Chuyên gia an ninh mạng: Những lời hứa "quá hời" có thể là dấu hiệu lừa đảo trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Không gian mạng đầy rẫy lừa đảo trực tuyến nhưng cũng là nơi có thể giúp kiểm chứng thông tin lừa đảo trực tuyến, quan trọng là người dùng cần phải tỉnh táo, biết cách sử dụng sao cho hiệu quả, an toàn.
Thông tin lừa đảo trực tuyến khiến nhiều người trở thành nạn nhân

Thông tin lừa đảo trực tuyến khiến nhiều người trở thành nạn nhân

Lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp

Lừa đảo trực tuyến đang là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, cách thức thay đổi liên tục, lừa đảo trực tuyến đã khiến số nạn nhân và thiệt hại của người dân tăng không ngừng, mặc dù các cơ quan chức năng, các chuyên gia liên tục cảnh báo.

Mới đây, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) phát đi cảnh báo về tình trạng giả mạo thương hiệu lớn để lừa đảo khuyến mãi.

Theo NCSC, thủ thuật chung của những kẻ lừa đảo là gửi link đường dẫn có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người tiêu dùng nhập thông tin đăng nhập trang Facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng cá nhân sau đó thủ phạm tiến hành chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân.

Đối với các tài khoản Facebook cá nhân, thủ phạm sẽ lần lượt nhắn tin danh sách bạn bè để nhờ nạp tiền, chuyển khoản. Đối với các tài khoản ngân hàng, thủ phạm sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền.

Cụ thể, những ngày gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện quảng cáo (được tài trợ) fanpage SamCenter Việt Nam với nội dung khai trương cơ sở mới, đồng thời bán giảm giá 5.000 chiếc tai nghe Buds 2 Pro lên tới 70% chỉ còn 599.000 đồng/chiếc (giá gốc 4.990.000 đồng); đi kèm là hình ảnh cửa hàng SamCenter với cảnh dòng người xếp hàng đang mua sản phẩm tại đây.

Những ngày sau đó, cũng chính fanpage này lại xuất hiện quảng cáo: “Được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng, chỉ sau 2 giờ lượt bán đã chạm mốc 5.000 chiếc, chính thức phá kỷ lục của hãng từ trước đến nay".

Trên website giả mạo này có nội dung giới thiệu rất chi tiết về chiếc tai nghe Galaxy Buds 2 Pro, với hình ảnh, âm thanh và màu sắc rất sinh động, thậm chí, có thể nói là thiết kế rất chuyên nghiệp. Phía cuối trang là chương trình Flash Sale với nội dung “đặt ngay nhận ưu đãi, số lượng có hạn” cùng thời gian đếm ngược chương trình sẽ diễn ra sắp tới.

Ngoài ra, để nâng cao uy tín, bên dưới các bài đăng của trang Fanpage giả mạo, xuất hiện hàng loạt các bình luận seeding với nội dung "đã nhận được hàng" và đánh giá chất lượng sản phẩm.

Đại diện Công ty điện tử Samsung Vina cho biết, các website trên không phải là trang chính thức của Samsung và chương trình giảm giá này cũng không tồn tại.

Trước đó, nhiều người dùng mạng xã hội cũng nhận được tin nhắn với nội dung “nhận quà từ Adidas nhân kỷ niệm 70 năm thành lập công ty” kèm theo đường link để người dùng đăng nhập. Tương tự trong những ngày đầu tháng 6, hàng loạt tin nhắn tương tự với nội dung như tham gia “Quỹ phúc lợi Coca-Cola” để nhận quà, nhận thưởng từ đồng hồ Rolex nhân ngày thành lập... cũng được gửi ồ ạt cho nhiều người.

Ngoài hình thức trên, lừa đảo trực tuyến còn ghi nhận các trường hợp giả danh công an, viện kiểm sát, cơ quan đăng kiểm, doanh nghiệp viễn thông, công ty điện lực… để lừa đảo người dùng. Mục đích cuối cùng là dẫn dụ người dùng chuyển tiền vào tài khoản của kẻ giả mạo.

Cách nào nhận biết lừa đảo trực tuyến?

Chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn- Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, không gian mạng là nơi đầy rẫy lừa đảo trực tuyến nhưng cũng là nơi có thể giúp kiểm chứng thông tin lừa đảo trực tuyến, quan trọng là người dùng cần phải tỉnh táo, biết cách sử dụng sao cho hiệu quả, an toàn. Do đó, cần có kỹ năng nhận diện thông tin trên không gian mạng.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, trước hết, người dân cần nâng cao kỹ năng xác minh thông tin, bằng cách: Tra cứu nguồn gốc thông tin. Nếu nguồn thông tin không phải là các trang web chính thức của các cơ quan, tổ chức uy tín, người dân cần cảnh giác. Các nguồn không đáng tin cậy thường tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo cao.

So sánh thông tin: Đối chiếu thông tin với nhiều nguồn khác nhau để đánh giá tính chính xác. Nếu thông tin chỉ xuất hiện ở một nơi hoặc không có trên các trang web chính thức, cần phải thận trọng.

Tìm kiếm phản hồi: Các diễn đàn và mạng xã hội có thể cung cấp thông tin từ những người đã trải qua tình huống tương tự. Tuy nhiên, cần cảnh giác với thông tin giả có thể do chính những kẻ lừa đảo đưa ra để gây hoang mang.

Vị chuyên gia này cũng nêu một số dấu hiệu lừa đảo để người dân cảnh giác, như: Thông tin lừa đảo thường áp lực thời gian. Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra các mốc thời gian gần để gây sức ép lên nạn nhân. Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo thường yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và kèm theo những lời hứa “quá hời”. “Những cơ hội hoặc lời hứa quá tốt thường là dấu hiệu của lừa đảo”- ông Vũ Ngọc Sơn nói.

Ngoài ra, người dùng cũng nên sử dụng ứng dụng an ninh cho điện thoại giúp quét mã độc, cảnh báo khi có bất thường cũng như tự trang bị cho mình những kỹ năng an toàn khác như: Sử dụng mật khẩu mạnh; Kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA); Cẩn thận với liên kết và tệp đính kèm.

Người dùng cũng cần thường xuyên cập nhật kiến thức về các hình thức lừa đảo mới và các biện pháp bảo vệ; Chỉ thực hiện giao dịch trên trang web uy tín: Nên chọn các trang có chứng chỉ SSL (bắt đầu bằng “https://”), có thông tin liên lạc rõ ràng và ưu tiên các tên miền .vn.

“Bằng cách áp dụng những biện pháp này, người dân có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trong môi trường trực tuyến, đồng thời góp phần xây dựng một không gian mạng an toàn và minh bạch hơn”- ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.