Có được bồi thường khi bị tai nạn lao động?
(ANTĐ) - Tôi làm việc cho một cơ sở sản xuất tư nhân đã 3 năm nhưng không được ký hợp đồng lao động. Vừa qua, trong lúc làm việc tôi bị máy cán làm gẫy chân. Sau khi ra viện, chủ cơ sở không bồi thường mà còn cho tôi nghỉ việc?
Hoàng Trọng Nhân (Đông Anh, Hà Nội)
Theo quy định của Bộ luật Lao động, nếu trong quá trình lao động mà người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó NSDLĐ phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động.
Sau đó, NLĐ được giám định tỉ lệ thương tật để hưởng trợ cấp tai nạn lao động do cơ quan BHXH chi trả. Về phía NSDLĐ còn phải bồi thường cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 81%, mức bồi thường tùy thuộc vào tỉ lệ suy giảm khả năng lao động sau khi giám định. Nếu đơn vị không tham gia loại hình BHXH bắt buộc thì NSDLĐ phải trả cho NLĐ một khoản tiền ngang với mức quy định trong điều lệ BHXH (điều 107 Bộ luật Lao động).
Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp của anh ngoài chi phí điều trị tai nạn (chi phí y tế, tiền lương...), chủ cơ sở phải có trách nhiệm đưa anh đi giám định tỉ lệ thương tật để làm căn cứ bồi thường tai nạn. Ngoài ra, nếu cơ sở không đóng BHXH thì chủ cơ sở phải trả cho anh một khoản tiền ngang với mức quy định trong điều lệ BHXH (trả một lần hoặc hàng tháng) tùy theo tỉ lệ suy giảm khả năng lao động theo quy định) và phải sắp xếp công việc phù hợp sức khỏe để anh có thể tiếp tục làm việc. Nếu chủ cơ sở không thực hiện đúng như vậy, anh có thể khởi kiện ra tòa để được bảo vệ quyền lợi.
LS Bùi Sinh Quyền
(VPLS Phúc Thọ, 23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)