Cơn khát ở Tây Nguyên bao giờ được hóa giải?

Đã bước sang thời gian cuối mùa khô nhưng xem ra thời tiết ở Tây Nguyên vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Thông thường từ cuối tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, thời tiết ở hầu hết các vùng trong khu vực đã chuyển hẳn sang thời kỳ khô nóng.

Cơn khát ở Tây Nguyên bao giờ được hóa giải?

Đã bước sang thời gian cuối mùa khô nhưng xem ra thời tiết ở Tây Nguyên vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Thông thường từ cuối tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, thời tiết ở hầu hết các vùng trong khu vực đã chuyển hẳn sang thời kỳ khô nóng.

Tháng 4, mưa chuyển mùa cũng thường diễn ra ở nhiều nơi, một số nơi có lượng mưa khá trong tháng 4 như Dak Lây (Kon Tum); cao nguyên Pleiku (Gia Lai); Bảo Lộc, Đà Lạt (Lâm Đồng), Gia Nghĩa (Dak Nông), lượng mưa tháng trung bình nhiều năm ở những vùng này là từ 100-200mm; năm mưa nhiều đạt trên 200 mm.

Năm nay, đến đầu tháng 4 vẫn chưa thấy có dấu hiệu chuyển mùa rõ ràng; mùa khô dường như vẫn đang ở trong thời kỳ khắc nghiệt nhất. Tính đến đầu tháng 4, hầu hết các vùng trong khu vực Tây Nguyên đều chịu sự tác động của kiểu thời tiết khô hanh trong suốt 4 tháng liên tục. Đây là một trong những mùa khô ở Tây Nguyên có lượng mưa và số ngày có mưa đạt thấp nhất kể từ năm 2005.

Trong thời gian gần 4 tháng liên tục, ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak và Dak Nông nơi có mưa nhiều cũng có lượng nhỏ hơn 100mm; có nơi hầu như không có giọt mưa nào. Ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên, lượng mưa của mùa mưa năm 2010 đạt thấp và phân bố mưa không đều nên đến đầu mùa khô, nhiều công trình trữ nước không thể tích đủ nguồn nước như thiết kế; nước trong các sông, suối cũng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm; nước ngầm trong thời kỳ phong phú nhất (tháng 11) cũng chỉ đạt tương đương mức trung bình của năm. Do vậy mà tình trạng khô hạn, thiếu nước đã diễn ra khá gay gắt trong suốt thời gian của mùa khô.

Nhiều diện tích lúa bị mất trắng do hạn hán. (Ảnh: T.L)

Nhiều diện tích lúa bị mất trắng do hạn hán. (Ảnh: T.L)

Điểm đặc biệt của thời tiết trong mùa khô 2010-2011 ở Tây Nguyên là thời gian khô lạnh kéo dài. Thông thường từ giữa tháng 11, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hoặc các đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, nhiệt độ ở các vùng trong khu vực bắt đầu có xu thế giảm dần; thời gian lạnh nhất thường rơi vào nửa cuối tháng 12 năm trước kéo dài đến tháng 1 năm sau.

Đến giữa tháng 2, thời tiết chuyển dần sang thời kỳ khô nóng; tháng 3 ở các vùng trũng thấp đã có nhiều ngày nắng nóng gay gắt. Mùa khô 2010-2011, từ đầu tháng 11-2010, những đợt không khí lạnh tăng cường đầu tiên đã ngay lập tức ảnh hưởng đến thời tiết của Tây Nguyên gây ra gió mạnh và nhiệt độ giảm thấp. Cho đến cuối tháng 3-2011, không khí lạnh vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến thời tiết của khu vực mang đến kiểu thời tiết của mùa đông với bầu trời nhiều mây, gió Đông Bắc thổi mạnh, nhiệt độ giảm đến ngưỡng lạnh.

Mùa lạnh kéo dài và lạnh hơn có phần thuận lợi cho sản xuất cây rau màu vụ đông và làm giảm thời gian cũng như mức độ nắng nóng trong thời kỳ cuối mùa khô. Tuy nhiên, lạnh kéo dài cũng là một biểu hiện bất thường của thời tiết nên nó có thể làm thay đổi cơ cấu lịch mùa vụ; làm chậm quá trình phát triển hoặc giảm năng suất các loại cây trồng nhiệt đới; kéo dài thời gian mùa khô; ảnh hưởng tới sinh hoạt và sức khỏe con người; gây khó khăn bất lợi cho chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tại Hội thảo dự báo mùa khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa được tổ chức vào cuối tháng 3 ở TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia khí tượng thủy văn đã nhận định rằng năm 2011, bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện sớm từ tháng 4, tháng 5 với khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó sẽ có 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và nhiều gấp 2 lần năm 2010 (năm 2010 có 2 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta).

Ở Tây Nguyên, mưa chuyển mùa xuất hiện vào khoảng giữa tháng 4; mùa mưa bắt đầu vào khoảng đầu tháng 5 (riêng các vùng phía Đông mùa mưa đến muộn hơn khoảng 20-25 ngày); lượng mưa đầu mùa cũng được nhận định là có khả năng đạt cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mưa chuyển mùa xuất hiện đồng nghĩa với nhiều vùng của Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ được bổ sung lượng nước đáng kể để hạn chế cơn khát.

Câu hỏi đặt ra là liệu cơn khát ở Tây Nguyên có được hóa giải trong tháng 4 này? Trên thực tế, đến đầu tháng 4, thời tiết ở Tây Nguyên vẫn chưa có sự biến chuyển rõ ràng. Nhiệt độ có xu thế tăng dần nhưng vẫn còn thấp so với quy luật nhiều năm; tính chất tranh chấp của các khối không khí chưa mạnh mẽ nên cơ hội xuất hiện các trận mưa dông chưa nhiều. Cũng cần thấy rằng, mưa dông dù có lượng mưa khá thì cũng chỉ giải quyết được cơn khát tạm thời ở những vùng có mưa chứ chưa giải quyết được sự thiếu hụt nguồn nước chung. Mặt khác, trong những trận mưa dông chuyển mùa luôn tiềm ẩn nhiều tai biến như dông tố, lốc xoáy,..

Ngoài ra, những trận mưa dông có lượng nhỏ thường là tác nhân giúp cho sâu, bệnh phát triển bùng phát. Theo nhận định  lượng mưa trong tháng 4 ở các vùng trong khu vực Tây Nguyên đều có xu thế đạt cao hơn với tháng 3. Mưa tập trung chủ yếu trong nửa cuối tháng; nửa đầu tháng chỉ có khả năng xuất hiện một số trận mưa dông với diện mưa hẹp và lượng không lớn. Như vậy, về cơ bản, nhiều khả năng tình trạng hạn hán thiếu nước còn tiếp tục kéo dài trong tháng 4 và chỉ có thể giảm dần từ khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2011.

Theo Nguyễn Văn Huy

Báo Đắc Lắc