Chuyến công tác mắc kẹt tại Hà Nội vì B-52

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tháng 12-1972, Không quân Mỹ đánh phá từ vĩ tuyến 17 ra các tỉnh miền Bắc Việt Nam vô cùng ác liệt. Tại trận địa trên không này, quân và dân Hà Nội đã đánh trả suốt ngày đêm, tiêu diệt nhiều B-52 và bắt sống phi công Mỹ ngay cửa ngõ Thủ đô.

Vào tọa độ lửa

Tôi đang ở khu sơ tán thì có giấy báo về Hà Nội gấp. Ngày đó xe ô tô khá ít, còn tàu hỏa chỉ chạy ban đêm vì ban ngày sợ máy bay Mỹ bắn phá. Tàu chạy với tốc độ rất chậm do đường sắt có nhiều đoạn mới sửa lại do vừa trúng bom. Đã vậy, lúc đi qua thị xã Bắc Ninh (lúc đó thuộc tỉnh Hà Bắc) thì phải dừng do có thông tin máy bay Mỹ đang đánh phá ga Yên Viên (Gia Lâm), hành khách cuống quýt xuống tìm nơi ẩn nấp. Từ đó nhìn về Hà Nội, chúng tôi thấy cả bầu trời đỏ rực. Những ánh chớp xanh, đỏ, vàng… do bom từ máy bay Mỹ ném xuống lóe lên như pháo hoa. Khi máy bay đi xa, còi báo an nổi lên thì bầu trời lại tối đen như mực.

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở đường Hoàng Hoa Thám ngày 27-12-1972

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở đường Hoàng Hoa Thám ngày 27-12-1972

Không một đốm lửa, không một ánh đèn, hành khách lầm lũi trở về toa của mình. Trưởng tàu thông báo, hành khách tuyệt đối không được thắp sáng bằng bất cứ loại đèn gì để tránh bị máy bay phát hiện. Lúc tàu chạy qua Từ Sơn, đến dốc Lã thì lại nhận được thông báo: “Đề nghị hành khách xuống tàu tìm phương tiện đi tiếp. Ga Yên Viên đã bị đánh bom, đường tàu hư hỏng không thể đi được”. Lúc này đã hơn 22h, mọi người lại lục tục quang gánh, thúng mủng, tay xách nách mang, bồng bế nhau dò dẫm trong bóng tối. Cầu Đuống không qua được do bom đã đánh sập 2 nhịp, chúng tôi theo hướng dẫn của dân quân tự vệ đi cầu phao qua sông về Hà Nội.

Trên đường đi có 3 mẹ con ngồi cùng toa ban nãy cứ bám theo tôi vì nghĩ tôi là bộ đội do mặc chiếc áo màu cỏ úa, đội mũ cối. Người mẹ khoảng gần 30 tuổi bế đứa con chừng hơn 1 tuổi, tay dắt theo đứa lớn khoảng 6 tuổi. Lúc trên tàu chị kể: “Mẹ con em sơ tán về quê chồng ở Phả Lại được ít ngày thì có tin chồng bị thương nặng trong đợt máy bay Mỹ đánh phá kho xăng Đức Giang. Chồng em lái xe vào kho nhận xăng, chưa kịp quay ra thì đã bị B-52 ập tới. Xe bốc cháy, anh vội nhảy ra khỏi cabin, người như bó đuốc.

Người bạn cùng đơn vị tìm về chỗ mẹ con em sơ tán báo tin như thế”. Vừa nói chuyện chị vừa khóc, trong khi đứa con gái lớn túm áo mẹ mếu máo kêu đói. Tôi moi trong ba lô ra phong lương khô đã mua ở ga trong lúc chờ tàu. Cầm phong lương khô, mắt cô bé sáng lên, bà mẹ cũng rưng rưng nước mắt. Thế là từ lúc xuống tàu đi bộ con bé cứ bám lấy tôi. Đi bộ đã mệt, bụng đói, vai đeo ba lô nặng trĩu lại phải dắt theo đứa bé, đến cầu phao Chương Dương thì đã gần 1h sáng, người tôi muốn rũ ra. Mẹ con người phụ nữ kia cũng chào tôi rồi tìm đường đến Bệnh viện Bach Mai thăm chồng.

Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom trong đợt không kích tháng 12-1972

Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom trong đợt không kích tháng 12-1972

Trận chiến không cân sức

Tôi vào đến trung tâm Hà Nội lúc 2h sáng. Đường phố vắng tanh không bóng người, thi thoảng mới có chiếc ô tô phóng vụt qua. Tình hình có vẻ yên ắng sau trận đánh bom cách đấy vài giờ. Đến vườn hoa Nhà Kèn (công viên Lý Thái Tổ ngày nay), tôi vào nhà bát giác tìm cái ghế gỗ dài để nghỉ chân. Nhưng vừa mới ngả lưng trên ghế, ba lô bỏ ra gối đầu thì một tốp dân quân tự vệ tay đeo băng đỏ, vai đeo súng trường xuất hiện. Họ gọi tôi dậy để kiểm tra giấy tờ. Người trưởng nhóm xem qua công lệnh của tôi rồi yêu cầu phải rời khỏi đây ngay, tuyệt đối không được ở lại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Anh bảo: “Đây là lệnh của thành phố. Đồng chí ở xa mới về không nắm được tình hình ở đây. Vừa mới ban nãy thôi, cả Hà Nội chìm trong bom đạn. Máy bay Mỹ thế nào cũng quay lại.

Bây giờ nhìn phố xá im ắng thế này, nhưng tất mọi người từ bộ đội đến dân quân tự vệ vẫn đang sẵn sàng chiến đấu”. Tôi lại lê bước tìm một góc tối dưới mái hiên nhà dân rồi tựa lưng nửa nằm nửa ngồi mong sao trời mau sáng. Đến lúc đang gà gật thì còi báo động lại rúc lên liên hồi, tiếp đến là những tiếng súng, tiếng pháo cao xạ đồng loạt nhả đạn. Chớp lửa đan nhau đỏ rực trên bầu trời, tiếng gầm rú từ máy bay Mỹ rợn người kèm theo tiếng bom nổ choáng óc. Cũng may ngay trước chỗ tôi ngồi có nhiều hố tránh bom cá nhân. Thi thoảng ngó lên nhìn rõ từng tốp dân quân tự vệ cầm súng chạy huỳnh huỵch trên đường phố. Có tiếng người nói với nhau: “Địch lại đánh cầu Long Biên rồi…”.

Lực lượng dân quân tự vệ đánh trả máy bay Mỹ

Lực lượng dân quân tự vệ đánh trả máy bay Mỹ

Trời vừa hửng sáng là tôi vội tìm đường đến điểm tập trung của đoàn xung kích hành quân vào khu 4. Trên đường phố tiếng loa truyền thanh đưa tin: “Đêm qua, bộ đội phòng không, dân quân tự vệ đã chiến đấu anh dũng, bắn rơi nhiều máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội...”. Do tình hình chiến sự, cầu phà, đường sá rời Hà Nội đều bị gián đoạn nên đoàn chúng tôi phải lui lại. Chiều tối hôm đó tôi tranh thủ đến thăm người bạn ở phố Khâm Thiên sau bao năm xa cách.

Khảng 21h, khi ra về thì còi báo động lại rú lên liên hồi, cùng lúc ấy hàng loạt bom nổ rất gần. Các cỡ đạn từ trận địa phòng không của ta thay nhau bắn lên, bầu trời lại đỏ rực như hỏa ngục. Chúng tôi vội chay xuống hầm cá nhân ngay trước cửa nhà, vừa kịp đậy nắp hầm thì một đợt bom mới làm rung cả nền đất, nghe rõ cả tiếng gạch đá rơi rào rào trên mái nhà. Dường như chúng tôi đang nằm trong tọa độ đánh bom của B-52. Ngớt tiếng bom, máy bay địch đã đi xa, chúng tôi tiếp tục về nơi trú quân. Dọc đường nhiều nhà cửa đổ sập, bùn đất phủ kín mặt đường, những tiếng khóc thảm thiết vọng ra từ trong những ngôi nhà đổ sập. Dân quân tự vệ, thanh niên cờ đỏ đổ ra rất đông để cứu người ra khỏi đống đổ nát.

Bản tin sáng ngày hôm sau qua đài truyền thanh thông báo: “Đêm qua, quân và dân Thủ đô chiến đấu anh dũng, bắn rơi nhiều máy bay địch trên bầu trời Hà Nội, bắt sống giặc lái Mỹ…”.