Khó khăn bủa vây, làm sao để thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cộng đồng doanh nghiệp đang trải qua 3 năm đầy khó khăn do dịch Covid-19, trong khi các điều kiện niêm yết lại thắt chặt hơn. Vậy cần có giải pháp gì để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán trong bối cảnh này?

Đây là vấn đề được đặt ra và bàn thảo tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng nay, 19/7.

Ông Nguyễn Viết Việt - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh doanh chứng khoán phát biểu khai mạc Tọa đàm

Ông Nguyễn Viết Việt - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh doanh chứng khoán phát biểu khai mạc Tọa đàm

Nhà chưa đủ ăn thì chưa thể mang hàng ra chợ bán!

Theo ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực HIệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS, 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn rất hạn chế chỉ với một vài doanh nghiệp.

Thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch đã tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi lên sàn, tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự trầm lắng về số lượng "tân binh" có nhiều nguyên nhân.

Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là sức khỏe doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức, từ dịch bệnh, chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Trong bối cảnh đó, bản thân doanh nghiệp phải chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại nên chưa thể lên sàn. “Nhà chưa đủ ăn thì làm sao mang hàng ra chợ bán được!” – ông Huỳnh ví von.

Bên cạnh đó, các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, minh bạch, doanh nghiệp phải có lợi nhuận tối thiểu 2 năm…

Ông Huỳnh cho rằng, chung quy, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay.

Còn về cơ chế chính sách, theo đánh giá của ông, thì đang rất rộng mở, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đăng ký niêm yết lên sàn.

“Tôi được biết là các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán đang chủ động xuống từng địa phương để trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp lên sàn, thay vì ngồi một chỗ và chờ doanh nghiệp đến để xin. Đây là một đột phá, đổi mới rất lớn, thể hiện sự quan tâm dành cho kênh dẫn vốn quan trọng hàng đầu hiện nay” – ông Huỳnh cho biết.

Bổ sung thêm, bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng tư vấn - Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khan hiếm “hàng hóa” (doanh nghiệp niêm yết) trên thị trường chứng khoán đó là bản thân các doanh nghiệp đang chưa nắm rõ về lợi ích, cũng như điều kiện để niêm yết trên sàn.

Ngay cả bản thân một số doanh nghiệp quy mô lớn cũng không có nhu cầu niêm yết trên sàn chứng khoán vì khi niêm yết, các doanh nghiệp đó cảm thấy bị đánh đồng với các doanh nghiệp có hoạt động thiếu minh bạch.

“Trong những năm vừa qua, có một vài doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp niêm yết chung. Tôi cho rằng, đó là nguyên nhân chính của hiện trạng này” – bà Trần Thị Lan Anh nói.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm

Các diễn giả tham gia Tọa đàm

Ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chia sẻ, Hiệp hội có hơn 65.000 doanh nghiệp thành viên, trong đó chỉ khoảng trên 1% là doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đang trong giai đoạn tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để chuẩn bị niêm yết.

Trên thị trường chứng khoán, phần lớn vốn hóa thị trường, khoảng 85% tổng vốn hóa đang rơi vào một nhóm doanh nghiệp lớn, còn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Nguyên nhân là vì điều kiện tiên quyết để đại chúng hóa, niêm yết là về vốn điều lệ.

Hiệp hội thời gian qua đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là định hướng, hỗ trợ tư vấn pháp lý trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng về vốn, tiệm cận đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, thường xuyên làm việc cơ quan chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, huy động vốn.

“Chúng tôi cũng mong muốn làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp củng cố nội lực, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa bán ra ngoài thị trường, gia tăng năng lực cạnh tranh để đạt điều kiện trong tương lai có thể đạt được quy định của UBCKNN trong quá trình niêm yết, đại chúng hóa” – ông Đức cho biết.

Nâng cao tiêu chuẩn niêm yết nhưng cũng cần gỡ vướng cho doanh nghiệp

Là đơn vị từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tái cấu trúc để niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam chỉ ra thực tế thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng nhưng lại chưa được chấp thuận.

Nguyên nhân do những vấn đề thuộc về quá khứ mà doanh nghiệp không thể sửa chữa được, như quá trình tăng vốn, báo cáo tài chính bị kiểm toán ngoại trừ, các vấn đề về thuế… “Mong cơ quan quản lý có giải pháp để gỡ vướng cho các doanh nghiệp đó lên sàn, vì những vấn đề đó thuộc về quá khứ, không thể thay đổi được” – ông Như kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Như, muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, cơ quan quản lý cũng phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Đồng thời, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc siết chặt hơn các tiêu chí niêm yết là yêu cầu cần thiết. Theo bà Hồ Phương Tú, Giám đốc phòng quản lý niêm yết – HNX, hiện nay tiêu chí doanh nghiệp niêm yết có sự sàng lọc khắt khe hơn trước rất nhiều, chẳng hạn như: doanh nghiệp phải có tối thiểu 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM; vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng trở lên; có lãi liên tiếp 2 năm trước năm niêm yết; báo cáo kiểm toán 2 năm liên tiếp không bị ngoại trừ; cùng với đó là các quy định về năng lực của lãnh đạo của doanh nghiệp khi niêm yết…

Đối với các doanh nghiệp bị trả lại hồ sơ khi niêm yết, bà cho biết, vấn đề thường thấy là tình hình tài chính không đáp ứng (có tới 70% số lượng hồ sơ bị trả lại là do không đáp ứng đủ các yêu cầu này).

Tương tự, bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASB cũng cho rằng yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn niêm yết là hoàn toàn phù hợp và chúng ta còn phải nâng cao tiếp.

Hiện chúng ta đang có hơn 1.600 doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Với vai trò là "phong vũ biểu" cho nền kinh tế, họ phải có tính minh bạch cao nhất, cũng như hiệu quả kinh doanh tốt nhất, để xứng đáng lọt vào "mắt xanh" của các nhà đầu tư.

Dù vậy, bà cũng cho rằng những điều kiện khách quan như Covid vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng những tiêu chí niêm yết như 2 năm liên tục có lãi. Do đó, Nhà nước phải có hướng giải quyết để khuyến khích doanh nghiệp lên sàn. “Thời gian qua, các nhà quản lý đã nhận ra và đang trong quá trình sửa chữa. Tôi tin là sẽ có giải pháp” – bà Hải Anh thông tin.