Chuyến xuất ngoại đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản

ANTĐ - Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe sẽ thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia từ 16 đến 19 tháng Giêng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức tháng trước, nhằm củng cố quan hệ với các nền kinh tế đang phát triển mạnh của châu Á khi mối quan hệ với Trung Quốc vẫn u ám.

Tân Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới Đông Nam Á trước tiên, dù trong chiến dịch tranh cử ông Abe có nói rằng sẽ tới thăm Mỹ trước bất cứ quốc gia nào khác (chuyến công du bị hoãn lại do lịch trình bận rộn của Tổng thống Obama trước lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai). Chuyến thăm của ông Abe sẽ diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản kỷ niệm 40 năm thiết lập các mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Báo chí Nhật dẫn các nguồn tin cho hay ông Abe đang theo đuổi mối quan hệ mạnh mẽ hơn với khối ASEAN, cũng như Mỹ, nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 10-1 cho hay, các nước mà Thủ tướng Abe tới thăm là các quốc gia hàng đầu trong tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á và Nhật Bản vốn đang lao đao vì giảm phát và suy thoái lần thứ tư kể từ năm 2000 cần mở rộng các quan hệ kinh tế với khu vực này. “Củng cố hợp tác với các nước ASEAN đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ông Suga cho biết. Ông cũng khẳng định thêm các nước ASEAN có vị trí quan trọng chiến lược đối với Nhật.

Theo AFP, Nhật Bản muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Hiện, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kisida đang có mặt ở khu vực. Giới phân tích cho rằng, trong điều kiện quan hệ thương mại với Trung Quốc suy giảm và khó khăn trong khu vực châu Âu, hợp tác kinh tế với các nước ASEAN là chiến lược quan trọng đối với Nhật Bản nhằm giải quyết tình trạng suy thoái. Ông Pascal Lamy, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần đây nói rằng khu vực ASEAN là “cấu trúc hỗ trợ của nền kinh tế thế giới”. Phát triển mối quan hệ với khu vực này chắc chắn sẽ hỗ trợ tăng cường cấu trúc kinh tế Nhật Bản hiện đang gặp khó khăn.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nổi tiếng là người quan tâm đến các nước đang phát triển tại châu Á để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản lần này, ông Abe chọn Đông Nam Á là điểm đến trước tiên còn là bởi mục tiêu về chính trị. Cũng với chuyến thăm ba nước Đông Nam Á gồm Philippines, Singapore, Brunei (9 - 14/1) của Ngoại trưởng Nhật Bản, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe tới Việt Nam, Thái Lan và Indonesia phát đi thông điệp đa nghĩa quan trọng. 

Khi tân Thủ tướng Shinzo Abe chính thức lên cầm quyền tại Nhật Bản ngày 26-12-2012 giới quan sát chính trị quốc tế cho rằng Chính phủ của ông lại chọn một nước ở Đông Nam Á là Myanmar để khai mở chính sách ngoại giao của mình. Thế nhưng, chỉ một tuần sau, đích thân Phó Thủ tướng Taro Aso đến Myanmar để củng cố quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này. Theo các nhà phân tích, ngoài mục tiêu kinh tế rất rõ nét thì một mục tiêu chính trị đó là: Tăng cường ảnh hưởng của Nhật để hạn chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Các quan chức tại Nhật Bản lâu nay vốn rất cảnh giác trước việc Trung Quốc có thể giành được vai trò và ưu thế với Myanmar trong những năm tới đây. Nhằm bù đắp lại những tổn thất kinh tế do tranh chấp biển đảo với Trung Quốc gây ra, ông Abe đã hướng tới các nước châu Á láng giềng khác kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12 vừa qua. Ông đã có một loạt động thái để thực hiện ý định này, như phái Ngoại trưởng công du Đông Nam Á và cử đặc phái viên tới Hàn Quốc cũng như Nga. 

