Chuyên gia chỉ cách chống 'sốc' giúp học sinh mau bắt nhịp khi quay trở lại trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã có kế hoạch đón học sinh trở lại trường. Để giúp các em nhanh chóng lấy lại guồng học tập sau thời gian dài nghỉ ở nhà học trực tuyến, các chuyên gia khuyên nhiều bậc phụ huynh, thầy cô… nên có sự chuẩn bị cũng như hỗ trợ kịp thời về mặt tâm lý cho các em, tránh tình trạng học sinh bị "sốc" khi mới quay lại trường.
Cần phương án cụ thể để đảm bảo các em không bị "sốc" khi quay trở lại học trực tiếp (Ảnh: K.P)

Cần phương án cụ thể để đảm bảo các em không bị "sốc" khi quay trở lại học trực tiếp (Ảnh: K.P)

PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội): Phụ huynh cần giúp đỡ con thích nghi với điều kiện mới

Sau thời gian dài học trực tuyến tại nhà, không thể phủ nhận việc học sinh đến trường trong giai đoạn này khiến hầu hết các em đều cảm thấy ái ngại, lo sợ.

Theo tôi, có 3 yếu tố chính dẫn tới tình trạng này. Yếu tố thứ nhất, do ở nhà và học trực tuyến trong một thời gian dài khiến các em đã quen với việc tương tác trên không gian mạng nên tất cả kỹ năng tương tác, xử lý ở trong đời sống thực bị "chuội" đi. Thứ hai, đối với học sinh, bao giờ cũng có cảm giác việc trở lại trường học chính là quay lại với các mối lo liên quan đến học tập, thi cử và tất cả các nhiệm vụ khác mà các em phải làm. Nhất là ở giai đoạn này, khả năng phải thi cuối kỳ offline sau một thời gian dài học trực tuyến khiến nhiều em mang tâm trạng hoang mang hơn. Thứ ba là sợ Covid-19 và các yếu tố an toàn về dịch bệnh. Hiện tại, tình hình dịch bệnh còn phức tạp với việc phát hiện nhiều số ca mắc ngoài cộng đồng, chưa kể việc tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng vẫn có nguy cơ mắc bệnh khiến tâm lý của các em trở nên lo sợ hơn.

PGS.TS Trần Thành Nam (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Trần Thành Nam (Ảnh: NVCC)

Trước tình hình đó, phụ huynh nên cùng con xây dựng thời gian biểu sinh hoạt, học tập gần gũi với nhịp đi học trực tiếp, cụ thể là nên ngắt thời gian học online của con xuống, thay vào đó phải có những hoạt động phù hợp với việc học trực tiếp. Điều này sẽ giúp các em khi quay lại trường có thể dễ dàng thích nghi hơn.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chú ý, quan tâm kịp lúc tới cảm xúc của các em. Nếu thấy con có dấu hiệu lo âu, căng thẳng, sợ tới trường, bố mẹ cần tìm cách trấn an, động viên, hướng con tới những điều tích cực. Nếu không kịp thời giải quyết vấn đề tâm lý trên, khả năng các em sẽ mang tâm trạng khó chịu, bất mãn nhập học. Bố mẹ cũng cần chung tay cùng giáo viên để giải quyết những vấn đề đó. Ngoài ra, nếu kết nối được với những trung tâm tư vấn tâm lý uy tín thì phụ huynh có thể dễ dàng giúp đỡ con hơn.

Cùng việc hỗ trợ kỹ năng để các em có thể hòa nhập lại với môi trường học đường, phụ huynh nên rèn cho con việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch để bảo vệ bản thân trước tình hình mới.

TS. Hoàng Trung Học (Trưởng Khoa Giáo dục - Học viện Quản lý giáo dục): Nhà trường xây dựng kế hoạch linh hoạt đón học sinh trở lại

Bên cạnh việc gia đình hỗ trợ thì việc chuẩn bị của các nhà sư phạm giáo dục ở trường là cực kỳ quan trọng.

Trước tiên, nhà trường phải chuẩn bị thật tốt những điều kiện về chống dịch để các em đi học được an toàn. Thứ hai, nhà trường cần tổ chức công tác thật tốt trong những tuần đầu tiên học sinh đi, có thể coi đó là tuần giáo dục định hướng cho các em theo nhịp học tập mới. Theo đó, tuần đầu thì không nên tập trung quá nặng, quá nhiều vào kiến thức chuyên môn vì có thể làm cho các em bị "sốc". Thay vào đó, nhà trường hãy tập trung các hoạt động kết nối làm cho học sinh hứng thú khi trở lại trường. Đồng thời tập trung vào các kỹ năng phòng chống dịch và ứng phó với điều kiện dịch bệnh mới.

Các nhà trường cũng nên chuẩn bị một kịch bản có thể dừng việc học bất kỳ lúc nào bởi vì dịch bệnh có thể bùng trở lại. Vì vậy hãy tranh thủ tối đa trẻ đến trường, điều chỉnh chương trình giảng dạy sao cho quá trình học trực tiếp có thể dạy cho các em được những kiến thức căn bản nhất để trẻ lĩnh hội hiệu quả chương trình học.

TS. Hoàng Trung Học (Ảnh: NVCC)

TS. Hoàng Trung Học (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, vai trò của các thầy cô giáo chủ nhiệm, vai trò của các chuyên gia tư vấn trong nhà trường cực kỳ quan trọng. Cần phải thường xuyên tổ chức các hoạt động trò chuyện, gần gũi các em để kịp thời phát hiện những em có tình trạng bất thường về tâm lý, để hỗ trợ các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường học mới. Đồng thời nhà trường cũng phải chuẩn bị tâm thế, kế hoạch để ứng phó với tình trạng có thể bạo lực, tình trạng trì trệ, tình trạng suy giảm nhận thức và rối loạn cảm xúc sẽ gia tăng. Chỉ khi chuẩn bị tốt những điều đó thì các em mới có thể thích ứng nhanh với điều kiện học tập mới.

Học sinh bị "sốc" tâm lý khi quay trở lại trường

TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) nhận định tâm lý này xuất phát từ việc trong khoảng thời gian ở nhà học trực tuyến, nhiều em được sống tự do, thoải mái, không bị bó buộc về thời gian và không ai kiểm soát việc học. Lúc đó, các em trở nên lười biếng và yêu thích trạng thái này. Tuy nhiên, tâm lý này chỉ là tạm thời và có thể cải thiện được nếu phụ huynh, nhà trường có phương pháp can thiệp đúng.

Bên cạnh đó, tâm lý chán nản, ngại học, bị lo lắng, thậm chí sợ trường không hoàn toàn phổ biến ở tất cả học sinh. Bởi nhiều em có cảm giác "bí bách" với việc học online ở nhà trong khoảng thời gian dài nên mong muốn sớm được tới trường, gặp gỡ bạn bè, thầy cô.