Con riêng lừa bán nhà của mẹ kế đã mất năng lực hành vi

ANTĐ - Trong căn nhà tồi tàn ẩm thấp, gặp người lạ cụ Nhơn lại ngồi bệt xuống đất, dãy dụa không chịu đứng, miệng mếu máo, mắt nhòa lệ như một đứa trẻ con muốn bắt đền một việc gì không ưng ý. Chốc chốc cụ lại la lên "bạc bạc lắm", rồi lại hềnh hệch cười nắc nẻ.

Trong căn nhà tồi tàn ẩm thấp, gặp người lạ cụ Nhơn lại ngồi bệt xuống đất, dãy dụa không chịu đứng, miệng mếu máo, mắt nhòa lệ như một đứa trẻ con muốn bắt đền một việc gì không ưng ý. Chốc chốc cụ lại la lên "bạc bạc lắm", rồi lại hềnh hệch cười nắc nẻ. Cái điệu cười sao mà chua cay đến lạ. Còn những ai đã từng biết cụ Nhơn là dân ngụ cư ở đường Cô Giang từ hàng chục năm nay, thì lại hiểu và cảm thấy xót lòng. Thương cho cụ bà hiền lành, đã bị mất năng lực hành vi ấy đang phải đối diện với nguy cớ "mất nhà" ngay trong chính căn nhà mà mình đang ở...!

Nghĩa tình nhận lại đắng cay

Chuyện của cụ Nhơn phải bắt đầu từ cách đây ngót nghét hơn 20 mươi năm về trước. Lúc đó Nguyễn Thị Nhơn là bà gái quá lứa lỡ thì, ngoài 30 nhưng vẫn chẳng có mối nào dòm ngó. Đồng cảm phận gia cảnh nghèo, lại một thân côi cút, nên hôm ngang qua Trạm y tế phường Thạch Gián, khi thấy đám đông xì xào, bàn tán, xúm quanh một hài nhi bị bỏ rơi, không ai thừa nhận bà Nhơn lại thấy thương thương chi lạ. Vậy là bà Nhơn xăng xái gặp ban lãnh đạo Trạm: "Thôi thì mình tui côi cút đơn độc, giờ hài nhi ni bé bỏng, không ai thương, ai nhận. Nay xin về với tui, tui sẽ thương nó như rứt ruột đẻ ra"... Vậy là, từ đó trong căn nhà tồi tàn ở góc cuối đường Cô Giang, người ta lại thấy bà Nhơn tất tả nào tã lót, nào đường sữa, cùng bao lo toan. Dầu vậy, khuôn mặt bà Nhơn lại ngời lên niềm hạnh phúc, một niềm hạnh phúc được làm mẹ như bao người đàn bà khác, dẫu bà Nhơn chưa bao giờ được có cảm giác đau như rút từng khúc ruột của bổn phận đàn bà.

Cụ bà Nguyễn Thị Nhơn

Thế rồi, cái hài nhi gái bé bỏng hôm nào bà Nhơn nhận nuôi, mấy chốc đã lẫm chẫm tập đi, tập nói. Hàng ngày, mẹ con bà Nhơn lại dắt díu nhau sang ngồi tâm sự chuyện đời, chuyện sống, và kể cả sẻ chia khi tép trầu, lúc bát canh nóng với vợ chồng ông hàng xóm tắt lửa tối đèn chung vách nhà bên.

Lại nói chuyện gia đình láng giềng chung vách của bà Nhơn. Cả 2 nhà là hàng xóm từ lâu lắm, từ cái thời bà Nhơn còn xuân sắc. Cái thời gã đàn ông hàng xóm rước cô vợ về đẻ xòn xòn 6 đứa con, lúc nào bà Nhơn cũng là người đon đả sang thăm nom, hỏi han đầu tiên. Cho đến một ngày vợ ông hàng xóm lâm bệnh nặng, mối tình thân của bà Nhơn và gia đình ông hàng xóm bỗng đâu lật sang một trang mới. Lúc sắp gần đất xa trời, người vợ sai anh con trai tên là Lê Thương sang nhà bà Nhơn mời bà qua để trăng trối một chuyện hệ trọng. Bà ấy cậy nhờ bà Nhơn "trông nom" hộ lão chồng già và bảo bọc giúp cả 6 đứa con nheo nhóc của mình.

Người sắp gần đất xa trời, đâu còn có tính toan. Bà ấy cũng thấu hiểu, chả có người đàn bà nào dại và điên mà vơ vào thân một lũ "tàu há mồm" cùng gã chồng già góa vợ giúp bà. Nên dẫu có ngỏ lời đường đột làm vậy, nhưng bà ấy nào dám trông mong bà Nhơn nhận lời.! Ây vậy mà bà Nhơn lại nhận lời mới lạ. Bà Nhơn ngật đầu đồng ý, khi trên tay bà còn đang ôm lấy cơ thể dần lạnh ngắt của bà hàng xóm vắn số kia...

