Chuyên gia 10 tuổi lập trình website

ANTĐ - Sẵn có sự yêu thích các trò chơi dân gian và niềm đam mê công nghệ thông tin, Kỳ Anh - học sinh lớp 5A trường Tiểu học Yên Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội đã thiết kế một website khiến chuyên gia lập trình phải ngỡ ngàng.

Kỳ Anh và giao diện của wesite trò chơi dân gian. Ảnh: NLĐ


Trang web của cậu bé lớp 5

Từ những lần tìm kiếm thông tin trên mạng, Kỳ Anh nhận ra rằng trò chơi dân gian tuy rất bổ ích nhưng giới trẻ ngày nay lại ít biết đến và cũng chưa có một hệ thống thuận tiện cho mọi người tìm hiểu. Do đó, dù mới chỉ học đến lớp 5, nhưng cậu bé này đã mày mò, thiết kế một trang web với mục đích hệ thống hóa thông tin về các trò chơi. Không sáng tạo ra trò chơi, nhưng Kỳ Anh đã thực hiện một ý tưởng mà người lớn cũng chưa từng nghĩ đến.

Website với tên “Trò chơi dân gian Việt Nam” được thiết kế với giao diện ấn tượng, gồm 3 phần: Trang chủ, trang giới thiệu và trang trò chơi. Trong đó, trang trò chơi là trang chính, liệt kê và dẫn đến 22 trò chơi: kéo co, kéo cưa lừa xẻ, chơi đu, vật cù, đấu vật, ném còn, cờ người, thổi cơm thi, chọi trâu, chọi gà, đi cà kheo, tập tầm vông, chi chi chành chành, rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột… Mỗi trò chơi đều được lập bảng hướng dẫn chi tiết kèm theo hình ảnh và video clip minh họa để người xem dễ dàng hình dung ra trò chơi. Đặc biệt, Kỳ Anh còn cất công tìm kiếm và lồng ghép vào đó các bài đồng dao vì theo em các trò chơi dân gian cho trẻ em thường có liên hệ mật thiết với các bài đồng dao. “Em đã phải mất một tháng cho việc tìm kiếm clip và hơn một tháng nữa để thiết kế xong trang web này” - Kỳ Anh chia sẻ.

Sự tình cờ chắp cánh đam mê

Kỳ Anh sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Mãi đến khi 5 tuổi mới về Việt Nam sống cùng ông bà nội. Khi ấy, bà nội em rất lo lắng cho đứa cháu trai “vẫn còn ngờ nghệch” và “không biết gì về quê hương”, nên bà đã dạy cho em những trò chơi dân gian như nu na nu nống, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan… với hy vọng em sẽ hiểu thêm về quê hương mình và sớm hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam. Bà cũng thường đọc cho em nghe những câu đồng dao và ông nội thì kể cho em nghe về ý nghĩa, nguồn gốc của mỗi trò chơi. Cũng chính từ sự quan tâm, chăm sóc của ông bà, niềm yêu thích các trò chơi dân gian đã lớn dần lên theo sự trưởng thành của em.

Niềm đam mê công nghệ thông tin đến với Kỳ Anh cũng là sự tình cờ. Từ một lần ông trẻ cho em xem đoạn video về bức tranh cổ của Trung Quốc được 1.000 chuyên gia “chuyển hóa” thành tranh động với các nhân vật và cảnh vật vô cùng sống động, em đã luôn mơ ước có thể tự mình thực hiện được một điều kỳ diệu như vậy. Kỳ Anh bắt đầu dành thời gian tự tìm hiểu thông tin về thiết kế

website. Mong muốn trở thành một chuyên gia về công nghệ thông tin - một hacker “trắng” có thể ngăn chặn sự phá hoại của hacker “đen” đến với em từ đó. Sau khi tìm hiểu về Kỳ Anh cũng như nhận thấy khả năng của em, trường ĐH FPT đã nhận đỡ đầu và sắp xếp cho Kỳ Anh tham gia học cùng các sinh viên của ĐH FPT một khóa học về lập trình Alice, môn học được coi như nhập môn về lập trình hiện đại do Đại học CMU (Mỹ) phát triển đang được triển khai rộng rãi tại ĐH FPT.

Kỳ Anh bên ông bà nội


Thích Michael Jackson nhưng… trò chơi dân gian vẫn là nhất

Là sinh viên trẻ nhất khóa học lập trình Alice, Kỳ Anh tỏ ra khá nhanh nhạy trong việc tiếp thu kiến thức trên lớp. Chỉ mới học được 4 buổi, nhưng những thao tác máy của Kỳ Anh đã khá thuần thục. Em rất tự tin khi giới thiệu sản phẩm thu được sau 4 buổi học, không những thế còn sẵn sàng thay đổi thiết kế theo yêu cầu của mọi người để chứng minh khả năng của mình. Tuy có tư chất đặc biệt, Kỳ Anh vẫn là một đứa trẻ 10 tuổi với những nét thơ ngây và nụ cười hồn nhiên. Mỗi buổi chiều, em vẫn thường đá bóng cùng các bạn gần nhà. Em thích nghe nhạc trong khi lên mạng và đặc biệt thích Michael

Jackson. Tuy nhiên, khi được hỏi thích nhảy như Michael Jackson hơn hay chơi trò chơi dân gian hơn, em gãi tai bẽn lẽn: “Trò chơi dân gian vẫn hơn”. Việc học trên trường luôn được Kỳ Anh và gia đình đặt lên hàng đầu. Ngoài hoạt động ngoài trời, em chỉ lên mạng 1-2 tiếng/ngày, thời gian còn lại dành cho học văn hóa. Vì vậy, Kỳ Anh luôn giữ danh hiệu học sinh giỏi trong suốt 4 năm học.

Website trò chơi dân gian Việt Nam của Nguyễn Kỳ Anh vừa giành giải khuyến khích cuộc thi Phần mềm sáng tạo của Hội Tin học trẻ thành phố Hà Nội lần thứ 16, đồng thời nhận được sự đón nhận của rất nhiều trẻ em và phụ huynh. Kỳ Anh cho biết, em dự định cuối tháng 12 này sẽ ra mắt website trên Internet, không phải vì sự nổi tiếng muốn làm “ông chủ nhỏ” mà đơn giản vì “các bạn ở trường rất thích và muốn nhiều bạn khác cùng biết đến và cùng chơi”.