Chuyên gia Trung Quốc thừa nhận còn kém Mỹ rất xa về UAV

ANTĐ - Chuyên gia Trung Quốc Quách Tuấn Tam đã thẳng thắn thừa nhận, giữa Trung Quốc và các nước phương Tây còn tồn tại một khoảng cách rất xa về cả 2 lĩnh vực: trình độ công nghệ và khả năng ứng dụng UAV. 

Theo tin của kênh thời sự phát thanh “Tin tức đa chiều” – Trung Quốc, hiện Trung Quốc vẫn còn đi sau Mỹ ít nhất là 15 – 20 năm phát triển, đặc biệt là trong thời gian gần đây Mỹ đã đạt được những bước tiến vượt bậc về chế tạo thiết bị bay siêu thanh và UAV siêu vượt âm thì khoảng cách trên càng ngày càng bị nới rộng.

Trợ lý Viện trưởng Viện khoa học công nghệ hàng không Trung Quốc (Viện nghiên cứu số 3) kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn trang bị thông dụng hàng không Hải Ưng (chính là công ty con của Viện này) - Quách Tuấn Tam giới thiệu: so sánh với các máy bay có người lái, UAV có rất nhiều ưu điểm nổi trội như: thể tích nhỏ, giá thành thấp, dễ sử dụng, hoạt động trong tất cả các môi trường tác chiến ác liệt và khả năng sinh tồn trên chiến trường rất cao.

Siêu UAV trinh sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ

Do không phải mang theo người nên các UAV thường có thể tích nhỏ, ngân sách chế tạo ít tốn kém lại không mất chi phí đào tạo phi công nên UAV đã trở thành xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới, là tương lai của thế hệ máy bay thứ 6 mà Nga và Mỹ đang phát triển các lí luận sơ khai. Các chuyên gia quân sự dự đoán, trong tương lai, các trận không chiến sẽ là cuộc đấu giữa các vũ khí phòng không với các thiết bị bay không người lái có khả năng tàng hình.

Theo ông Quách Tuấn Tam, UAV có thể giải quyết các vấn đề trong môi trường cực kỳ nguy hiểm mà con người không thể xâm nhập, giảm số lượng thương vong không cần thiết; xâm nhập vào các khu vực địa hình hiểm trở mà máy bay có người lái không thể tới được; tuần tra dọc các tuyến đường điện siêu cao áp dài hàng trăm km trong thời gian cực ngắn; giá thành nghiên cứu, chế tạo thấp mà sử dụng xong lại có thể thu hồi lại…

Hiện UAV đã được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực quân sự và dân dụng như: trinh sát quân sự, đo đạc bản đồ địa chất, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, kiểm tra mạng điện xuyên quốc gia… Trong tương lai, hàng không lưỡng dụng và quân - dân kết hợp sẽ trở thành chiến lược phát triển của UAV Trung Quốc.

Máy bay không người lái tấn công (UCAV) MQ-1 Predator của Mỹ

Tại triển lãm hàng không Chu Hải 2012 vừa kết thúc cách đây không lâu, mấy chục loại UAV Trung Quốc đã được trưng bày, trong đó UAV vũ trang CH-4 và UAV “Dực Long” (cánh Rồng) đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người xem vì các tính năng nổi bật của nó, tốc độ phát triển UAV rất nhanh cũng trở thành một trong những điểm nổi bật trong tổng thể sự phát triển của công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Về UAV vũ trang, chủ yếu Trung Quốc phát triển tiếp trên cơ sở các UAV trinh sát, lắp đặt thêm 1 số vũ khí tấn công loại nhỏ, nhân viên điều khiển ở tuyến sau căn cứ vào dữ liệu ảnh truyền về để điều khiển UAV khóa mục tiêu rồi tấn công. Hiện tất cả các mẫu UAV tấn công của Trung Quốc đều phát triển theo hướng này, nhưng từ nguyên lý kỹ thuật cho đến chức năng thực tế còn một khoảng cách rất xa.

Vũ khí tấn công có rất nhiều điểm tương đồng với UAV, cùng là loại không người điều khiển nhưng nó thuộc loại “không thể thu hồi”, chỉ sử dụng được 1 lần. Về mảng này, hiện Viện nghiên cứu số 3 đang chiếm ưu thế, điều này thể hiện rõ nét trong 2 cuộc triển lãm hàng không Chu Hải gần đây với sản phẩm WJ-600. Đây là một loại UAV tầm cao, tầm xa, tích hợp cả chức năng trinh sát và tấn công, được đánh giá thuộc loại hàng đầu Trung Quốc hiện nay.

MQ-9 Reaper được cải tiến trên cơ sở MQ-1

Trên thực tế, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của bên quân đội, mấy năm gần đây, rất nhiều các đơn vị nghiên cứu; học viện, nhà trường, tập đoàn công nghệ thuộc lĩnh vực hàng không và vũ trụ Trung Quốc đua nhau nghiên cứu, phát triển UAV. Tuy hiện nay đã có rất nhiều hệ thống UAV được ra mắt nhưng xét về tổng thể thì quy mô sản xuất UAV vẫn còn manh mún và mang tính chất tự phát, cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ như: 57 phân viện của Viện nghiên cứu số 3 đều tổ chức nghiên cứu và 111 nhà máy của Viện cũng mạnh ai nấy chạy, sản xuất UAV tràn lan dẫn đến phân tán, không phát huy được hết nguồn lực nhân tài và công nghệ, vô phương quản lý và không thể xây dựng lộ trình phát triển lâu dài.

Chính vì vậy, tuy hiện đã sản xuất được hàng chục loại UAV, trinh sát có, tấn công có, kết hợp cả 2 cũng có nhưng thực sự chưa có loại nào vươn lên ngang tầm thế giới. Hiện cơ bản các UAV này đều đang ở trong giai đoạn nguyên mẫu sơ khai, rất ít loại phát triển đến tầm nguyên mẫu chi tiết chứ đừng nói đến bay thử hoặc đã triển khai hoạt động. Các loại UAV hiện đang sử dụng trong quân đội Trung Quốc chủ yếu là UAV trinh sát cỡ nhỏ, cấp chiến thuật.

UAV "Dực Long" (tên phiên âm là Wing Loong) của Trung Quốc là bản sao chưa hoàn hảo
của MQ-9 Reaper hay MQ-1 Predator?

Ông Quách Tuấn Tam cũng thẳng thắn thừa nhận, Trung Quốc đang là người đi sau về lĩnh vực UAV. Hiện Mỹ đang có hàng trăm loại khác nhau, trong đó có thể kể đến những cái tên hàng đầu thế giới như: MQ-1 Predator, RQ-4 Global Hawk, MQ-9 Reaper…, đặc biệt là hiện họ đang thử nghiệm 4 loại thiết bị bay siêu thanh khác nhau và UAV siêu vượt âm trên tàu sân bay X-47B. Tất cả các loại này đều đã triển khai hoạt động thậm chí là đã từng tham chiến, còn lực lượng UAV chiến lược Trung Quốc hiện mới tồn tại trên lý thuyết, khoảng cách  về trình độ công nghệ và ứng dụng thực tế giữa UAV Mỹ và Trung Quốc ít nhất cũng là 15 - 20 năm, thậm chí có thể còn xa hơn.