Chuyện về những người lính bám trụ vùng núi lở: Cứ mưa bão là thế đấy!

ANTĐ - Dưới cơn mưa dầm nặng hạt, từ thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi vượt ngược đèo đến huyện miền núi Tây Trà. Hơn 80 cây số về hướng tây, chỉ còn cách trung tâm huyện khoảng 10 cây số, sau chiếc gạt nước xe U-oát, chúng tôi thấp thoáng nhận ra những bóng người mặc áo mưa đang lom khom kéo đất trên mặt đường.

Đèo Violăc bị sạt lở nặng

Bám đất bám dân

Bước xuống xe, chúng tôi liền nhận ra nhau vì đó là những chiến sĩ Công an huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, Thượng tá Hồ Văn Tuấn - Trưởng Công an huyện cho hay: Mới đêm qua nhận được tin của bà con đường bị lở, ngay sáng sớm hôm nay, chúng tôi triển khai 10 cán bộ chiến sĩ xuống khẩn trương gia cố tạm điểm sạt lở, để giúp bà con đi lại. Hơn 12h trưa, đường đã thông tạm thời, chúng tôi cùng các chiến sĩ công an huyện trở về đơn vị.

Chưa ngứt ngụm trà trong căn phòng tập thể công an huyện, anh Tuấn nhắc ngay, em còn nhớ cái ngày anh em mình lội bộ đường rừng hơn 30 cây số vì núi lở không, đó chỉ mới lần đầu thôi, chưa thấm vào đâu, ở từ đó đến nay anh quen luôn cảnh ấy rồi, cứ mùa mưa đến là thế đấy. Tôi nhớ lại, đó là cái ngày vừa tách huyện, tôi thì đi cùng đoàn công tác đến giúp dân xã Trà Nham, còn anh thì lên nhận quyết định trưởng công an huyện. Ngày ấy vẫn còn đường đất, đèo Eo Chim lại bị núi lở nên xe không qua được, thế là tôi và anh Tuấn cùng băng rừng từ 8h sáng đến 6h chiều mới tới nơi...

Anh Tuấn kể: Năm 2004, khi vừa tách huyện, vì điều kiện khó khăn nên mượn tạm căn nhà của anh Hồ Văn Bằng - nguyên Trưởng Công an huyện Tây Trà để làm trụ sở. Được một thời gian, công an huyện được hỗ trợ 80 triệu, xây được 4 phòng làm việc, khi đó anh em cán bộ chiến sĩ vừa làm, vừa ở. Tuy địa bàn rộng, giáp ranh với Quảng Nam, có đến 9 xã, đường sá đi lại rất khó khăn, nhưng đơn vị chỉ có một chiếc xe Win, mùa mưa thì chỉ đi bộ. Đến năm 2006, trụ sở công an huyện được xây dựng mới cho đến nay.

Nhiều đồng chí quê ở đồng bằng như Hoàng Duy Sơn, Lữ Thanh Bình... vì không quen với khí hậu vùng núi nên mỗi chuyến đi cơ sở về là ốm nằm liệt giường. Bởi trời mưa đi về các xã xa như Trà Thanh, Trà Trung và Trà Nham thì chỉ có đi bộ, mà phải dầm mưa cả buổi đường mới đến được xã nên ai không quen là không chịu nổi. Đại úy Lữ Thanh Bình tâm sự: Lúc đầu thấy khó khăn thật nhưng anh em chiến sĩ chở che, động viên nhau vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi khi về cơ sở gặp bà con, mình đâu chỉ làm công tác công an, mà cái quan trọng họ cần gì thì mình giúp đỡ cái đó, từ cắt lúa, đắp mương đến tỉa bắp... chính tình cảm đó đã níu kéo chúng tôi ở lại nhiều hơn. 


Nước mắt trộn lẫn nước mưa

Từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra hàng chục vụ sạt lở núi, mỗi vụ lở có 2 đến 3 người chết là chuyện thường. Trong những lúc ấy, anh em cán bộ chiến sĩ công an huyện luôn có mặt kịp thời để giúp dân. Là người quê ở đồng bằng bám trụ ở Công an huyện Tây Trà gần chục năm nay, Đại úy Trương Văn Hoàng kể lại: Mình nhớ nhất là vụ sạt lở núi xảy ra ngày 5-11-2007, tại Km53 thuộc địa phận xã Trà Lãnh. 7 nhân viên bưu điện đi làm nhiệm vụ bị núi lở vùi lấp, nhận được tin báo, 15 cán bộ chiến sĩ công an huyện có mặt kịp thời cứu được 3 anh Võ Diệu, Bùi Minh Tuấn - Trạm viễn thông Tây Trà, Bùi Văn Vọng - Đài Viễn thông Bình Sơn và Đào Đức Tuấn - Trưởng Trạm HOT Vạn Tường về Trung tâm y tế huyện để cứu chữa. Vì núi lở quá nhiều, lại trôi rất mạnh nên 3 anh Nguyễn Đức Tâm - Trạm viễn thông Vạn Tường, Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Bưu điện huyện Tây Trà và anh Võ Thanh Vũ - Trạm viễn thông Dung Quất bị vùi trong lòng đất. Dù trời mưa rất lớn, núi có nguy cơ tiếp tục sạt lở nhưng anh em bất chấp nguy hiểm tìm kiếm thi thể các anh vào sáng hôm sau. Mình cảm động nhất là lúc vừa tìm được thi thể các anh ấy, có chiến sĩ đã ngã qụy ngay trên đống đổ nát vì kiệt sức, còn một số anh em thì nước mắt trộn lẫn nước mưa... vì họ cũng là những cán bộ bám trụ mà!

Đó chỉ là một trong hàng chục vụ lở núi ở huyện Tây Trà, ở đâu cần các chiến sĩ đều có mặt kịp thời. Trong những năm gần đây, trên địa bàn lại xuất hiện tình trạng đào đãi vàng trái phép. Trước tình hình đó, tháng 8-2011, công an huyện đã mở nhiều đợt lội suối, băng rừng, quy quét, triệt xóa tất cả các ổ nhóm này.

Còn rất nhiều câu chuyện cảm động về những người lính bám trụ ở vùng núi lở, mỗi chiến sĩ có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả vì bình yên cuộc sống, họ luôn là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân.