Cơ hội để mạnh lên

ANTĐ - Có thể nói, sức “nóng” trên Biển Đông đang truyền nhiệt lên toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội. Khó lường trước điều gì có thể xảy ra, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh, tình hình hiện nay buộc chúng ta phải tính đến cả những phương án xấu nhất. Đặc biệt, phải đánh giá xác đáng ảnh hưởng của sự kiện giàn khoan trái phép của Trung Quốc đối với nền kinh tế nước ta, tính trước mọi diễn biến để có quyết sách đúng đắn, lâu dài.

“Chúng ta muốn hòa bình nhưng phải chủ động mọi tình huống”. Đó là tiếng nói chung của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần phải gắn chặt phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng-an ninh, trong đó có Biển Đông.

Cụ thể, phải rà soát lại các dự án đầu tư, dành nguồn vốn đóng những đội tàu lớn, cho ngư dân thuê tàu, mượn tàu để cùng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư trấn giữ Biển Đông. Tàu cá của ta quá nhỏ khiến ngư dân rất khó bám biển. Nhà nước cần có ngay chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi đặc biệt để đóng những đội tàu lớn mạnh, giúp ngư dân đủ sức vươn ra khơi xa. Bà con ngư dân chính là lực lượng nòng cốt tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo, cần giúp vốn để họ có đủ tàu, đủ dầu bám biển lâu dài.

Từ những diễn biến trên Biển Đông, các đại biểu Quốc hội nhìn vào “bức tranh” kinh tế năm 2014 và nhận định, năm nay kinh tế sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, nhiều đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần đề ra những giải pháp cụ thể, ứng phó chủ động trước tình hình sẽ có nhiều khó khăn không chỉ từ nay đến cuối năm. Phân tích những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các đại biểu bày tỏ, điều lo ngại nhất hiện nay là nền kinh tế đang lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, từ thị trường thương mại, xuất nhập khẩu đến vật tư, nguyên liệu. Diễn biến ở Biển Đông buộc chúng ta phải dự báo cho được những ảnh hưởng sẽ tác động xấu tới nền kinh tế nói chung, an ninh lương thực, năng lượng, xuất nhập khẩu nói riêng. Đây là lúc cần phải đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, vừa phát triển kinh tế để không phải “ăn đong”, lệ thuộc quá nhiều vào “hàng xóm”.

“Trong cái rủi có cái may”, một đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đây là cơ hội để nước ta thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Song, quan trọng hơn, đây là cơ hội để thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, đồng lòng vượt qua cam go, thách thức. Tận dụng cơ hội này để đưa kinh tế mạnh lên.