Có nên giãn chu kỳ kiểm định cho phương tiện kinh doanh vận tải?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lý do không đưa phương tiện kinh doanh vận tải vào diện được giãn chu kỳ đăng kiểm vì phương tiện này có cường độ sử dụng nhiều, một phương tiện có thể do nhiều người sử dụng nên chế độ bảo dưỡng, chăm sóc, bảo quản chưa được tốt.

Xe kinh doanh vận tải sử dụng nhiều, bảo dưỡng kém

Liên quan đến kiến nghị giãn chu kỳ kiểm định đối với xe kinh doanh vận tải của Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan liên quan xem xét các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết chậm nhất ngày 15/6 sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT về các kiến nghị này.

Dù vậy, Cục Đăng kiểm cũng cho hay, về lý do không đưa phương tiện kinh doanh vận tải vào diện được giãn chu kỳ đăng kiểm vì phương tiện này có cường độ sử dụng nhiều, một phương tiện có thể do nhiều người sử dụng nên chế độ bảo dưỡng, chăm sóc, bảo quản chưa được tốt.

Thực tế, theo thống kê số liệu kiểm định, tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất đối với nhóm phương tiện này là rất thấp (thời điểm thấp nhất là 67,6%).

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên giãn chu kỳ kiểm định với phương tiện kinh doanh vận tải

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên giãn chu kỳ kiểm định với phương tiện kinh doanh vận tải

Với tiêu chí lấy an toàn, sinh mạng của người dân lên trên hết, Cục Đăng kiểm đã hết sức thận trọng trong việc lựa chọn giải pháp khi thực hiện, chính vì vậy đã thống nhất giải pháp cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải tại Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.

Theo các chuyên gia, quy định này là phù hợp với các xe cá nhân có tỷ lệ đạt kiểm định ngay từ lần đầu cao (khoảng 95%), chủ xe quan tâm bảo dưỡng và cường độ sử dụng thấp hơn so với xe kinh doanh vận tải.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, sau khi Thông tư 08/2023 được ban hành, tình trạng ùn tắc đăng kiểm đã hạ nhiệt, lượng xe có nhu cầu đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm đã giảm rõ rệt.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến cáo các trung tâm đăng kiểm ưu tiên kiểm định cho xe kinh doanh vận tải và các xe đã hết hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định, đảm bảo sớm khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp cũng như xã hội.

Các trung tâm đăng kiểm đã khá vắng vẻ sau khi phương tiện cá nhân dưới 9 chỗ được tự động giãn chu kỳ kiểm định

Các trung tâm đăng kiểm đã khá vắng vẻ sau khi phương tiện cá nhân dưới 9 chỗ được tự động giãn chu kỳ kiểm định

Việc kiến nghị giãn chu kỳ kiểm định cho xe kinh doanh vận tải không nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân cũng như các chuyên gia.

Anh Nguyễn Hữu Đức ở Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Xe kinh doanh vận tải có tần suất sử dụng rất lớn, đó còn chưa kể đối với các phương tiện vận tải lớn thường giao cho nhiều người vận hành nên việc bảo dưỡng xe không thể được như xe cá nhân”.

Còn chuyên gia giao thông Thạc sỹ Vũ Hoàng Chung cho hay, không nên giãn chu kỳ kiểm định đối với phương tiện kinh doanh vận tải, vì đây là đối tượng cần phải quản lý chặt chẽ về tính an toàn của phương tiện, đảm bảo việc lưu thông trên đường an toàn.

“Hiện, các trung tâm đăng kiểm đã khá vắng vẻ, không còn tình trạng ùn tắc kéo dài như trước đây nữa. Các phương tiện đã có thể đến kiểm định bình thường thì không có lý do gì để giãn chu kỳ kiểm định cho phương tiện kinh doanh vận tải”- Th.s Vũ Hoàng Chung nêu quan điểm.

Chu kỳ kiểm định theo kilomet khó kiểm soát và không khoa học

Còn đối với kiến nghị tính chu kỳ kiểm định xe theo km, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định: Chu kỳ kiểm định ô tô được thiết lập dựa trên các nghiên cứu và thông tin khoa học về tuổi thọ và an toàn của các thành phần trên xe ô tô.

Các đơn vị quản lý và các tổ chức kiểm định xe ô tô trên thế giới đã phát triển các quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định xe ô tô dựa trên 3 yếu tố chủ yếu.

Thứ nhất là năm sản xuất xe bởi các nghiên cứu đã chứng minh rằng các thành phần trên xe ô tô, như động cơ, hệ thống treo, hệ thống phanh và hệ thống lái sẽ có xu hướng hư hỏng và hao mòn theo thời gian.

Đặc biệt là các chi tiết, chất lỏng như: lốp xe, các chi tiết bằng cao su, linh kiện kim loại, dầu bôi trơn… là những chi tiết có thể bị lão hoá theo thời gian, kể cả trường hợp không sử dụng xe.

Do đó, các chu kỳ kiểm định xe ô tô được thiết lập dựa trên năm sản xuất của xe.

Thứ hai là tần suất sử dụng xe bởi thực tế chứng minh qua các nghiên cứu, các thành phần trên xe ô tô sẽ chịu tác động lớn hơn và hao mòn nhanh hơn khi xe được sử dụng với tần suất lớn (ví dụ như các loại xe dịch vụ taxi, xe khách, xe tải…).

Thứ ba là môi trường hoạt động, xe ô tô hoạt động trong môi trường nhiều bụi bẩn, đất đá, hoặc môi trường có độ ẩm cao, độ muối cao cũng sẽ có xu hướng hư hỏng nhanh hơn so với xe hoạt động trong môi trường khô ráo và sạch sẽ.

“Dựa trên các yếu tố trên, các quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định xe ô tô khác nhau sẽ được áp dụng trong các quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, điểm chung của các quy định này là đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe của người lái xe và người đi đường.

Như vậy có thể thấy chỉ số quãng đường xe đã chạy (km trên đồng hồ) chỉ là một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định chu kỳ kiểm định. Nên không thể quyết định việc kiểm định chỉ dựa trên chỉ số này”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA), nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định thời hạn kiểm định của xe ô tô theo thời gian sử dụng với chu kỳ khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử dụng (xe cá nhân, xe kinh doanh).

Vì vậy, việc quy định thời hạn kiểm định phương tiện theo thời gian sử dụng như hiện nay tại Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, được dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và thuận tiện cho công tác quản lý.