Chuyện virus corona 2019-nCoV: Khi sự tử tế được đánh giá qua... chiếc khẩu trang!

ANTD.VN - Không dễ để đánh giá mức độ tử tế của một con người, bởi quá trình này thường cần một thời gian trải nghiệm những hành vi ứng xử khác nhau. Nhưng trong bối cảnh mối lo ngại về dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra đang dấy lên mạnh mẽ, thì sự tử tế bỗng chốc được đánh giá... dễ hơn bao giờ hết: Chỉ cần nhìn cách bán khẩu trang, là biết!

Những ngày qua, điều quan tâm gần như duy nhất của mọi người là dịch bệnh do chủng mới của virus corona (corona Vũ Hán hay 2019-nCoV) gây ra. Và tất nhiên, cả khẩu trang nữa!

Từ đây, có những tình huống tưởng như chỉ có trong truyện lại xuất hiện phổ biến: Một mặt hàng tưởng như rất "phụ" trong cuộc sống bỗng chốc trở nên khan hiếm, và một số tiểu thương bất lương nhanh chóng chộp lấy cơ hội bán món hàng này với cái giá gấp cả chục lần...

Cơ quan quản lý kiểm tra các cơ sở bán thuốc và vật tư, thiết bị y tế

Khoan hãy nói về những điều đó, tôi muốn kể về một vài lần thay đổi thói quen của bản thân.

Đó là tôi thường ra hàng cắt tóc mỗi tuần một lần, và mang ra xe ra sửa chữa, bảo dưỡng ở một quán gần nhà. Mọi thứ vẫn bình thường, cho tới khi Tết đến và đi.

Khi ra lại hàng cắt tóc và quán sửa xe thường ngày, lúc nhịp sống trở lại thường nhật sau Tết, tôi nhận thông báo chi phí tăng lên, với lý do... Tết. Từ trước Tết, họ đã tăng giá và tôi chấp nhận khá thản nhiên, vì nghĩ rằng làm nghề dịch vụ như họ thì không có "tiền thưởng cuối năm", nên việc tăng giá cũng là điều chấp nhận được.

Nhưng giờ, khi tất cả xã hội này chính thức bước vào guồng quay công việc thường nhật, thì họ vẫn muốn tăng giá thêm vài ngày, với thứ lý do khó chấp nhận. Chẳng lẽ tôi và mọi người đi làm là bình thường, còn họ đi làm thì... đặc biệt? Chính tư duy và thái độ dịch vụ xấu xí đó khiến tôi cảm nhận rằng, những đầu mối quen thuộc bấy lâu không phù hợp.

Trong cảnh nhiều tiểu thương ghim hàng, nâng giá bán khẩu trang, nhiều điểm phát khẩu trang y tế miễn phí xuất hiện

Từ đó, tôi chuyển sang thợ cắt tóc mới, cửa hàng sửa xe mới. Và kỳ lạ thay, sự thay đổi này hoàn toàn đúng ý: Khi lượng khách hàng đông hơn vào dịp Tết, họ vẫn giữ nguyên giá dịch vụ, với quan điểm rất đơn giản là "tử tế mà làm". Tất nhiên, trước sự chỉn chu, tử tế đó, tôi chẳng ngại gì mà không tặng thêm khoản tiền "tip" để bày tỏ lời cảm ơn và sự động viên dành cho họ. Tính ra, khoản "tip" này còn lớn hơn số tiền "tăng giá" mà các đầu mối dịch vụ cũ đưa ra...

Trở lại câu chuyện "chiếm sóng" suốt mấy ngày qua: Virus corona và chiếc khẩu trang.

Dường như có những người đang cố chứng tỏ sự ích kỷ và xấu xí trong tư duy của bản thân là không có giới hạn: Hết tìm cách ghim hàng, tăng giá bán, tới khi bị cơ quan quản lý xử phạt nghiêm thì họ quay sang rủ nhau... "không thèm bán nữa" (?!). Cùng với đó, lạc lõng trong tâm trạng bức xúc chung của dư luận là một vài bình luận ủng hộ các gian thương với lý lẽ "thị trường là thế".

Một ý kiến bộc lộ sự ích kỷ với tư duy hẹp hòi, xấu xí (những chữ che mờ là lời lẽ văng tục phản cảm)

Có lẽ không phải mất nhiều thời gian để tự những người trên nhận ra rằng, đây là vấn đề liên quan tới xã hội, tác động tới cộng đồng nói chung, nên không thể áp dụng bất kỳ nguyên tắc mua - bán thông thường nào để giải thích cho sự ích kỷ và xấu xí đó.

Song song với hành vi đáng lên án nói trên, là những thông tin ấm áp về hàng loạt chương trình thiện nguyện, tặng khẩu trang miễn phí cho mọi người. Chẳng hạn, vào ngày 2-2-2020, được sự tài trợ của chị Nguyễn Phương Thảo (TP.HCM), Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng nhóm thiện nguyện Hoa Cúc Xanh và các đoàn viên CATP Hà Nội đã phát 75.000 chiếc khẩu trang y tế miễn phí cho người dân Thủ đô.

Người dân vui vẻ nhận khẩu trang miễn phí. Sự chia sẻ và ý thức giúp đỡ, hỗ trợ nhau là những yếu tố không thể thiếu để hướng tới giá trị sống văn minh

Không biết những tiểu thương rủ nhau ghim hàng, tăng giá bán khẩu trang nghĩ gì khi đọc thông tin như vậy?

Có lẽ, chưa bao giờ việc đánh giá sự tử tế của người khác lại đơn giản đến thế, khi nhìn vào cách họ... bán khẩu trang!