Có địa phương đã xem nhẹ môi trường để phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, ở đâu đó, có địa phương muốn đáp ứng tăng trưởng kinh tế đã xem nhẹ bảo vệ môi trường, đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ.

Phát biểu tại Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021 diễn ra tại Phú Thọ sáng nay 27/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để phòng được thiên tai, chúng ta phải có giải pháp căn cơ, không phải cho năm nay hay năm sau mà lâu dài hơn, tầm nhìn 5 năm hoặc 10 năm tới để con cháu chúng ta trong tương lai được sống trong môi trường an toàn hơn trước thiên tai.

Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: “Ở đâu đó, có địa phương muốn đáp ứng tăng trưởng kinh tế đã xem nhẹ bảo vệ môi trường, đây là vấn đề chúng ta cùng suy nghĩ. Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế. Nếu không định hướng phát triển bền vững thì những hậu quả nặng nề sẽ xảy ra ngay trước mắt chứ đừng nghĩ tới lâu dài mới nhận. Những lợi ích trước mắt sẽ không thể nào bù đắp lại được so với những cái tổn hại sau này phải hứng chịu”.

Năm 2020, thiên tai đã gây ra nhiều mất mát to lớn về người trên cả nước

Năm 2020, thiên tai đã gây ra nhiều mất mát to lớn về người trên cả nước

Theo ông Lê Minh Hoan, các địa phương cần tính toán giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Vì phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột, đó là: tăng trưởng kinh tế, giải quyết được các vấn đề xã hội và giữ được môi trường. Phải thỏa mãn nhu cầu cho thế hệ hôm nay và không tổn hại đến thế hệ mai sau.

“Phải xem lại quy hoạch, không gian sống cho bà con. Vì bà con sống theo tập quán, theo sông, suối, những vị trí rất nhạy cảm nếu thiên tai xảy ra. Vấn đề này không thể ngày một ngày hai, chúng ta phải xem lại quy hoạch, kể cả quy hoạch không gian sống cũng như quy hoạch sản xuất cuả người dân. Đó mới là hướng căn cơ lâu dài, cũng như chúng ta nâng cao năng lực ứng phó, năng lực tìm kiếm cứu nạn để chúng ta giải quyết sau khi thiên tai xảy ra, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy, trong năm 2020 thiên tai đã khiến 357 người chết và mất tích, gây thiệt hại về kinh tế 39.962 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, năm 2020 được ghi nhận là năm thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt trên phạm vi cả nước, trong suốt cả năm với những yếu tố dị thường và ghi nhận nhiều giá trị vượt mức lịch sử.

Cả nước đã xuất hiện 16/21 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, trong đó có cơn bão số 9 mạnh nhất trong vòng 20 năm qua; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn sạt, lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng.

Đặc biệt, khu vực miền núi nước ta xuất hiện những đợt mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, vượt quá khả năng dự báo, tính toán của cơ quan phòng chống thiên tai.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng cho biết, những tháng đầu năm nay, khu vực vùng núi phía Bắc đã xảy ra 8 trận mưa đá, giông lốc, sét; 4 trận động đất; 3 đợt rét đậm, rét hại; 2 trận lũ ống, lũ quét. Thiên tai đã làm 3 người chết và mất tích, 1 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính 25 tỉ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù chưa bước vào mùa mưa nhưng một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường.