Chuyện tẩy não của một “thiếu gia”

ANTĐ - “Guồng bay đêm của kẻ chơi bời đã cuốn tôi vào vết trượt dài khó rũ bỏ được mọi cám dỗ nguy hiểm. Cứ thế, từ sự thiếu bản lĩnh, cộng với sự ham vui, tôi đã vùi tuổi trẻ của mình trong những đêm ngập ảo bởi khói ma túy, thuốc lắc…”

Dân chơi Hà thành

Nhà Thạc không ở phố cổ, cũng không ở trung tâm của Hà Nội, ở mãi huyện Đan Phượng. Vậy nhưng, những vũ trường bậc nhất ở Hà thành, và những đêm “bay, lắc, nghiền đá” tột đỉnh của sự thác loạn, đều không thiếu Thạc. Như con thiêu thân gặp đèn bão, Thạc lao vào cuộc chơi một cách điên cuồng trong ánh sáng, âm thanh ma mị của vũ trường đêm Hà Nội. Từ sự sĩ diện của tuổi trẻ, từ sự thiếu bản lĩnh của chàng trai ngoại thành, Thạc đã chứng tỏ mình để cho chúng bạn biết rằng “Thạc chơi chẳng hề kém cạnh bất cứ bạn nào”. Chính vì thế, tất cả tệ nạn được dân chơi gọi là “sành điệu” đã trở thành “người bạn” không thể thiếu với Thạc. 

Ban đầu tiền Thạc tiêu có người cung cấp, ấy là người thân trong gia đình. Bởi quý tử độc đinh, lại con nhà có điều kiện. Nguồn thu của gia đình từ xưởng thêu, dệt vải Công ty May Hà Đông khi ấy tưởng như chẳng thể tiêu hết. Mà làm ra cũng là của mình chứ của ai.

Sinh năm 1970, khi ở thời điểm khoảng năm 1996, Thạc đủ trình độ để nhận biết kinh tế của nhà mình khá đến đâu, và tiền bạc lời lãi cũng trước sau là của mình chứ chẳng thể của ai khác. Và cứ thế, cái tên Trần Thạc trở thành “thần tượng” của giới vũ trường, chơi đêm “đập đá”. Thạc bộc bạch: “Tôi có thể khẳng định tên tôi được nhắc đến nhiều ở vũ trường Hà Nội khi ấy. Có khi 8h tối nổi hứng còn phóng xuống Hải Phòng, sàn Biển Gọi chơi bời rồi lại phóng về Hà Nội ngay khi vũ trường tắt điện. Mà chơi không chỉ có rượu mạnh, thường xuyên có cả ma túy mới vui được…”. Thạc không nhớ bản thân tiêu phá của gia đình bao nhiêu tiền, nhưng chắc chắn rằng không hề nhỏ. “Bọn thanh niên khi ấy, nếu đứa nào có tiền thì chơi đồ xịn, còn không có tiền thì hút thuốc đểu, nên “đi” rất sớm. Còn tôi, rất may nhà có điều kiện, chơi toàn đồ xịn thôi, nên chỉ bị hỏng răng thôi” - Thạc tâm sự.

Nhưng may mắn cho Thạc hơn, có lẽ là sự tỉnh táo sau mỗi cuộc chơi ngập ngụa trong ma túy. Lúc như vậy, Thạc thấy tiếc vô cùng quãng đời mình đã đốt phung phí tiền bạc, sức lực, trí tuệ. Bởi Thạc không như tay chơi khác, chơi bời nhưng trước đó thì vẫn học hành. Anh từng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, và từng làm việc ở nước ngoài. Ngẫm những gì mình có, Thạc muốn thoát ra khỏi vòng đen tối đã bập phải. Và Thạc cố tự điều chỉnh chính bản thân bằng nhiều cách. “Tôi định tìm đến cái chết để cho gia đình khỏi bận lòng, nhưng ngẫm kỹ làm thế thì mình thật hèn, và mình phải chứng minh cho mọi người biết, làm thằng đàn ông dù dại nhưng vẫn phải có bản lĩnh” - rít hơi thuốc lá, Thạc nói và ngoái sang nhìn tôi một ánh mắt như chuộc lại lỗi lầm.  Thật trớ trêu, một kẻ từng bập vào ma túy đâu có dễ gì dứt bỏ. Thế là, trong một cuộc liên hoan chia tay người em họ đi lao động ở Ba Lan,  Thạc lại một lần nữa không cưỡng lại được chính bản thân mình bởi sự thừa thãi ma túy của nhóm bạn bày ra trước mắt…  