Từ dạo đó, bà Nhơn ngoài lo toan chăm sóc cho con gái nuôi Nguyễn Thi Phương Thảo, thì hàng ngày bà phải gánh thêm việc cơm nước cho mấy đứa trẻ, kể cả những lúc "trái gió trở trời" cho lão hàng xóm mới góa vợ kia. Dẫu biết rằng cực nhọc cái thân, nhưng bà Nhơn lại cảm thấy vui, thấy có điều gì đó tạo động lực cho bà. Còn lão hàng xóm ban đầu còn e dè, nay cũng tự nguyện để lại căn nhà chung vách tường với nhà bà Nhơn cho các con ở, còn lão sang ở hẳn với bà Nhơn cho tiện việc nương tựa lúc tuổi già và thờ phụng nhang khói cho người vợ cũ vắn số.

Riêng các con của lão hàng xóm cũng được bà Nhơn vui vẻ cho mượn khoảng sân trước ngôi nhà bà để kẻ thì mở hàng bún, người mở tiệm sửa xe ngay bên hông mà kiếm kế sinh nhai. Tấm lòng và cuộc sống chuyện vơ chuyện bao đồng của bà Nhơn cứ thế trôi qua êm đềm nếu như không có một ngày thành phố Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài để xây dựng cây cầu Rồng bắc ngang qua con sông Hàn thơ mộng. Căn nhà cũ của vợ chồng lão hàng xóm nằm trong diện giải tỏa phải di dời toàn bộ. Riêng căn nhà lụp xụp, ẩm thấp chung tường của bà Nhơn thì lại hóa gặp may. Đã không phải bị di dời, mà nay đã trở thành một khu đất vàng với 2 mặt tiền chễm chệ nhìn thẳng ra cầu Rồng, cùng bao quanh là những tòa cao ốc cao ngút.

Lúc này, do tuổi cao, sức cạn lão hàng xóm qua đời. Không lâu sau đó bà Nhơn cũng lâm bệnh tai biến mạch máu não, rồi bệnh tình tiến triển ngày một xấu, lúc tỉnh, lúc quên. Tất tần tật mọi sinh hoạt và nhu cầu tối thiểu của con người bà Nhơn cũng "giải quyết" ngay tại cái giường hàng ngày bà vẫn nằm. Thời gian này con bé Thảo, con nuôi bà Nhơn cũng đến tuổi lấy chồng, sinh con nên dọn về ở hẳn bên đằng nhà nội. Nên bà Nhơn lại trở nên lẻ bóng, đơn độc sống nhờ vào sự chăm nom của những người bà con và hàng xóm láng giềng.

Riêng nghĩa tình và trách nhiệm của những đứa con của lão hàng xóm đối với bà Nhơn không biết đến dâu. Nhưng chỉ không lâu, một thời gian sau đó đã xảy ra chuyện bà Nhơn được vợ chồng ông Lê Thương và bà Hồ Thị Diệu Phương là con trai và con dâu của lão hàng xóm dắt ra công chứng điểm chỉ bán nhà với giá "đặc biệt rẻ"... Bấy giờ, bà Nhơn hiện dẫu đang cư ngụ ở căn nhà số 53 Cô Giang, nhưng trên giấy tờ thì căn nhà đó nay đã có chủ sở hữu mới là ông Lê Thương, người con trai của vợ chồng lão hàng xóm mà bấy lâu bà Nhơn cưu mang...!

"Vác đơn" khắp nơi đi tìm công lý

Sau khi phát hiện sự việc mẹ nuôi đang có nguy cơ mất nơi cư ngụ và những ứng xử không còn tình người của vợ chồng ông Lê Thương, em Nguyễn Thị Phương Thảo (1990, trú 53 Cô Giang, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) người con gái nuôi của bà Nhơn đã gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi. Em cho biết, việc một ngôi nhà hai mặt tiền đường chính Cô Giang và Lê Đình Dương không bao giờ có giá 410 triệu đồng vào thời điểm thỏa thuận bán nhà giữa mẹ nuôi và vợ chồng ông Lê Thương. Em cũng cho biết, khi hỏi mẹ Nhơn về số tiền nêu trên, mẹ Nhơn chỉ khóc nói rằng, không hề có, và không biết gì hết...

Chị Thảo và ngôi nhà cụ Nhơn

Trong đơn cầu cứu của em Thảo gửi các cơ quan chức năng đã trình bày: Em là con nuôi hợp pháp của cụ bà Nguyễn Thị Nhơn (1952). Thời gian gần đây, em phát hiện mẹ nuôi của mình đã ký hơp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và ngôi nhà tại 53 Cô Giang (thuộc tổ 28, P.Phước Ninh, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) được UBND Q.Hải Châu cấp sổ số 340109242, ngày 10-5-2004 cho vợ chồng ông Lê Thương và bà Hồ Thị Diệu Phương với giá chỉ 410 triệu đồng. Trong khi đó từ năm 2010, cụ Nhơn đã bị bệnh đãng trí, hoàn toàn không chủ động điều khiển được năng lực hành vi của mình.

Em Thảo cũng khẳng định rằng, ngày 2-12-2011 , cụ Nhơn "ký" hợp đồng mua bán nhà và đất cho vợ chồng ông Lê Thương nhưng em không hay biết trong khi đúng theo pháp luật em là con và là đại diện hợp pháp của cụ bà Nhơn. Điều làm em bất bình đó là việc mua bán nói trên diễn ra khi mà tình trạng sức khỏe của mẹ nuôi em không được bình thường. Em Thảo cho rằng vợ chồng ông Lê Thương đã lợi dụng sự hạn chế về sự nhận biết của cụ Nhơn hòng chiếm đoạt căn nhà của cụ Nhơn đang ở để trục lợi? Và việc lập hợp đồng chuyển nhượng đó theo em là không được rõ ràng, minh bạch.

Ngay cả tổ dân phố nơi cụ bà Nhơn cư ngụ cũng khẳng định: Cụ Nhơn là người có hành vi không được bình thường. Tổ trưởng tổ 28, ông Nguyễn Vũ Trường cho biết: Cụ Nhơn bị tai biến từ năm 2010 nên cụ có vấn đề về thần kinh, mất tự chủ trong mọi sinh hoạt. Cụ thể, câu chuyện của cụ không đầu không đuôi thâm chí không liên quan gì đến nhau. Đang cười rồi bật khóc như một đứa trẻ, thỉnh thoảng trong ánh mắt đờ đẫn của cụ Nhơn lại thoảng chút hốt hoảng như có ai đó đang muốn hại bà. Còn chị Nguyễn Thị Huyền Thanh, một người bà con xa với cụ Nhơn trú 51 Cô Giang, Đà Nẵng, bản thân chị cũng chính là người thường lui tới tắm rửa, cho cụ ăn uống khi không có người thân nói thêm: "Tôi thấy việc cụ Nhơn bán nhà căn nhà cho ông Thương có nhiều khuất tất, vì cụ Nhơn đã bị mắc bệnh đãng trí 3 năm nay. Cũng chừng ấy thời gian vì không có tiền chạy chữa nên bệnh tình của cụ ngày một trầm trọng... Vì thế nói cụ Nhơn tự tay ký giấy bán nhà thì quả là khó hiểu...".

Việc làm cuối cùng dẫu đau lòng nhưng bé Thảo con nuôi cụ Nhơn phải làm đó là: Thay mẹ nuôi gửi đơn yêu cầu TAND Q. Hải Châu đề nghị trưng cầu giám định tâm thần cho cụ Nhơn. Ngày 25-6-2012 vừa qua, kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần TP Đà Nẵng cho thấy: Bà Nguyễn Thị Nhơn hiện tại bị rối loạn hoang tưởng thực tổn. Do vậy bà không còn hành vi năng lực dân sự. Căn cứ Điều 22 Bộ luật Dân sự, Điều 321 Bộ luật Tố tụng dân sự, ngày 13-7-2012 TAND Q.Hải Châu đã có Quyết định tuyên bố cụ bà Nguyễn Thị Nhơn mất năng lực hành vi dân sự.

Câu chuyện "bán nhà" của người mất năng lực hành vi của bà Nhơn, và sự vụ lợi, quên nghĩa, bạc tình của người con trai đã khiến cho dư luận Đà Nẵng không khỏi bất bình và xót xa.

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Thiên Thanh, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Thiên Thanh trụ sở số 15 - Phan Đình Phùng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết:

+ Theo điểm A khoản 1 Điều 122 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định: Người tham gia giao kết dân sự phải có đủ năng lực hành vi dân sự. Nếu trong thời điểm giao kết mà bà Nhơn mất năng lực hành vi dân sự thì giao kết này là hoàn toàn vô hiệu theo Điều 127 BLDS.

+ Điều 130 BLDS quy định: Khi giao dịch dân sự đối với người chưa thành niên, người mất năng lực dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện cho họ có quyền đề nghị tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu.

+ Do vậy, với tư cách là 1 luật sư: Trong trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Nhơn bị tai biến mạch máu não từ năm 2010 đến nay. Đồng thời, tổ dân phố và nhân dân tổ dân phố 28 nơi bà Nhơn sinh sống đều có ý kiến rằng bà Nhơn đã bị "đãng trí". Vậy thì thời điểm giao kết bán nhà giữa bà Nhơn và vợ chồng ông Lê Thương xảy ra là khi bà Nhơn đã bị mất năng lực hành vi.