Cơ hội nào để hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù là những cá thể kinh doanh rời rạc, nhỏ lẻ nhưng lại đóng góp khoảng 30% GDP đất nước mỗi năm, các hộ kinh doanh tại Việt Nam đang cạn kiệt nguồn vốn sau đại dịch.
Nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn sau đại dịch

Nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn sau đại dịch

Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BTRI) vừa tiến hành nghiên cứu về hộ kinh doanh tại Việt Nam trong làn sóng thứ 4 của Covid-19.

Kết quả cho thấy, các hộ kinh doanh tại Việt Nam không còn giữ được thái độ lạc quan trong kinh doanh như trước đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, kéo dài từ 27-4-2021 đến nay.

Cụ thể, 5 khó khăn của hộ kinh doanh hiện nay là: Cạn kiệt về vốn, khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn mới, lao động không đi làm/bỏ việc, đào tạo nhân lực tay nghề và chuyển giao công nghệ.

Trong đó, tiếp cận vốn là yếu tố được cho gây nên nhiều khó khăn nhất. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh cho rằng chuyển giao công nghệ là một rào cản để họ vượt qua giai đoạn Covid-19, mức độ nghiêm trọng chỉ sau tiếp cận vốn.

Trong giai đoạn dịch bệnh, các hộ kinh doanh mong muốn được Nhà nước hỗ trợ các thủ tục để được giảm thuế, tiếp cận với nguồn vốn để duy trì kinh doanh.

Theo các chuyên gia, nhìn lại hệ thống các gói hỗ trợ năm 2020, hộ kinh doanh tương đối “lép vế” so với doanh nghiệp. Chiếc phao cứu sinh của hộ và cá nhân đặt tại gói 62.000 tỉ đồng liên quan đến an sinh xã hội, song thực tế, gói hỗ trợ này không được đánh giá cao khi chỉ giải ngân được 22% và cho các đối tượng “dễ thống kê” như: hộ nghèo, người được hưởng chính sách xã hội...

Theo Tổng cục Thống kê, trước khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, cả nước ghi nhận có khoảng 5,37 triệu hộ kinh doanh, cao hơn khoảng 9 lần so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây được coi là một khu vực kinh tế quan trọng, đặc biệt trong việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm, với tổng số lao động tham gia trong khu vực này ghi nhận khoảng 9 triệu người trong năm 2019.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế này còn tồn tại nhiều điểm hạn chế; việc quản lý hoạt động của các hộ kinh doanh cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề quản lý thuế và các nghĩa vụ khác với xã hội và người lao động.

Ở thời điểm hiện tại, việc quản lý đối tượng hộ kinh doanh vẫn chưa có một khung pháp lý cụ thể, cho dù điều này đã được đề cập trong một văn bản pháp lý có từ năm 2006, và được điều chỉnh một vài điều khoản có trong Luật Doanh nghiệp ban hành lần lượt vào các năm 1999, năm 2005, năm 2014 và mới đây nhất là năm 2020.

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã và đang ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nhóm hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, nhưng kết quả không mấy khả quan và không được các hộ kinh doanh đón nhận.

Trước những khó khăn do dịch bệnh mang lại, các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, hộ kinh doanh cần Nhà nước hỗ trợ giải quyết vấn đề vốn.

Về dài hạn, các Bộ, ngành cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chủ động kiểm soát dịch bệnh.