Chuyện gia đình “Mai An Tiêm” trên đảo Trần
Ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch, lợp ngói prôximăng của vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh nằm khép mình dưới chân ngọn đồi, sát tuyến đường bê tông trải dọc chiều dài của đảo Trần. Phía trước mặt ngôi nhà là biển cả bao la, rộng lớn... Hiện, ngoại trừ các lực lượng bộ đội, gia đình anh chị là cư dân đầu tiên và duy nhất trên đảo.
Mưu sinh trên đảo vắng
Cư dân nhí duy nhất trên đảo Trần. |
Sau hơn 6 giờ lênh đênh, vật lộn với những cơn sóng lớn của biển cả, tàu HQ558 chở đoàn công tác của Vùng A Hải quân đi thăm, chúc Tết các lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo Trần cũng ghé được bờ phía đông của đảo. Không thể cập bến vì sóng to và nhiều đá ngầm, đoàn công tác được trung chuyển bằng một chiếc tàu đánh cá của ngư dân.
Vừa đổ bộ lên đảo, chúng tôi đã được một cán bộ trong đoàn giới thiệu: “Trên đảo ngoài bộ đội, hiện đã có một gia đình cư dân sinh sống. Lát nữa trên đường đi lên đài ra đa 480 các bạn sẽ đi qua nhà họ”. Vốn được nghe kể, đảo Trần xưa, nay “vắng tiếng khóc trẻ thơ và tiếng cười phụ nữ”, nên thông tin này thực sự có sức hút đối với nhiều người trong đoàn, nhất là với cánh báo chí chúng tôi.
Mọi người hăm hở rảo bước trên con đường bê tông từ cầu cảng dẫn vào trung tâm đảo, uốn lượn như một dải lụa trắng giữa màu xanh của rừng cây và biển. Ai cũng háo hức mong sớm gặp gia đình đặc biệt ấy của đảo.
Ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch lợp ngói prô xi măng của vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh nằm khép mình dưới chân ngọn đồi, sát tuyến đường bê tông trải dọc chiều dài của đảo Trần. Phía trước mặt ngôi nhà là biển cả bao la, rộng lớn...
“Các anh bộ đội tốt lắm, giúp gia đình mình nhiệt tình như vậy, khiến nhiều người cứ tưởng chồng mình cũng là bộ đội trên đảo. Nếu không có các đơn vị bộ đội bao bọc, chắc vợ chồng mình không thể bám trụ ở đây được đâu!” - chị Cảnh xúc động chia sẻ. |
Đứng từ ngôi nhà có thể nhìn thấy doanh trại Tiểu đoàn đảo Trần. May mắn cho chúng tôi, gặp ngày biển động nên cả hai vợ chồng đều ở nhà. Thấy có khách, anh Hiển vội buông đôi đũa đang đảo rau trên bếp, chào đón chúng tôi bằng nụ cười và cái bắt tay thật chặt như gặp lại người thân quen. Chị Cảnh ôm cậu con trai 2 tuổi vào lòng, lấy ghế mời khách.
Trong tiếng sóng biển rì rào vỗ vào kè đá, chị Cảnh đã kể cho chúng tôi nghe lý do anh chị chọn đảo Trần làm nơi sinh cơ, lập nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Cảnh sinh năm 1977, quê ở huyện Hải Hà. Còn anh Hoàng Văn Hiển, chồng chị, sinh năm 1976, quê ở Cao Nhân, Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng. Duyên số run rủi, năm 2001 anh chị nên duyên vợ chồng. Đến năm 2002, hạ sinh “cậu ấm” đầu lòng. “Thuyền theo lái”, chị cùng chồng đi biển đánh bắt hải sản, chế biến sứa thuê cho các chủ bể ở khu vực đảo Trần.
