Cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "đường đua"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cổ phiếu ngân hàng đã có chuỗi sụt giảm rất sâu kể từ đầu tháng 7 tới nay, đánh mất thành quả tăng suốt gần nửa năm qua. Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá cao nhóm cổ phiếu này trong dài hạn.

Chuỗi giảm sâu kéo nhiều cổ phiếu ngân hàng về vạch đích

Dù thị trường chứng khoán có diễn biến giằng co, đi ngang theo hình răng cưa khoảng 1 tháng trở lại đây nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có diễn biến tiêu cực hơn hẳn.

Đơn cử như trong phiên giao dịch hôm qua (4/10), mặc dù VN-Index tăng tăng 4,65 điểm, lên sát ngưỡng 1.340 điểm, song lại có tới 23/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm, còn lại 2 mã tăng và 2 mã đứng giá.

Trong đó, NVB (Ngân hàng NCB) giảm mạnh nhất khi để mất 6,2% về 27.200 đồng/cổ phiếu; tiếp đến là CTG (VietinBank) giảm 3,5% về 28.700 đồng/cổ phiếu - vùng đáy mới trong hơn 6 tháng. So với thời điểm chốt danh sách chia cổ tức hồi tháng 7, cổ phiếu CTG đã khiến nhà đầu tư “âm” gần 24%.

Ngoài ra, EIB (của Eximbank), VIB của (Ngân hàng Quốc tế) và HDB (HDBank) đều giảm trên 3%; LPB (LienVietPostBank) và STB (Sacombank) cũng giảm 1,6 - 1,7%.

Thanh khoản của nhóm ngân hàng tăng đáng kể so với các phiên trước khi cả nhà đầu tư trong nước lẫn khối ngoại bán ròng. Với mức giá hiện tại, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang nằm ở vùng giá thấp nhất trong vòng 5-6 tháng qua như: VIB, CTG, STB, ACB... với mức giảm từ 10 – 36%.

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực trong thời gian gần đây

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực trong thời gian gần đây

Có thể thấy, thời gian qua nhiều cổ phiếu ngân hàng đã mất đi sức hút đáng kể khi các “game” khủng như: tăng vốn, chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, thoái vốn công ty con, đổi chủ... đã không còn.

Trong khi đó, những tin tức không mấy sáng sủa trong bức tranh kinh tế chung cũng như bức tranh về hoạt động kinh doanh của lĩnh vực này lại liên tục phủ sóng, như: GDP quý III âm sâu, số doanh nghiệp rời thị trường tăng mạnh, cầu tín dụng giảm cùng với yêu cầu hạ lãi suất từ NHNN sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận ngân hàng quý III và cả năm. Trong khi đó, nợ xấu tăng – theo NHNN, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn có thể lên đến gần 8% vào cuối năm nay...

Liệu có còn “sóng” mới?

Với đợt điều chỉnh lần này, vốn hóa cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán đã giảm đáng kể, dù khối lượng cổ phiếu đã tăng mạnh do niêm yết mới hoặc phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Với 27 mã ngân hàng đang niêm yết giao dịch trên 3 sàn, tổng khối lượng cổ phiếu đang là 43,44 tỷ, chiếm 26,1% lượng cổ phiếu toàn thị trường và tăng thêm 1% (3,81 tỷ cổ phiếu) so với cuối tháng 6/2021.

Tuy nhiên, vốn hóa nhóm này lại sụt giảm mạnh, mức giảm lên tới 266.000 tỷ đồng trong 3 tháng qua.

Dù diễn biến cổ phiếu ngân hàng đang khá tiêu cực song nhiều chuyên gia vẫn khá lạc quan về triển vọng trong dài hạn. Báo cáo phân tích gần đây của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 của ngành ngân hàng sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại; do đó thị trường chủ yếu sẽ kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận năm 2022.

Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Và ngành ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Theo các chuyên gia, với mức sụt giảm thời gian qua, định giá cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư. Và trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancassurance (bán bảo hiểm), dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng nhóm cổ phiếu ngan hàng đang đối mặt khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục có thể đến từ dự báo lợi nhuận quý III của các nhà băng không mấy lạc quan. Cùng với đó là sự chuyển hướng dòng tiền chung sang những cổ phiếu midcap, smallcap. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không kéo dài tới cuối năm vì vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá cho cổ phiếu của các nhà băng.

Những hỗ trợ đến từ việc NHNN sửa đổi Thông tư 01, kéo dài thời gian cơ cấu nợ tới tháng 6/2022 sẽ khiến các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng trong quý IV. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng về cuối năm sẽ tốt hơn khi nền kinh tế dần mở cửa, phục hồi trở lại; lãi suất khó giảm thêm nên không còn gây ảnh hưởng tới hệ số NIM của các ngân hàng.

Thêm vào đó, một số ngân hàng cũng có những câu chuyện riêng về tăng vốn, bán công ty con; nhiều ngân hàng chưa hạch toán hết thu từ bancassurance; việc điều chỉnh phí bancassurance cũng kỳ vọng mang lại một phần thu nhập ngoài lãi cho các ngân hàng. Một số ngân hàng có khoản đầu tư trái phiếu khá lớn, có thể phần nào bù đắp khi tín dụng chưa tăng trưởng mạnh trở lại.

Ông Minh vẫn tin tưởng vào vai trò dẫn dắt thị trường của cổ phiếu ngân hàng, và cho rằng nhóm cổ phiếu này vẫn hứa hẹn những đợt sóng mới khi kinh tế hồi phục.