Có thể đòi lại được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

ANTĐ - Dư luận hiện đang băn khoăn, thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam - Buôn Ma Thuột bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền liệu có đòi lại được? Xung quanh vấn đề này, ông Trần Hữu Nam, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ có cuộc trao đổi với báo chí.

Logo nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng kí bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc. Ảnh: CAND

- Ông nhìn nhận thế nào về việc, nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài “nẫng” tay trên?

- Ông Trần Hữu Nam: Doanh nghiệp ở Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột sẽ khiến sản phẩm cà phê chính hiệu Buôn Ma Thuột của Việt Nam bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Mất thương hiệu là rõ ràng nếu như chúng ta không có chiến lược cụ thể để bảo vệ. Cà phê Buôn Ma Thuột là thương hiệu lớn, tài sản của Việt Nam, không thể đổi bằng thương hiệu khác vì đây là tên địa phương tồn tại đã hàng trăm năm, liên quan đến các yếu tố như chỉ dẫn địa lý, khí hậu. Bởi vậy, cần phải “đòi” lại nhãn hiệu càng sớm càng tốt, để tránh những rắc rối, thiệt hại gây ra trong thời gian tới.

- Với cà phê Buôn Ma Thuột, đơn vị nào phải đứng ra “đòi” lại thương hiệu?

- Ông Trần Hữu Nam: Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam với tư cách là đại diện chung cho các doanh nghiệp và người sản xuất cà phê nước ta, nên đứng ra liên kết các doanh nghiệp để đòi lại thương hiệu. Còn về phía các cơ quan nhà nước, các thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đều thuộc tỉnh Đắk Lắk, vì vậy theo tôi, UBND tỉnh Đắk Lắk nên đứng ra chủ trì việc kiện đòi lại những thương hiệu này.

Không chỉ Đắk Lắk, mà các địa phương ngay lập tức phải triển khai phổ biến tới các nhà sản xuất có sản phẩm nông nghiệp đặc thù và các nhà kinh doanh thương mại, nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu ra nước ngoài.

- Ông đánh giá tính khả thi của việc “đòi” lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột?

- Ông Trần Hữu Nam: Luật của các nước trong lĩnh vực này đều giống nhau: quyền ưu tiên thuộc về người nộp đơn đăng ký trước, sử dụng trước. Dĩ nhiên vẫn có điều khoản khác: Nếu người không phải chủ đích thực mà nộp đơn đăng ký và đã được cấp chứng nhận bảo hộ, thì chủ đích thực có thể đòi lại. Tại Trung Quốc cũng có điều khoản để bảo vệ chủ đích thực, chắc chắn chúng ta có thể đòi lại bằng mọi cách. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, việc khởi kiện và thắng kiện là hoàn toàn có cơ sở. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ những vấn đề liên quan và sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp cũng như tỉnh Đắk Lắk trong vấn đề này.