Làm thế nào để doanh nghiệp vượt "dòng xoáy" khó khăn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đang phải ngụp lặn trong những “dòng xoáy” khi những biến số ngày càng phức tạp và khó giải mã.

Ngày 8/8, Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) đã tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”.

Nhận diện những “dòng xoáy”

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”.

Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.

Điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Tuy nhiên, dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng ADB cũng chỉ ra một số “dòng xoáy” kinh tế thế giới. Trong đó, nửa cuối năm nay và năm 2024, Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất, ít nhất là chưa giảm lãi suất, song kinh tế Mỹ vẫn tương đối tốt, dự báo không bị suy thoái năm nay.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu đang có dấu hiệu suy thoái. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc - động lực tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - không phục hồi như kỳ vọng sau khi mở cửa nền kinh tế “hậu Covid 19”.

Một “dòng xoáy” nữa mới xuất hiện là đang có sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến Việt Nam, vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.

“Tựu trung lại, môi trường kinh tế quốc tế đang có rất nhiều khó khăn và chúng ta phải dựa vào nội lực của mình là chính”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Các nhà quản lý, chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt khó khăn đối với nền kinh tế và doanh nghiệp

Các nhà quản lý, chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt khó khăn đối với nền kinh tế và doanh nghiệp

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế thì chỉ ra một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Theo ông, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Một trong những nguyên nhân thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỷ giá. Tuy vậy, theo chuyên gia này, tỷ giá năm nay khó “sốt” trở lại và NHNN có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.

Theo ông, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Khó khăn là động lực để cải cách, thay đổi

Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều khó khăn và chúng ta không kiểm soát được, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM cho rằng muốn thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta phải cải thiện những yếu tố bên trong. Tuy nhiên, ông cho rằng thời gian qua, những yếu tố nội tại chưa nhìn thấy sự cải cách đáng kể.

“Theo kinh nghiệm, mỗi khi tình hình thế giới khó khăn thì bên trong chúng ta có một động lực rất mạnh mẽ để cải cách, thay đổi. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng, thời điểm hiện nay, tuy Thủ tướng và Chính phủ có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, tôi không nhìn thấy những cải cách, thay đổi có thể bù đắp phần nào những khó khăn bên ngoài” – ông nói.

Trong đó, về chính sách tài khóa, ông cho rằng chúng ta đang sử dụng quá ít để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí có những thứ đang làm ngược lại, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ như chương trình phục hồi doanh nghiệp với số vốn rất lớn, nhưng thực tế giải ngân, thực hiện một tỷ lệ rất nhỏ.

Ông cũng cho rằng, trong lúc doanh nghiệp đang thiếu vốn, thì chính sách tài khóa kích cầu tốt hơn chính sách tiền tệ. “Tôi cho rằng những thứ ngân sách đang “chiếm dụng” của doanh nghiệp, như thuế VAT chưa hoàn lại thì phải hoàn lại cho thật nhanh, không thể để dây dưa, tạo bức xúc cho doanh nghiệp.

Thứ hai, tuy giảm thuế VAT nhưng thời hạn quá ngắn, vì khó khăn dự báo kéo dài đến 2024, vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT, thậm chí giảm những thứ khác có thể giảm được, và có thể thực hiện đến năm 2025...” – vị chuyên gia kiến nghị

Ông cũng cho rằng cần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó giảm chi phí, tạo sự an toàn hơn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

“Trong thời gian gần đây, tôi không thấy có sự cải thiện đáng kể, thậm chí có những thứ tạo nên nhiều rủi ro hơn, nhiều chi phí hơn, nhiều bất định hơn cho doanh nghiệp.

Ví dụ, thủ tục hành chính kéo dài thêm. Hệ thống cơ quan hành pháp thường chọn một phương án an toàn cho mình trước hết, chứ không phải giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp là đầu tiên. Chính vì vậy thủ tục kéo dài, thời gian kéo dài, chi phí tăng lên nhưng doanh nghiệp lại không dự đoán được công việc của mình có giải quyết được không” – TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra thực trạng.

Về dài hạn, các chuyên gia cũng kiến nghị một số giải pháp như: Cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp bằng cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động; Mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).

Ngoài ra, để thu hút đầu tư, cần cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực ( ngân hàng, phân phối dược phẩm...), tăng tư duy liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài…