Chuyên gia quốc tế vạch trần các bước Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông

ANTĐ -  Việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất-đối-không tới đảo trên Biển Đông là một nước cờ có thể đặt nền móng cho việc lập ra Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong vùng biển tranh chấp, các nhà phân tích quốc tế nhận định.

“Việc triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa có thể chỉ ra rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để triển khai một ADIZ trên không phận phía bắc của Biển Đông được quản lý từ quần đảo Hoàng Sa”, Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak Institute của Singapore cho biết.

Theo ông Storey, vùng ADIZ này có thể được mở rộng đến khu vực phía nam của Biển Đông, cách Hoàng Sa hàng trăm kilomet khi mà các cơ sở trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa đi vào hoạt động.

Phân tích này trùng với ý kiến của ông Tetsuo Kotani, thành viên cao cấp của Học viện Quan hệ Quốc tế của Nhật Bản (JIIA). “Việc triển khai các tên lửa đất đối không là một bước tiến lớn hướng tới một ADIZ ở Biển Đông, nhưng vẫn còn là quá sớm do Trung Quốc vẫn còn thiếu nhận thức về lĩnh vực hàng không. Trung Quốc cũng cần phải triển khai radar và tên lửa ở quần đảo Trường Sa”, ông Kotani nói.

“Bắc Kinh từng bóng gió về việc thiết lập ADIZ  trên Biển Đông vào một thời điểm thích hợp”, ông June Teufel Dreyer, Giáo sư tại Đại học Miami (Mỹ) cho biết. “Thời điểm nào tốt hơn khi họ phản đối máy bay và tàu chiến Mỹ “xâm nhập” các đảo được cho là thuộc chủ quyền của họ?”. Tuy nhiên, động thái như vậy có thể dẫn tới việc Bắc Kinh kéo căng ra quá mức, đặc biệt là khi họ vật lộn với vấn đề kinh tế cấp bách hơn.

Cũng theo chuyên gia Dreyer, thay vì lập một ADIZ ở Đông Bắc Á bị dư luận khắp châu Á lên án, Trung Quốc sẽ chọn lập ADIZ ở Biển Đông vì các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực khó chống lại sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. “Sau khi can thiệp sâu ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực lên Biển Hoa Đông theo đúng như chiến thuật “cắt lát salami” mà Bắc Kinh đã áp dụng rất tốt”, Giáo sư Dreyer nói.