Chuyên gia: Thận trọng với dòng tiền nóng trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”, các chuyên gia đều có cái nhìn khá thận trọng về triển vọng thị trường chứng khoán thời gian tới.

Nhiều nhận định đang lạc quan thái quá

Ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, việc các tổ chức lớn như World Bank, IMF, Fitch Ratings… đang có những dự báo ngược chiều về nền kinh tế Việt Nam, cho thấy sự lúng túng của các tổ chức khi cố gắng phân tích các biến số tác động đến kinh tế vĩ mô.

Dưới góc độ của một quỹ đầu tư, ông Dominic thừa nhận năm 2022 đã chủ quan khi không dự báo chính xác các yếu tố vĩ mô về lạm phát, tỷ giá, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine để chuẩn bị cho biến động thị trường.

“Những nhà đầu tư chứng khoán trải qua năm 2022 đều biết đó là một năm có rất nhiều nỗi buồn và mất mát, thậm chí nhiều người mất đến 1/3 vốn. Đặc biệt, cuối năm ngoái thị trường trái phiếu cũng gặp rất nhiều khó khăn” – Chủ tịch Dragon Capital nói.

Về bối cảnh năm 2023, đại diện Dragon Capital đánh giá các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã khá cởi mở. Ví dụ như Mỹ vẫn duy trì tăng lãi suất tăng, song Fed luôn đưa thông điệp tăng từng ít trong mỗi lần. Các thị trường tài chính phản ánh khá tích cực trong thời gian gần đây, hầu hết các thị trường đã tăng 15-28% trong năm nay, trong đó có Việt Nam.

Ông cho rằng, điều khác biệt giữa chính sách tiền tệ của Việt Nam với các quốc gia Phương Tây là lạm phát. Với lạm phát được kiểm soát, NHNN có dư địa tạo điều kiện thuận lợi cho các thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán. Đó là lý do giúp nhà đầu tư phục hồi một phần từ khoản lỗ từ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong khi nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đang có nhận định quá lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, thì đại diện Dragon Capital lại thận trọng hơn.

“Nhiều dự báo lạc quan cho rằng thị trường phục hồi rất tốt, tăng trưởng lợi nhuận công ty niêm yết năm sau có thể đạt 24%. Cá nhân tôi cho rằng nhận định đó hơi chủ quan. Vì nhiều “đầu tàu” lớn cho nền kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đều đang có vấn đề”, Chủ tịch Dragon Capital nói.

Các chuyên gia tỏ ra thận trọng, dù thị trường chứng khoán đang khá hưng phấn

Các chuyên gia tỏ ra thận trọng, dù thị trường chứng khoán đang khá hưng phấn

Do đó, lãnh đạo Dragon capital cho rằng nhà đầu tư chứng khoán cần nhớ ba yếu tố trong thời điểm này, đó là: quản trị rủi ro tốt; đa dạng hóa danh mục đầu tư đá; và đánh giá đúng khẩu vị rủi ro của mình, tránh rơi vào trường hợp "nước biển cạn kiệt thì mới biết ai để quần bơi ở nhà" như trong câu nói bất hủ của Warren Buffett.

Cảnh giác với “dòng tiền nóng”

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, sự đảo chiều mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thời gian qua được thúc đẩy bởi kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng vĩ mô khi bối cảnh toàn cầu và trong nước đều đang có xu hướng thuận lợi.

Tuy nhiên, bà cho rằng, hiện đang có sự phân hoá lớn giữa hệ số P/E (giá cổ phiếu/lợi nhuận) các nhóm ngành. Trong đó, ở khá nhiều cổ phiếu, P/E vượt qua vùng giao dịch thường xuyên 3 năm gần nhất.

Điều này có nghĩa nhà đầu tư đang trả thêm chi kỳ vọng tương lai về tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt sau khi các cơ quan ban ngành đưa ra chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, theo bà, nếu chính sách không “thẩm thấu” và cho kết quả tương ứng với kỳ vọng của nhà đầu tư thì sẽ có sự điều chỉnh P/E ngược trở lại.

Bà Lam đánh giá nhóm ngành có P/E tương đối rẻ, như ngành ngân hàng, dịch vụ phần mềm, dược, tiện ích công cộng, duy trì được mức tăng trưởng dương nhiều quý liên tiếp trong bối cảnh nhiều ngành tăng trưởng âm cũng như chưa vượt P/E 3 năm gần nhất có thể là những nhóm ngành tiềm năng.

Cũng có cái nhìn thận trọng, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho biết, thị trường chứng khoán đã tăng 23% trong 7 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp 6 tháng đầu năm là âm 10%, dự báo tăng trưởng cả năm 2023 thấp, thậm chí không có tăng trưởng.

Theo tính toán, P/E của thị trường 15-16 lần, tiệm cận mức trung bình của Việt Nam trong nhiều năm, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp những năm đó tăng trưởng 15 - 20%. Do đó, bà Phương cho rằng nhà đầu tư tham gia thị trường thời điểm này sẽ có rủi ro nhất định.

Đặc biệt, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng thì P/E thị trường hiện tại là 21 lần, bằng thị trường giai đoạn quý I/2018, tức là lúc có dòng tiền nóng. “Dòng tiền đang đổ nhiều vào penny và smallcap, tạo ra sự lệch lạc”, bà Phương đánh giá.

Bà Phương cũng cho biết, trong từng giai đoạn thị trường, định giá của từng doanh nghiệp trong cùng một ngành cũng có sự khác nhau. Do đó, chuyên gia này cho rằng nhà đầu tư cần chọn lọc cổ phiếu, quản trị tốt rủi ro, hành động linh hoạt theo biến động của thị trường.