Chuyện đặt tên đường phố: Cần có dấu ấn lịch sử

ANTĐ - Rất nhiều người dân sống trên đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, Hà Nội khi được hỏi có biết con đường được đặt theo tên ai đều lắc đầu. Cũng có người hồn nhiên quả quyết: “Thời xưa, cụ Tôn đã có công giúp dân làng ở đây đánh bại con thủy quái Hồ Tây nên được tôn làm Thành hoàng làng…”. Câu trả lời khiến nhiều người phải bật cười…

Phỗ Nguyễn Siêu

“Mù” thông tin

Đó là câu trả lời ngô nghê nhất bên cạnh những câu trả lời không sai nhưng cũng chẳng đúng như ông là một danh nhân, một người có công với đất nước, một nhân vật lịch sử,… Nhưng nếu hỏi lại, ông sống thời kỳ nào, quê quán ở đâu thì hầu hết đều không thể trả lời được. Ít người sống trên con đường mang tên ông biết rằng, ông sinh ra và lớn lên ở làng Trích Sài (Bưởi). Ông tham gia cách mạng từ năm 1929. Được giác ngộ và kết nạp vào Đảng, Nguyễn Hoàng Tôn đã tham gia phong trào “vô sản hóa” tại các mỏ than Quảng Ninh, rồi trở lại hoạt động một thời gian dài ở Hà Nội. Do bị phản bội, ngày 20-4-1931, Nguyễn Hoàng Tôn và nhiều đồng chí khác đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt. Trong tù, Nguyễn Hoàng Tôn đã chịu các hình thức tra tấn, dụ dỗ nhưng không khai, không chịu xin ân xá. Phiên tòa Hội đồng đề hình ngày 17-10-1931 đã xét xử khép ông vào án tử hình. Lúc đó Nguyễn Hoàng Tôn chưa đầy 20 tuổi. Cũng bởi quê ông ở làng Trích Sài gần đó nên tên ông đã được chọn đặt cho con đường gần với hồ Tây.

Khi nói về việc người dân không biết lịch sử, về tên danh nhân đặt cho đường phố nơi mình sinh sống, nhà nghiên cứu Giang Quân ngao ngán: “Chuyện đó bây giờ là bình thường, người trẻ không biết, người già cũng không. Tên của những con đường được đặt theo các danh nhân để tôn vinh những đóng góp của họ cho đất nước, thể hiện sự biết ơn tiền nhân và trân trọng những giá trị lịch sử, thể hiện lòng yêu nước của cư dân trên địa bàn. Thế nhưng, không chỉ người dân đi qua con phố, ngay cả những người sống ở đó, cũng không hề có chút thông tin, kiến thức nào về cái tên này thì khác nào chúng ta đã thất bại trong việc lưu giữ lịch sử thông qua con đường”.

Đó là chưa kể, ngay trong việc đặt tên đường cũng khiến người dân đau đầu không biết đó là ai. Số là người dân sống trên phố Nguyễn Siêu cứ nghĩ tên dãy phố được đặt theo tên của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Siêu - người đã đứng ra tu sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, xây Tháp Bút và Đài Nghiên... ở tại Hồ Gươm (Hà Nội) vào năm 1865. Nhưng thật ra Nguyễn Siêu là một sứ quân nổi dậy trong loạn 12 sứ quân vào thế kỷ X. Nguyễn Văn Siêu bị tưởng nhầm là Nguyễn Siêu còn do cả hai ông xuất tích từ đất Thanh Trì.

Rắc rối chuyện chọn tên

Trước đây từng có người cho rằng, không nên lấy tên các danh nhân để đặt tên đường bởi sợ “phạm húy”. Nhưng xét cho đến cùng, việc lấy tên tuổi của các danh nhân để đặt cho tên đường, tên phố là điều đúng đắn, nên làm. Chẳng thế mà ngay khi vừa nhậm chức, Thị trưởng người Việt đầu tiên của Hà Nội, bác sỹ Trần Văn Lai đã cho đổi một loạt tên phố vốn bằng tiếng Pháp sang tên tiếng Việt và lấy tên các anh hùng dân tộc trong lịch sử để đặt tên phố. Đại lộ Henri D’ orleans thành Phùng Hưng, F. Ganier thành Đinh Tiên Hoàng, Gambetta đổi thành Trần Hưng Đạo… đến các phố mà bây giờ vẫn gọi như: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Yên Thế, Nguyễn Công Trứ… đều do ông đặt cả. Tên tuổi và công trạng của danh nhân trở thành là tài sản chung của cả xã hội để làm nên niềm tự hào dân tộc. Nhưng cho đến giờ, có lẽ việc tôn vinh các danh nhân và những giá trị tinh thần lớn lao mà họ để lại không được chúng ta nhận thức rõ tầm quan trọng. Chúng ta mới chỉ làm ở bề nổi, đặt tên đường, phố theo tên các danh nhân mà quên mất việc tuyên truyền cho các thế hệ sau hiểu được những câu chuyện lịch sử ẩn sau cái tên đó.

Thiếu thống nhất

Cách đây 5 năm, vào năm 2006, nhân kỷ niệm ngày 20-10, TP.HCM đã thí điểm mô hình tuyên truyền sử trên đường phố thực hiện chương trình Dân ta phải biết sử ta. Theo đó, tóm tắt tiểu sử của 46 nữ anh hùng, danh nhân văn hóa, mà tên tuổi của họ được đặt cho những con đường, đã được in vào các banner treo trên 10 tuyến phố trung tâm. Chương trình đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người dân. Nhưng chỉ vài ngày sau, tất cả những banner này đã bị Công ty chiếu sáng công cộng, thuộc Sở GTCC TP.HCM, cho người đến tháo gỡ. Theo lý giải của đơn vị này, các banner đã treo trên trụ điện chiếu sáng do công ty quản lý mà chưa có phép.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn - Thư ký Hội đồng đổi đặt tên đường phố Hà Nội cho biết: “Thật ra, để làm công tác tuyên truyền cho tên một tuyến đường mới không khó. Theo TS.Nguyễn Thị Dơn, công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện việc này là loa phường. Đây cũng là một trong những đề xuất có vẻ vẹn toàn trong bối cảnh kinh phí cho việc tuyên truyền quảng bá vốn eo hẹp. Theo đó, loa phường, xã sở tại sẽ phát hàng ngày về lịch sử tên gọi của mỗi đoạn phố, con đường mới nằm trên địa bàn đó. Tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân trong khu vực. Nhưng ai không sống trên địa bàn sở tại khi đi qua con đường vẫn không biết ý nghĩa đằng sau cái tên đó.

Có một thời gian ở Hà Nội rộ lên thông tin chọn một khu đất nữa để làm trung tâm triển lãm, một thư viện giới thiệu các địa danh, tên đường phố. Thời đó, có người đưa ra ý kiến, sao không tìm trên mỗi phố, tại nơi trang trọng, đẹp đẽ và rộng rãi nhất dựng tấm bia đá khắc lên đó tên tuổi, cống hiến của danh nhân mà đường phố ấy mang tên. Người dân sống ở đó có thể dễ dàng tìm hiểu, người đi đường cũng có thể lưu tâm mỗi khi đi qua. Để khách du lịch qua đó thấy được sự tự hào của cư dân nơi đây về con đường, dãy phố của mình. Có lẽ đây là cách dạy lịch sử hay hơn cả theo mong muốn của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta”. Và truyền thống lịch sử, dấu ấn văn hóa sẽ lưu truyền mãi theo những tấm bia để các thế hệ kế tiếp hiểu và thêm yêu quý quê hương, đất nước mình.