIM rác, tin nhắn- cuộc gọi rác

Ông Nguyễn Phong Nhã- Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thông tin về tình hình xử lý SIM rác, tin nhắn- cuộc gọi rác

Thông tin về tình hình xử lý SIM rác, tin nhắn- cuộc gọi rác tại họp báo thường kỳ tháng 4 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), ông Nguyễn Phong Nhã- Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, để xử lý tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Bộ TT-TT đã phát triển một công cụ giúp người sử dụng tra cứu xem mình đang sở hữu bao nhiêu SIM.

Bộ TT-TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông phối hợp cùng các nhà mạng thay đổi cú pháp nhắn tin để kiểm tra thông tin thuê bao qua đầu số 1414 từ TTTB thành TTTB + số giấy tờ (căn cước công dân) gửi 1414. Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng trong bản tin trả về phải gửi kèm Danh sách các số thuê bao mà Số giấy tờ đang đứng tên đăng ký sử dụng.

Đồng thời, nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng và tính đồng bộ trong quá trình triển khai ngày 20-3-2024, Cục Viễn thông đã có văn bản số 870/CVT-PTHT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trong thời gian 1 ngày kể từ thời điểm tiếp nhận phản ánh chính thức của người dùng về số thuê bao mà bản thân không sử dụng (sau khi tra cứu thông tin thuê bao qua 1414), phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số thuê bao bị phản ánh không còn trong danh sách các số thuê bao của người dùng.

Thống kê cho thấy, các nhà mạng đã nhận được 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414, kèm theo số giấy tờ để kiểm tra thông tin thuê bao. Trong khoảng thời gian từ 1-3 đến hết 31-3-2024, Cục Viễn thông ghi nhận khoảng 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,9 triệu SIM thuộc tập thuê bao có từ 4 - 9 SIM.

Đến nay, đã có khoảng 1.200 số thuê bao phản ánh tới các doanh nghiệp viễn thông, thắc mắc về số SIM lạ mà mình đang sở hữu. Từ đó, các nhà mạng đã loại bỏ các số thuê bao trong danh sách mà khách hàng phản ánh, thực hiện các thủ tục khóa 1 chiều, 2 chiều với các thuê bao không đúng tên, giấy tờ.

“Kết quả là khoảng 200 số thuê bao đã bị khóa, điều này cho thấy các nhà mạng đã vào cuộc tích cực trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao”- ông Nguyễn Phong Nhã nhận định.

Hiện, các nhà mạng đã xây dựng quy trình chặt chẽ, rõ ràng để giúp người sử dụng tìm hiểu thông tin. Người sử dụng di động cũng có thể đề nghị loại bỏ thông tin của mình khỏi các thuê bao không đúng. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi, tránh việc khóa nhầm các thuê bao chính chủ mà người dùng đang sử dụng.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, SIM thuê bao chỉ là một trong các phương thức các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Để ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để cần sự tham gia toàn xã hội, đặc biệt là của các tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ, ví dụ, Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã quy định rõ các cuộc gọi quảng cáo phải sử dụng tên định danh, vì vậy, các công ty chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… cần đăng ký, sử dụng dịch vụ cuộc gọi định danh (voice brandname) để thực hiện các cuộc gọi quảng cáo khi có nhu cầu, thay vì thuê các đối tượng sử dụng các dịch vụ quảng cáo qua điện thoại không đúng quy định).