Thấy khu vực này có đông các tàu đánh cá đi qua, thường vào đảo nghỉ ngơi trước khi trở về đất liền, nên năm 2005, anh chị đã có một quyết định táo bạo là “cắm chốt” trên đảo. Chị Cảnh kể: “Đảo Trần khi ấy vẫn là một nơi hoang vắng và nhà mình là gia đình duy nhất sống trên đảo cùng với một số đơn vị bộ đội. Cho đến tận bây giờ vẫn rất ít người biết sự xuất hiện của nhà mình ở đây. Ý định ban đầu, vợ chồng mình chỉ ở “bán trú”, bán hàng cho những ngư dân ghé đảo trong mùa làm sứa, nhưng lâu dần thấy yêu tiếng sóng biển, không khí trong lành và tình cảm chân thành, ấm áp của các anh bộ đội, nên quyết định an cư lạc nghiệp ở đây”.
Hạnh phúc đã mỉm cười với anh chị khi năm 2008, chị tiếp tục sinh cậu ấm thứ 2. Chỉ vào cậu bé 2 tuổi có đôi mắt tròn xoe, đen láy, người rắn rỏi, chắc nịch như nắm cơm đang ngồi trong lòng, chị bảo: “Chuẩn bị sinh cháu thì mình vào đất liền, lúc được 40 ngày tuổi thì cả mẹ cả con lại đưa nhau ra đảo. Thế mà cũng được hơn 2 năm rồi. Cháu tên Hoàng Nguyễn Việt Anh. Còn anh trai cháu năm nay 8 tuổi đang ở trong đất liền với ông, bà nội để còn đi học”.
Nhờ sự chia sẻ của bộ đội, bữa cơm của gia đình anh chị Hiển, Cảnh luôn có đủ rau xanh, thịt lợn... |
Để mang hàng ra đảo, mỗi tuần khi có tàu tiếp tế của bộ đội ra đảo, mẹ chị Cảnh trong đất liền lại mua các loại hàng hoá như bánh kẹo, thuốc lá, nước ngọt… rồi nhờ tàu chở ra. Vừa bán hàng, vợ chồng chị vừa đi biển vào những mùa sứa, mùa mực. Nhờ thế mà cuộc sống của gia đình chị ngày càng “ăn nên làm ra”. Chị khoe: Có những lần vì sóng to, ngư dân vào đảo trú đông và dài ngày nên cái cửa hàng tạp hoá nhỏ bé của chị… cháy hàng.
Vợ chồng chị đã sắm được chiếc máy phát nhỏ để có điện thắp sáng, có tủ lạnh để bảo quản thức ăn, có bếp ga... So với cuộc sống nơi đất liền, những thứ đó chưa thấm tháp gì, nhưng giữa biển khơi bốn bề là nước như ở đây, cũng có thể coi là sung túc, đầy đủ.
Thắm đượm tình quân, dân
Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh chị Hiển, Cảnh luôn nhắc đến những “người hàng xóm” tốt bụng là các cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên đảo.
Anh Hiển kể, khi mới bắt đầu “chân ướt, chân ráo” ra đảo, vợ chồng anh chị đã được Tiểu đoàn đảo Trần cho mượn vật liệu và giúp anh, chị dựng một gian nhà bằng cót ép. Năm 2008, có lưng vốn kha khá, anh, chị quyết định xây nhà bằng gạch, xi măng. Một lần nữa, bộ đội đảo lại xắn tay làm giúp. Tất cả các lực lượng, đơn vị trên đảo đều phân công cán bộ, chiến sĩ đến giúp anh chị từ đóng gạch, lấy cát, vận chuyển xi măng, ngói từ tàu lên đảo, đến việc vào rừng chặt cây, làm kèo... Nhờ sự giúp sức của các lực lượng vũ trang trên đảo, anh, chị đã có một ngôi nhà nhỏ vững chãi, ấm cúng.
“Các anh bộ đội tốt lắm, giúp gia đình mình nhiệt tình như vậy, khiến nhiều người cứ tưởng chồng mình cũng là bộ đội trên đảo. Nếu không có các đơn vị bộ đội bao bọc, chắc vợ chồng mình không thể bám trụ ở đây được đâu!” - chị Cảnh xúc động chia sẻ.
Không chỉ có vậy, đơn vị bộ đội trên đảo còn là nơi chia sẻ, cung cấp rau xanh cho mỗi bữa ăn của gia đình anh, chị; chăm sóc những lúc các thành viên trong gia đình bị đau, ốm. Mỗi khi đơn vị có việc, đã không thể thiếu vắng gia đình chị và ngược lại, gia đình chị lúc nào cũng có những vị khách mang quân hàm ghé thăm.
Đặc biệt, cậu bé Việt Anh đã trở thành “con cưng” của các chú bộ đội. Anh Nguyễn Đức Trường, nhân viên quân khí, tiểu đoàn đảo Trần tâm sự: Cảnh xa nhà, nhớ vợ, nhớ con, nên ai trong đơn vị cũng quý cậu bé. Chẳng lúc nào cậu bé thiếu “bạn chơi” cả. Có lẽ được tiếp xúc với đông người từ bé, nên bé Việt Anh khá bạo dạn.
Đang tuổi bi bô tập nói, mà bé đã hỏi cô bạn đồng nghiệp của chúng tôi đủ thứ chuyện; rồi hồn nhiên quay sang tôi giục: “Cô đi dọn cơm ăn cơm đi”. Mọi người cười vang vui sướng. Quả thật, tiếng bi bô của đứa trẻ thơ đã phần nào xua tan sự hưu quạnh nơi đảo xa, vắng người này.
Tết Tân Mão này là cái Tết thứ tư của anh chị Hiển - Cảnh trên đảo. Anh chị cũng “đụng” lợn, gói bánh chưng chung với các chiến sĩ bộ đội. Mấy ngày cuối năm, chẳng mấy khi anh chị ở nhà, vì đều vào đơn vị tập trung chuẩn bị Tết. Đêm giao thừa, gia đình chị Cảnh làm mâm cơm cúng trời đất, mời các chiến sĩ sang xông nhà, vui đến sáng…
Ngôi nhà ấm cúng của anh chị Hiển - Cảnh được bộ đội đảo giúp đỡ, xây dựng |
“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”, nhưng với vợ chồng chị Cảnh ngày nào cũng là chúc Tết, ăn Tết với bộ đội.
“Hai đơn vị biên phòng và hải quân đều cách nhà hơn chục cây số, nên từ sáng sớm hai vợ chồng tôi đã dậy để đi bộ đến chúc Tết. Có những lần, các chiến sĩ giữ lại ở đó ngủ một tối, sáng hôm sau về sớm” - chị Cảnh kể: Cho đến ngày mùng 4 thì đại diện của các đơn vị sẽ tập trung tất cả ở nhà để cùng nhau ăn bữa cơm Tết sum vầy ở gia đình duy nhất trên đảo. Một cái Tết thật sự ấm áp tình nghĩa quân, dân, ruột thịt như trong một nhà.
Nói về dự án Làng thanh niên sắp được triển khai, chị Cảnh hồ hởi hẳn lên. Chị bảo, chị mong có đông người ra đảo cho đảo bớt hoang vắng. Nhưng để giữ chân được mọi người, để mọi người gắn bó với đảo, xây dựng đảo phát triển, thì ngoài cơ sở hạ tầng, cần giúp cho họ vốn. Có an cư thì mới lạc nghiệp được...
Chia tay gia đình duy nhất của đảo Trần, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực Tết trên đài ra đa 480. Đứng trên đỉnh núi cao hơn 200m so với mặt nước biển, chúng tôi được dịp thu vào tầm mắt vẻ đẹp hùng vĩ của đảo Trần với những dải cát vàng mịn ôm lấy chân đảo, khung cảnh của núi đá và cỏ cây có từ thuở khai thiên lập địa...
Hàng nghìn năm nay, ngư dân đất Việt đã lấy đảo làm nơi dừng chân trong mỗi chuyến ra khơi vào lộng. Đảo cũng là lá chắn an toàn cho ngư dân mỗi khi trời giông, biển động. Việc đưa dân cư ra sinh sống ở đảo Trần theo mô hình làng thanh niên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc giữ vững chủ quyền lãnh hải và phát triển đời sống kinh tế - xã hội khu vực biển đảo trọng yếu, tiền tiêu...
Hiện tại, cùng với gia đình anh chị Hiển - Cảnh, lính đảo là những người mong chờ nhất dự án triển khai. Bởi, theo các anh sẽ có nhiều người lính tự nguyện gắn đời mình với đảo khi nơi đây “rộn rã tiếng cười’.
Theo Cẩm Nang
Quảng Ninh online