Cổ tích chuyện mẹ Việt Nam Anh hùng và hai nàng dâu góa bụa

ANTĐ - Mấy chục năm nay, người dân xã Thạch Châu, H. Lộc Hà, Hà Tĩnh thường lấy hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Vơn (98 tuổi) và hai người con dâu góa bụa như một chuyện “cổ tích” giữa đời thường để giáo dục con cháu.

Họ là 3 người đàn bà mất chồng trong chiến tranh nhưng nương tựa vào nhau vượt qua nỗi đau, nuôi con, cháu trưởng thành.

Từ TP Hà Tĩnh xuôi theo hướng biển về làng Gia Thiện, xã Thạch Châu, H. Lộc Hà, ngôi nhà nhỏ Mẹ VNAH Trần Thị Vơn nằm khuất sau rặng phi lao ào ạt gió biển.

Căn nhà ngói 3 gian trông khá khang trang, mẹ Vơn ngồi đó, trên chiếc ghế bành dáng người quý phái, nước da trắng hồng hào, mái tóc bạc trắng búi gọn trên đầu, lời nói nghĩa tình, nụ cười đôn hậu. Phía sau lưng mẹ, bức tường vôi màu xanh nhạt treo chi chít trướng, bằng mừng thượng thọ mẹ, bằng Tổ quốc ghi công... Trong góc nhà, hai người con dâu của mẹ là bà Nguyễn Thị Thửu (76 tuổi) và bà Nguyễn Thị Chắt (70 tuổi), người đang tất bật chuẩn bị nước mời khách, người chuẩn bị rửa rau cho bữa cơm chiều.

Nhớ lại quá khứ đau thương, mẹ không cầm được nước mắt: "Chồng tui tham gia chiến dịch rồi mất năm 1948, hai đứa con là Nguyễn Trọng Khương (1937), Nguyễn Trọng Tương (1940) lớn lên cưới vợ chưa được bao lâu thì năm 1959 cùng nhập ngũ một lần rồi vào Nam kháng chiến chống Mỹ từ đó không về. Tội...! Thằng Khương nó chiến đấu ở chiến khu Đ, thằng Tương chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Tết Mậu Thân 1968, thằng Tương hy sinh còn ngày 29-4-1975 thì đến lượt thằng Khương ngã xuống ở Đồng Xoài, Bình Phước. Chúng nó hy sinh bỏ lại mẹ cùng hai đứa con dâu và 4 đứa con thơ dại...”. 

Mẹ VNAH Trần Thị Vơn buồn nhớ nỗi mất mát lớn lao khi chồng và hai con trai đều hy sinh.

 Mẹ VNAH Trần Thị Vơn buồn nhớ nỗi mất mát lớn lao khi chồng và hai con trai đều hy sinh.

Chồng mất sớm, cuộc sống bộn bề khó khăn, bà Thửu dẫn 3 đứa con về ở hẳn với mẹ Vơn, còn hai mẹ con cô con dâu thứ Nguyễn Thị Chắt sống ở thôn bên cạnh. Thạch Châu quê mẹ Vơn là vùng cát trắng, không có mưa là ruộng đồng khô cạn, mất mùa, đói khát. Sống trên mảnh đất nghèo khó như thế, cuộc sống của gia đình mẹ Vơn đã nhiều phen sóng gió vì thiếu cái ăn, cái mặc. Nhưng 3 người phụ nữ không cam chịu, mẹ chở che con, con thảo hiền với mẹ, tìm cách để vươn lên.

Vốn là người khỏe mạnh, lại giỏi buôn bán hàng xén nên cứ sáng sáng mẹ Vơn lại cuốc bộ đến chợ kiếm mớ tôm, mớ tép. “Mẹ thương chị em tui một, lại thương mấy đứa cháu mười. Tội nghiệp và thương mẹ lắm, những thứ ngon mẹ không dám ăn, để dành nuôi các cháu” - bà Thửu kể về mẹ.

“Tui để ý không biết bao lần giữa đêm khuya mẹ không ngủ được, mẹ trăn trở, khóc thầm. Nhiều hôm giông to, gió lớn, mẹ đỏ đèn, thắp hương khấn anh Khương, anh Tương phù hộ cho hai chị em tui, các cháu được sức khỏe, được may mắn trên đường đời. Mẹ lẩm nhẩm hứa trước vong linh với các anh sẽ làm tất cả dẫu có chết cũng để các cháu được trưởng thành” - người dâu thứ Nguyễn Thị Chắt đượm nước mắt nhớ lại chuỗi ngày day dứt của mẹ.

Bà Chắt không quên cái lần vì thương bà mà mẹ thúc bà đi thêm bước nữa. “Mẹ bảo với tui, mẹ không buồn nếu con đi bước nữa. Mẹ sớm mất chồng nên hiểu sự trống vắng của con. Lời mẹ dứt, tui úp mặt vào tường khóc nức nở. Tui khóc vì không ngờ mẹ nghĩ cho con dâu nhiều như rứa” - bà Chắt kể.

Tấm lòng người mẹ khiến hai người con dâu không nỡ rời xa, quyết ở vậy phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc con thơ nên người. Đến nay, đã ngót 40 năm, người Mẹ VNAH ấy cùng hai người con dâu là vợ liệt sĩ ở tuổi xưa nay hiếm sống đầm ấm bên nhau, không một lời nặng nhẹ.