“Ốc đảo” trong lòng 

Khuôn viên cơ sở cai nghiện tự nguyện

Năm 1999, Thạc được đưa sang Trung Quốc để cai nghiện. Sở dĩ Thạc được đưa đến nơi này là vì khi ấy gia đình nghe thông tin rằng có nhiều phương pháp cắt cơn và thuốc điều trị hiệu quả. Triền miên chữa trị nhưng vẫn không tách được thứ khói “ma quái” chết người ấy. Cuối cùng, phương pháp được cho là hiệu quả nhất đã được gia đình Thạc lựa chọn. Thạc được thực hiện xét nghiệm và chuẩn bị cho ca tẩy não đầy hy vọng của người thân. Nghe tưởng như chỉ có trong khoa học viễn tưởng, vậy mà Thạc là một trong những nhân chứng sống. “Gia đình tôi đã bỏ hơn 400 triệu đồng ra để tẩy não cho tôi. Ngần ấy tiền lúc đó cũng rất lớn đối với thu nhập của người dân Hà Nội…” - Thạc cho biết. Ca tẩy não cho Thạc không những không thành công mà Thạc còn “nhớ” ma túy nhiều hơn trước. Gia đình, vợ con thất vọng, buồn bã. Trở về nhà, Thạc trông thấy các con tíu tít hỏi bố rằng “bệnh bố hết chưa” hay “sao bố lại thế hả bố”… tiếng nói trẻ thơ, tíu tít quây quần bên người bố trong anh thức tỉnh. 

Thạc tìm đến trung tâm cai nghiện tự nguyện nằm sâu trên sườn núi thuộc xóm Suối Rè, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. 

Khi gặp tôi, Thạc đến để điều trị và kiểm tra sức khỏe những lần cuối cùng ở nơi này. Cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng vì Thạc có cách ăn nói rất thông minh, hiểu biết rộng. Thạc bảo, trong cuộc đời không có gì khó làm, mà cũng không có gì đơn giản thực hiện nếu như chính mình còn chưa thể vượt qua mình. Rồi Thạc kể rằng, anh có những người bạn từng đi ra ốc đảo ở mãi Quảng Ninh để cai nghiện, nhưng khi trở về thì đâu lại vào đó. Anh bảo rằng, ốc đảo là ở mình, và tự mình phải lập ra ốc đảo. Thạc đã đến trung tâm này một cách tự nguyện, không hề bắt buộc. Bởi trung tâm cai nghiện này đâu có tường rào thép gai, đâu có tường bao hay cánh cổng ngăn cách ai đâu, mà chỉ có những con người tận tình bằng những liều điều trị một cách khoa học theo phương pháp mà cơ quan chức năng phê chuẩn. Cắt cơn thật sự, giải độc tối đa, và phục hồi sức khỏe.

Tất cả đều theo phương pháp và thuốc đặc trị được Chính phủ quy định. Ông Ngô Trường Tú, người thành lập ra trung tâm cai nghiện tự nguyện đã cho chúng tôi xem những bức thư cảm ơn của người nghiện, của người thân bệnh nhân gửi đến. Còn về Trần Thạc, anh cho biết, nhờ từng giai đoạn điều trị khoa học anh đã đoạn tuyệt được với ma túy. “Thực ra, thuốc chỉ là hỗ trợ, sự quyết tâm là thuốc hữu hiệu nhất”, Thạc nói lúc chia tay…