Nguy cơ vỡ “bom nợ” Evergrande liệu có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần đã dấy lên một số lo ngại về ảnh hưởng từ nguy cơ vỡ “bom nợ” Evergrande – công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc.

Chứng khoán thế giới chao đảo

Evergrande được biết đến là công ty bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc, niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông. Công ty này đang đứng trước rất nhiều khó khăn về việc mất thanh khoản, tạo ra rủi ro không thể thanh toán các khoản nợ vay đến hạn.

Cơ quan quản lý của Trung Quốc đã cảnh báo rằng khối nợ 305 tỷ USD của Evergrande có thể châm ngòi cho rủi ro quy mô lớn trên toàn hệ thống tài chính của nước này.

Trong báo cáo tháng 8, S&P Global Rating ước tính trong 12 tháng tới Evergrande sẽ phải trả nhà thầu 37 tỷ USD, trong đó gần 15,5 tỷ USD sẽ phải đáo hạn ngay trong năm nay.

Sáng đầu tuần 20/9, giá cổ phiếu của Evergrande đã lao dốc 16,93%. Cổ phiếu của công ty con phụ trách quản lý tài sản của Evergrande cũng sụt 12,6%, công ty con về xe điện giảm gần 8%, công ty con về streaming là Hengten cũng rớt 12%.

Điều này đã kích hoạt nỗi lo về khả năng vỡ nợ của Evergrande và tạo ra một lần sóng giảm giá mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK). Chỉ số chính tại TTCK Trung Quốc giảm mạnh, như Hang Seng (-3.3%) (Sanghai nghỉ lễ).

Đà giảm tiếp tục ảnh hưởng lan sang TTCK các nước khác, với các chỉ số TTCK Mỹ như Dow Jonesm, S&P và Nasdaq giảm mạnh. Các TTCK Châu Á có Nikkei giảm 2,2% trong phiên 21/9; Indo giảm 0,26% và VN-Index của Việt Nam giảm 0,79%...

Sự kiện Evergrande tại Trung Quốc đang dấy lên lo ngại với thị trường tài chính toàn cầu

Sự kiện Evergrande tại Trung Quốc đang dấy lên lo ngại với thị trường tài chính toàn cầu

Liệu có dẫn đến một cuộc khủng hoảng?

Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán MayBank King Eng (MBKE), sự kiện Evergrande đang tạo ra 2 mối lo ngại chính bao gồm với các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Thứ nhất là lo lắng về rủi ro tạo ra một cú sốc nghiêm trọng tương tự như vụ phá sản của Lehman Brothers xảy ra cách đây 13 năm về trước.

Và thứ hai là tâm lý lo ngại với một số công ty đang niêm yết tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh có phần tương đồng với Evergrande trong lĩnh vực bất động sản và xe điện.

Tuy nhiên, về lo ngại đầu tiên, theo đánh giá của MBKE, những khó khăn hiện nay của Evergrande đến từ việc chính phủ Trung Quốc đang chủ động “mạnh tay” hơn để lành mạnh hóa và hạ nhiệt một phần thị trường bất động sản tại quốc gia này.

Do đó, tình huống hiện nay của Evergrande ít có khả năng tạo ra những vấn đề nghiêm trọng như trường hợp của Lehman Brothers, vốn đã làm kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề.

“Tình huống của Evergrande theo chúng tôi ở một quy mô nhỏ hơn, ít nghiêm trọng hơn, câu chuyện chủ yếu liên quan đến yếu tố thanh khoản của tập đoàn này và nhiều khả năng sẽ dẫn đến một sự can thiệp nhất định từ Chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới để ngăn không tạo ra sự đổ vỡ” – các chuyên gia MBKE nêu quan điểm.

Thêm vào đó, nhìn vào một trong những thước đo rủi ro quan trọng là CDS (Credit Default Swap), có thể thấy ở thời điểm năm 2008 khi câu chuyện đổ vỡ của Lehman Brother diễn ra, CDS tại hầu hết quốc gia đều tăng vọt lên mức rất cao (trên 200).

Trong khi đó ở diễn biến hiện tại, CDS vẫn đang cho thấy các thông số bình ổn và đây là chỉ dấu cho thấy đánh giá của thị trường về vấn đề của Evergrande là ít rủi ro hơn rất nhiều so với sự kiện Lehman Brother trước đây.

Ở luận điểm thứ hai, khi so sánh câu chuyện của Evergrande với một số doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh tương đồng tại Việt Nam, MBKE cho rằng không thật sự phù hợp.

Trong đó, một trong những khác biệt có thể thấy rõ nhất (và cũng là vấn đề nghiêm trọng nhất của Evergrande) là tỷ lệ nợ vay của Evergrande ở một mức rất cao, cao hơn hẳn so với tất cả các doanh nghiệp bất động sản hiện nay tại Việt Nam.

Do đó, theo MBKE, câu chuyện về Evergrande trên thực tế đã tạo ra một số dư chấn nhất định dành cho TTCK toàn cầu trong hai phiên gần đây, tuy nhiên công ty chứng khoán này không đánh giá đây là một rủi ro ở mức cao và có thể tạo ra các tác động mạnh kéo dài như một số các sự kiện đang được nhà đầu tư liên đới đến.

Sự so sánh giữa Evergrande với các doanh nghiệp có ngành nghề tương đồng tại Việt Nam cũng là một sự so sánh khập khiểng và có thể tạo ra những đánh giá sai lệch về triển vọng của các công ty này.

Riêng TTCK Việt Nam đã có những diễn biến khá hưng phấn ở phiên giao dịch mở cửa đầu tuần nhưng đảo chiều vào gần cuối phiên khiến thị trường đóng cửa giảm 0,16%.

Đà giảm được nối tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, tuy nhiên chiều hướng có vẻ tích cực hơn khi thị trường dần ổn định trở lại vào phiên buổi chiều và thanh khoản vẫn duy trì ở mức trên 21 nghìn tỷ đồng. Sang phiên hôm nay, thị trường có xu hướng giằng co trong biên độ hẹp vào đầu giờ sáng.