Chuyến công du sắp tới của Thủ tướng Abe tới Việt Nam, Thái Lan và Indonesia chắc chắn sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác truyền thống giữa Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á. Đây là thông điệp khẳng định sự hiện diện của Nhật Bản trong khu vực đang đóng vai trò là động lực tăng trưởng của châu Á. Hiện, nhập khẩu dầu thô và nguyên liệu đầu vào có vai trò sống còn đối với Nhật Bản - quốc gia nghèo tài nguyên và năng lượng, trong đó khoảng 88% nguồn cung phải đi qua Biển Đông. Vì thế, Tokyo cũng hy vọng chuyến thăm sẽ giảm tính dễ bị tổn thương của các tuyến đường cung cấp năng lượng trên Biển Đông, cũng như đối phó với những thách thức có thể xảy ra trên Biển Đông. Nhật chia sẻ quan ngại về Trung Quốc với nhiều nước ở Đông Nam Á trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Tại Manila hôm thứ năm vừa qua, Ngoại trưởng Nhật Kishida đã đề nghị giúp Philippines đối phó với hoạt động “đầy đe dọa” của Trung Quốc trên biển. Thông tin này được chính Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hé lộ. “Chúng tôi có đe dọa thực sự và đe dọa này được nhiều nước chia sẻ, không chỉ có Nhật”, ông Rosario cho hay. Ngoài ra, ông cho biết Nhật sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu bảo vệ bờ biển và thiết bị liên lạc.

Chính vì vậy, ông Dmitry Mosyak, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu khu vực Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương của Viện phương Đông, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe đến các nước ASEAN để chứng tỏ rằng, bất chấp những khó khăn, Nhật Bản vẫn là đối tác kinh tế quan trọng đối với các nước Đông Nam Á và là đối trọng chính trị và kinh tế đáng kể trong khu vực đối với Trung Quốc.

“Đông Nam Á là một trong những lĩnh vực kình địch truyền thống giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thể hiện cả trong chính trị và kinh tế. Trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Nhật Bản rõ ràng đứng về phía các nước ASEAN. Trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, đầu tư Nhật Bản cạnh tranh mạnh với Trung Quốc”, ông Masyak nhận định. “Tuy nhiên, từ năm 2010, với việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN, tổ chức các nước Đông Nam Á đã gạt bỏ Nhật Bản khỏi vị trí của đối tác thương mại thứ ba của Trung Quốc. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Đông Nam Á đang gia tăng, và trong trường hợp này, điều quan trọng đối với các nước ASEAN là duy trì các hướng hợp tác khác. Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Indonesia, Việt Nam và Thái Lan nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các đối tác của ASEAN đối với Nhật Bản”.

Bên cạnh những bước đi ngoại giao tích cực nhằm nâng cao vị thế trên trường khu vực và quốc tế, ngày 10-1, Thủ tướng Abe đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá hơn 20.000 tỷ Yen (khoảng 227 tỷ USD) với mục tiêu vực đất nước khỏi tình trạng trì trệ kéo dài. Gói kích thích này bao gồm khoản chi ngân sách khoảng 116 tỉ USD, nếu tính cả chi tiêu của chính quyền địa phương và khu vực tư nhân có thể lên tới 230 tỉ USD. Thủ tướng Abe tin rằng gói kích thích kinh tế sẽ kéo tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Nhật Bản tăng 2% và tạo ra 600.000 việc làm mới. Đây là một trong những kế hoạch hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật.

Những động thái tích cực trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao của Thủ tướng Abe được người dân Nhật Bản đánh giá cao và tin tưởng rằng sẽ giúp quốc gia này lấy lại sức mạnh vốn có của mình. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hôm 9-1 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực của ông Abe nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế hàng đầu châu Á và duy trì sự ổn định, phát triển tại Đông Bắc Á.

Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á của Thủ tướng Shinzo Abe, kéo dài từ 16 đến 19-1, tới ba nước Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Thủ tướng Shinzo Abe và  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trao đổi phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư. Hai Thủ tướng cũng tuyên bố khai mạc năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013 kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thủ tướng Shinzo Abe cũng sẽ có các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam.